Tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát
Đăng ngày 12-03-2021 09:45, Lượt xem: 150

Quán Thế Âm Bồ Tát hình ảnh thân thiết gần gũi đối với mọi người, nhất là người Á Đông. Ngày nay, Quán Thế Âm Bồ Tát được thờ phụng tại nhiều quốc gia dưới nhiều tên gọi khác nhau như Kannon, Kanzeon (Nhật Bản), Guan Yin, Guan Shiyin (Trung Quốc), Spyanrasgzigs (Tây Tạng), Nidubarusheckchi (Mông Cổ), người Champa và Khmer gọi là Lokesvara và Quan Âm (Việt Nam)... Hình tượng, vai trò, tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát trong tâm thức người dân của mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát xuất hiện khá sớm. Đối với người dân Việt Nam, vốn ưa chuộng cái thiện, ghét cái ác, ưa làm điều lành, mong muốn một cuộc sống thanh bình, yên ấm, hạnh phúc và luôn uớc ao mọi người cùng đến với nhau bằng sự cảm thông, tha thứ, chia sẽ. Vì lẽ đó, tâm nguyện từ bi, hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, trái tim đồng cảm, đức hiếu sinh và hoài bảo ban vui cứu khổ cho nhân loại của Quán Thế Âm Bồ Tát rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt.

Cho nên, khi tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát được truyền sang Việt Nam thì hình tượng của Ngài đã được bản địa hóa và phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người Việt. Ngài hiện thân và mang hình dáng, linh hồn, thể hiện tâm tư, khát khao, mong muốn… của người Việt, được người dân Việt Nam tôn thờ, kính ngưỡng. Từ việc vua chúa các triều đại của Việt Nam vì sùng mộ Phật giáo, kính ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát mà cho xây chùa chiền và tự viện khắp nơi, đó cũng chính là biểu đạt tâm thức người Việt trong tín ngưỡng về Quán Thế Âm. Cho đến việc dựng tượng đài Quán Thế Âm, cũng như tôn trí các bức tượng Quán Thế Âm qua nhiều mẫu thức khác nhau trong các tự viện, tịnh thất… cho thấy sự sáng tạo mỹ thuật, hội họa, điêu khắc trong trực cảm tâm linh của quần chúng đối với Ngài thật là tương thích, đa dạng và nhiệm màu.

Có những bức tượng, ảnh tượng của Ngài ngày nay đã được trở thành báu vật quốc gia được lưu giữ ở trong các tổ đình và bảo tàng quốc gia. Tín ngưỡng Quán Thế Âm còn xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học, như các tích truyện “Quan Âm Diệu Thiện”, “Quan Âm Thị Kính”, “Nam Hải Quan Âm”, “Quan Âm tống tử”, “Sự tích Bà chúa Ba”… được lưu truyền rất phổ biến và đã đi vào tâm thức người Việt để tạo ra những mẫu người Phật tử Việt Nam chí thành với đạo và tận tâm với đời để cùng nhau xây dựng đời sống an lạc.

Có thể thấy, tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát là một tín ngưỡng lâu đời, lan tỏa rộng khắp, đã ăn sâu vào niềm tin tôn giáo của hầu hết các dân tộc Á Đông. Đặc biệt, nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng, thờ phụng và có một đức tin tín ngưỡng lớn về Ngài, luôn xem Ngài như hình ảnh một người Mẹ với tâm nguyện hiền từ, đức độ che chở, cứu nhân độ thế. Vì vậy, tín ngưỡng Quán Thế Âm như một di sản trong lòng những người con Phật và cả đại quần chúng nhân dân, trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

a) Tín ngưỡng Quán Thế Âm theo tinh thần Phật giáo

Theo tinh thần Phật giáo, tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát là chúng ta đảnh lễ Ngài với tất cả tấm lòng của mình. Bởi vì Ngài là vị Bồ Tát luôn lắng nghe và sẵn sàng ban vui cứu khổ chúng sinh. Với một tình thương vô úy, Quán Thế Âm Bồ Tát muốn tất cả chúng sinh phải có những phút giây tịnh tâm, nhất niệm và quỳ dưới đài sen để đảnh lễ đức Phật. Và việc chúng ta kính ngưỡng, thờ lạy và xưng niệm danh hiệu Ngài, tức là chúng ta đang học đức hạnh cứu khổ ban vui của Ngài. Hiểu biết và thực hành theo hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn mọi cầu mong, ước muốn đều có thể hóa giải được.

Nói về sự linh nghiệm của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, hiện nay, Phật tử Việt Nam vẫn xem tác phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn” trong “Kinh Pháp Hoa” là kinh nhật tụng của mình, thường được tụng đọc hàng đầu ở các chùa hoặc vào những dịp cầu an, cầu phúc...

Đặc biệt, thiên nhiên Việt Nam cũng tạo ra nhiều tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong những động đá hết sức kỳ lạ, nhiệm màu, như ở Hương Tích (Hà Tây - Hà Nội), ở động Quan Âm dưới chân núi Kim Sơn (Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Như vậy, ở bất cứ nơi đâu có Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện, nơi đó có tín ngưỡng và là trụ xứ thờ tự của Ngài.

b) Tín ngưỡng Quán Thế Âm theo truyền thống dân gian của người Việt:

Ở Việt Nam, Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được ngưỡng mộ. Nhiều người dù chưa quy y Tam Bảo, chưa trở thành Phật tử chính thức cũng thường xưng niệm danh hiệu và thỉnh tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát để phụng thờ, lễ bái hằng ngày trong nhà. Nhiều người chưa biết gì nhiều về giáo lý của đạo Phật, nhưng họ vẫn kính ngưỡng, thờ tự Quán Thế Âm Bồ Tát một cách thuần thành. Đặc biệt, những người Việt Nam theo Đạo Phật, thường tôn kính khi nhắc đến danh hiệu của Ngài và coi Ngài là một vị cứu tinh. Riêng đối với các phật tử, danh hiệu của Ngài trở thành tiếng đầu môi mỗi khi gặp hoàn cảnh bất trắc xảy ra “Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm”.

Quán Thế Âm Bồ Tát còn ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa dân gian đến độ, chúng ta đi đâu, về đâu trên khắp đất nước cũng đều thấy tôn tượng của Ngài. Mặc dù có sự khác nhau về hình thái tôn thờ, nhưng hầu hết những tôn tượng Ngài đều toát ra một điểm chung nhất là tâm nguyện từ bi, hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, trái tim đồng cảm, đức hiếu sinh và hoài bảo ban vui cứu khổ cho nhân loại. Và điều này cũng phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Ngoài ra, tượng Quán Thế Âm thường được đeo trước ngực của những người dân Việt Nam sùng mộ đạo Phật, nói lên lòng tin tưởng rộng lớn vào năng lực cứu độ của Ngài vượt khỏi mọi tai ách khổ nạn. Đặc biệt, trong hoàng cung nhà Nguyễn thời xưa các Hoàng hậu thường thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đang bế em bé trên tay để cầu sinh thái tử.

Theo Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn, Đức Phật giải thích: “nếu có vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sanh bị các khổ não, nghe danh hiệu của Bồ Tát này liền nhứt tâm xưng danh Bồ Tát, thì tức thời Bồ Tát nghe tiếng kêu cầu rồi làm cho tất cả đều được giải thoát”. Vì vậy, khi khẩn cầu thường hay trì niệm đầy đủ: Tầm Thanh Cứu Khổ Nạn Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong tất cả các danh hiệu chư Phật và chư Bồ tát, thì danh hiệu của Ngài là được chúng sanh trì niệm nhiều nhất, bởi khi chúng sanh gặp hoạn nạn, nếu trì niệm danh hiệu của Ngài là phước đức hơn hết, nhành dương liễu và bình cam lồ là tượng trưng cho lòng từ bi trí giác ngộ của Ngài rưới tắt và làm dịu mát bao nỗi khổ đau, bao điều phiền não đang bừng cháy trong lòng chúng sinh.

Quán Thế Âm Bồ Tát có rất nhiều nhân duyên với chúng sanh trong cõi Ta bà này. Ngài có đủ oai thần và phương tiện để cứu khổ, ban vui cho chúng sinh. Nhưng có thừa hưởng được ân huệ của Ngài hay không, một phần lớn là do nơi chúng ta định đoạt. Vì, ngoài việc trì niệm danh hiệu, lễ bái cúng dường Ngài, bằng cách chúng ta hãy cố gắng thực hành theo hạnh từ bi của Ngài, để làm vơi đi bao nỗi khổ đau, bao điều sầu não cho mình và cho người trong hiện tại. Khi chúng ta chuyên tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát thì bao nhiêu ý niệm xấu xa sẽ lắng xuống, mọi đức tánh tốt sẽ được giữ lại, có như vậy chúng ta mới giữ cho tâm mình thanh tịnh, an yên thì sẽ mong được sức gia hộ của Bồ Tát.

Theo phong tục và quan niệm của dân gian, Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là người Mẹ hiền vĩ đại có công năng cứu khổ, che chở, ban phước lành cho mọi chúng sinh. Tuy, Ngài cũng như các vị Bồ Tát khác, nhưng bổn hoài của mỗi vị và hơn hết là nguyện lực của riêng mình nên Quán Thế Âm Bồ Tát có sức ảnh hưởng lớn trong tâm thức của mỗi người. Vậy nên, ba ngày vía của Quán Thế Âm Bồ Tát đều được các chùa và cộng đồng phật tử trên đất nước Việt Nam tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Có nơi, tổ chức vào Ngày Đản sanh của Ngài (19/2 âm lịch), hay ngày Ngài Thành đạo (19/6 âm lịch) hoặc ngày Ngài nhập Niết bàn (19/9 âm lịch). Đặc biệt, có những nơi tổ chức Ngày Lễ vía của Ngài đã trở thành lễ hội lớn mang đậm giá trị nhân văn đã đi sâu vào lòng dân tộc, trở thành niềm tin, sự kính tín ngưỡng của mọi người về vị Bồ Tát có nhân duyên với chúng sanh này.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT