Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 4/2024
Đăng ngày 10-04-2024 05:47, Lượt xem: 2

Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2024 từ 01/4/2024; Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư; Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 4/2024.

Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Có hiệu lực từ ngày 10/4/2024, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương kế hoạch. Ngoài ra, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2024 từ 01/4/2024

Từ 1/4/2024 đến hết ngày 30/5/2024, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức điều tra doanh nghiệp. Đây là cuộc điều tra được tổ chức trên phạm vi cả nước, nhằm thu thập các thông tin về doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

Điều tra doanh nghiệp năm 2024 được tiến hành theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg, ban hành ngày 15/02/2023; và Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2024 do Tổng cục Thống kê ban hành. Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng.

Điều tra doanh nghiệp năm 2024 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp thông qua hình thức thu thập thông tin trực tuyến. Các bước thực hiện như sau:

Bước1: Doanh nghiệp truy cập trang web có địa chỉ sau:

 https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn hoặc  https://doanhnghiep2024.gso.gov.vn

Bước 2: Doanh nghiệp thực hiện đăng nhập theo thông tin:

Tài khoản: Mã số thuế của doanh nghiệp

Mật khẩu:  Mã số thuế của doanh nghiệp

Sau khi đăng nhập hệ thống sẽ yêu cầu Doanh nghiệp đổi mật khẩu cho lần đăng nhập đầu tiên, khi đó Doanh nghiệp thực hiện đổi mật khẩu theo yêu cầu của hệ thống (Lưu ý: mật khẩu mới phải có đủ các ký tự chữ và số).

Bước 3: Sau khi đổi mật khẩu thành công, Doanh nghiệp chọn mục Báo cáo năm để thực hiện kê khai toàn bộ thông tin của phiếu điều tra hiển thị trên màn hình.

Bước 4: Doanh nghiệp gửi kèm file báo cáo tài chính năm 2023 ( nhấn vào nút Gửi báo cáo tài chính góc trên bên phải màn hình nhập tin) để Cơ quan Thống kê kiểm tra lại số liệu đã kê khai.

Bước 5: Sau khi Doanh nghiệp kê khai đầy đủ các thông tin trong phiếu điều tra, sửa lỗi (nếu có), Doanh nghiệp thực hiện xác nhận Hoàn thành kê khai phiếu điều tra.

Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng, đồng thời là cơ sở dữ liệu để biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2024" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2024”…

Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Đất đai 2024 và có hiệu lực từ 01/4/2024.

Cụ thể, Điều 190 và Điều 248 của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024 quy định:

+ Hoạt động lấn biển (Điều 190): Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;

-  Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;

+ Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 (Điều 248), trong đó, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.

Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Cụ thể, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký.

Nghị định số 19/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2. Theo đó, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.

Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ UBND cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Nghị định số 19/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

Thời hạn báo cáo thông tin về nợ công

Có hiệu lực từ ngày 01/4/2024, Thông tư số 05/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 84/2018/TT-BTC quy định về mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công,

Theo đó, Thông tư số 05/2024/TT-BTC sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo thông tin về nợ công như sau:

- Báo cáo định kỳ: Báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 của năm báo cáo. Các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 31 tháng 07 hằng năm; Báo cáo năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hằng năm. Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15 tháng 02 của năm sau.

- Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm và hàng năm:  Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm được tính từ năm n+1 đến n +5 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) cùng thời gian với kỳ lập kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm. Báo cáo kế hoạch vay trả nợ hàng năm được tính từ năm n+1 đến năm n+3 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15/7 hằng năm.

- Báo cáo đột xuất: Trường hợp cần báo cáo đột xuất để thực hiện yêu cầu về quản lý nhà nước đối về nợ công, cơ quan yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ kỳ báo cáo, tiêu chí báo cáo, số liệu, thông tin cụ thể, thời hạn gửi báo cáo.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-BTC, Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định có liên quan.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT