Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2024
Đăng ngày 29-02-2024 06:00, Lượt xem: 60

Quy định mới về mức thu phí đường bộ; Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa; Quy định mới về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2024.

Quy định mới về mức thu phí đường bộ

Có hiệu lực từ ngày 01/02/2024, Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ô tô). Xe ô tô nêu trên trong một số trường hợp không chịu phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, mức thu phí sử dụng đường của xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh có mức phí 130.000 đồng/tháng. Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 của Nghị định); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ có mức phí 180.000 đồng/tháng. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg có mức phí 720.000 đồng/tháng…

Cũng theo quy định tại Nghị định số 90/2023/NĐ-CP: Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg có mức phí 1.040 đồng/tháng. Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có mức phí 1.430 đồng/tháng…

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Nội dung nổi bật trên được quy định tại Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS.

Theo đó, từ năm học 2024 - 2025, sẽ có 2 lần xét tốt nghiệp THCS trong một năm. Các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất hai lần. Cụ thể, lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học; lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT, bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình. Học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS nếu không quá 21 tuổi, đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp.

Đồng thời, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới như: Học sinh trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp trung học cơ sở thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).

Về quy trình xét tốt nghiệp THCS, trưởng Phòng GDĐT thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của mỗi trường, gồm: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, đại diện Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội. Thành viên của hội đồng có ít nhất 7 người, phải là số lẻ. Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ học sinh, lập danh sách những em đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và phê duyệt. Dựa vào danh sách này, Phòng GDĐT ra quyết định công nhận tốt nghiệp THCS và cấp bằng cho học sinh.

Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa

Từ ngày 12/2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Cụ thể tại Điều 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc:

- Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

- Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Quy định mới về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo đó, Thông tư số 143/2023/TT-BQP bổ sung hình thức kỷ luật quân nhân đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc và cho vay nặng lãi. Cụ thể, tại Điều 42, Thông tư số 143/2023/TT-BQP nêu rõ các hình thức quân nhân bị kỷ luật như sau:

- Khiển trách hoặc cảnh cáo: Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép hoặc cho vay nặng lãi dưới bất kỳ hình thức nào.

- Hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm nếu vi phạm một trong các trường hợp: Là chỉ huy; Đã bị kỷ luật mà còn vi phạm; Lôi kéo người khác tham gia; Cho thuê địa điểm đánh bạc.

Thông tư số 143/2023/TT-BQP cũng bổ sung quy định về tình tiết giảm nhẹ, trường hợp chưa xem xét kỷ luật như sau:

- Bổ sung thêm 1 tình tiết giảm nhẹ tại điểm d, khoản 1, Điều 5, cụ thể: "Có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu".

- Sửa đổi, bổ sung trường hợp chưa xem xét kỷ luật tại điểm c, khoản 1, Điều 6, theo đó chưa xem xét kỷ luật đối với "Phụ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật".

Ngoài ra, Thông tư số 143/2023/TT-BQP còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật.

Thông tư số 143/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024, thay thế Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BCT ngày 22/12/2023 quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.

Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm (trứng thương phẩm không có phôi) năm 2024, gồm trứng gà; trứng vịt, ngan và loại khác là 68.670 tá. Đồng thời, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

Hạn ngạch mặt hàng muối - mã số hàng hóa 2501 (gồm cả muối ăn và muối đã bị làm biến tính và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) là 88.000 tấn. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế và làm nguyên liệu sản xuất hóa chất.

Thông tư số 37/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 6/2/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT