Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 5)
Đá Mái: Đèo dài khoảng 4km, ranh giới giữa hai huyện Duy Xuyên và Quế Sơn. Thời kháng chiến chống Mỹ khi Quảng Nam chia thành hai tỉnh Quảng Tín (ở phía Nam) và Quảng Đà (ở phía Bắc) nơi đây trở thành ranh giới của hai tỉnh.

Đà Nẵng
Địa danh
có nguồn gốc Chăm (Đà nghĩa là sông, nước, còn Nẵng là lớn). Dân gian thường gọi là Hàn. Khi Alexandre De Rhone đến nghe người địa phương phát âm Kẻ Hàn, đã ghi Kean. Người Hải Nam phát âm Đà Nẵng thành Tourane. Địa danh Đà Nẵng được nói đến sớm nhất ở sách Ô châu cận lục (1555) chỉ một xứ đất, cửa biển Đà Nẵng, không phải là một địa danh hành chính.

Đà Nẵng
Vịnh
, còn có tên khác: vũng Đà Nẵng, vũng Hàn, vũng Thùng. Tên chữ Hán là Đồng Long Loan. Đây là một vinh biển lớn nhất của khu vực miền Trung, được che chắn bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà ở phía bắc và phía đông, bởi núi Phước Tường ở phía tây nam. Vịnh nước sâu và rộng, đáy đất cát và bùn, bỏ neo rất bám, có thể chứa hàng trăm tàu thuyền cỡ từ 30 -50 ngàn tấn neo đậu an toàn trong gió bão.
Đà Nẵng
Tấn
Đà Nẵng được vua Gia Long cho thiết lập ngay từ năm đầu niên hiệu (1802), nằm bên hữu ngạn sông Hàn cùng thời với tấn Cu Đê ở cửa sông Thủy Tú đổ ra Vũng Thùng. Đến năm 1813, việc phòng thủ ở tấn Đà Nẵng được tăng cường thêm hai cứ điểm quân sự: thành An Hải ở hữu ngạn và thành Điện Hải ở tả ngạn sông Hàn.

Đà Nẵng
Thành phố
nhượng địa mang tên Tourane được thiết lập theo một sắc lệnh của Tổng thống Pháp (1888) trên cơ sở 5 xã cắt ra từ huyện Hòa Vang nằm bên tả ngạn sông Hàn do một đạo dụ của vua Đồng Khánh. Đến ngày 15/1/1901, một đạo cụ khác do vua Thành Thái ký nhượng thêm 14 xã gồm cả bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hàn, tổng cộng là 19 xã.
Sau Cách mạng tháng tám, Tourane mang tên thành Thái Phiên, ngày 9/10/1945, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị các đơn vị hành chính từ cấp kỳ, thành phố, tỉnh và phủ huyện trong cả nước vẫn giữ tên như cũ, không dùng tên các danh nhân. Thành phố trở lại tên gọi cũ Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống Pháp, thành phố được đặt dưới quyền quản trị của Toàn Đốc lý, do một người Pháp đứng đầu. Về cơ bản, địch áp dụng chế độ thống trị nhượng địa cũ. Từ năm 1956 đến năm 1972, thị xã Đà Nẵng gồm 3 quận (1,2,3) với 28 khu phố. Từ tháng 10/1975, hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất lại thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, theo quyết định của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 ngày 6/11/1996 về việc tách Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính.

Đà Nẵng
Cảng biển
nói đúng hơn là hệ thống cảng, gồm cảng dân sự và cảng quân sự trên sông Hàn và cảng nước sâu, nằm ở tọa độ 16.07 độ Nam và 108.13 độ E được ghi trong bản đồ hàng hải quốc tế, ở đoạn giữa chiều dài bờ biển Việt Nam, là tâm điểm của bao lơn Thái Bình Dương. Từ Đà Nẵng đi Hồng Kong 550 hải lý, đi Yokohama 2340 hải lý, đi Hải Phòng 310 hải lý, đi Manila 720 hải lý, đi thành phố Hồ Chí Minh 520 hải lý, đi Singapore 960 hải lý. Công suất thiết 1500000 tấn hàng hóa/ năm, cộng với thế nước sâu, kín gió, biên độ thủy triều thấp. Các cảng chính: thương cảng nằm dọc theo đường Bạch Đằng, cảng nước sâu Tiên Sa, cảng dầu Liên Chiểu.

Đại Áp
Cửa biển
nơi hai dòng sông Tam Kỳ và Bến Ván đổ nước ra biển Đông, còn có tên là cửa Hiệp Hòa, cửa Cựu Tọa, thời Pháp thuộc có tên là cửa An Hòa, thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành cửa Kỳ Hà, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Thời phong kiến, nơi này có miếu thờ “thần Áp Sóng”. Tên gọi Đại Áp cũng từ đó mà ra.

Đại Bình
Làng
trồng nhiều loại cây ăn quả có gốc từ Nam bộ như sầu riêng, chôm chôm,.. nằm bên hữu ngạn sông Thu bồn, nay thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là một điểm du lịch sinh thái của tỉnh Quảng Nam.

Đại La
Đèo
thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, nằm ở phía Tây cách trung tâm thành phố 10km. Nơi đây, ngày 7/1/1947 và 17/2/1947 đã diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa lính Âu Phi với tiểu đoàn 17,18,19 của trung đoàn 96 trong âm mưu quân Pháp muốn phá vỡ phòng tuyến phía Tây thành phố của quân ta. Hiện ở đỉnh đèo có dựng bia ghi công về các trận đánh này.

Đại Lộc
Huyện
thành lập năm 1899 theo một đạo dụ của vua Thành Thái trên cơ sở một số châu, xã của huyện Diên Phước và một phần đất phía Tây huyện Hòa Vang được tách ra, gồm 6 tổng, 103 làng, châu. Huyện Đại Lộc hiện có 1 thị trấn và 15 xã.

Đàng
Chợ
nằm bên tỉnh lộ 611, thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền, năm Thành Thái thứ 10 (1898), ông Phan Quang – một trong năm người cùng đỗ tiến sĩ và phó bảng khoa thi Mậu Tuất được vua ban tặng tấm biển “Ngũ phụng tề phi”. Đám rước được tổ chức long trọng có dựng rạp hát bội, vui chơi nhiều ngày. Hàng quán bắt đầu mọc lên và tiếp tục được duy trì ở hai bên đường. Về sau, ông Phan Quang có hiến đất cho làng để lập chợ làm nơi buôn bán. Tên chợ Đàng ra đời từ đó.

Điện Bàn
Huyện
thuộc phủ Triệu Phong(Thuận Hóa). Theo sách Ô châu cân lục của Dương Văn An (1555), huyện Điện Bàn thời ấy có 66 xã, diện tích trải dài từ núi Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn.

Điện Bàn
Phủ
được chứa Nguyễn Hoàng cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận, Quảng. Năm 1604, phủ Điện Bàn quản 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh, Phúc Châu. Diện tích trải dài từ núi Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn.

Điện Bàn
Phủ
từ năm 1922 cho đến tháng 8/1945, là một trong 8 đơn vị hành chính trực thuộc Quảng Nam, đó là 4 phủ: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và 4 huyện: Hòa Vang, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước. Khác với thời nhà Nguyễn (phủ là một cấp trên huyện) thời Pháp thuộc huyện và phủ cùng cấp, chỉ có đơn vị hành chính có diện tích lớn thì gọi phủ, đơn vị hành chính hẹp hơn thì gọi là huyện.

Điện Bàn
Huyện
sau Cách mạng tháng tám, theo chủ trương của cả nước bỏ tên gọi phủ và thống nhất dùng tên huyện, phủ Điện Bàn đổi thành huyện Điện Bàn.

Điện Bàn
Quận
thời Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975), thay cho từ huyện để gọi đơn vị hành chính cấp dưới tỉnh.

Điện Bàn
Huyện
từ sau ngày giải phóng (1975), phía đông giáp huyện Đại Lộc, phía bắc giáp huyện Hòa Vang, phía nam giáp sông Thu Bồn. Huyện Điện Bàn gồm: thị trấn Vĩnh Điện và 19 xã: Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phước, Điện An, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Ngọc, Điện Dương, Diện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Minh, Điện Phương.

Điện Hải
Thành
, cũng gọi là đài, được thiết lập để bảo vệ Đà Nẵng, do Nguyễn Văn Thành đốc suất việc, xây dựng năm Gia Long thứ 12 (1813). Năm Minh Mạng thứ 4, 5000 dân công được huy động để xây dựng lại kiên cố hơn theo kiểu Vauban (Châu Âu) hình vuông, có 4 góc lồi chu vi 556m, cao 5m, hào sâu 3m, trang bị 30 khẩu đại bác.

Điện Ngọc
nằm ở phía đông huyện Điện Bàn, nằm giữa quãng đường Đà Nẵng – Hội An. Nơi đây, ngày 26/4/1962, xảy ra một trận đánh không cân sức giữa đội công tác cách mạng với 2 đại đội bảo an và biệt động của địch suốt một ngày trời. Lợi dụng đêm tối, các chiến sĩ của ta đã dìu những người bị thương, rút khỏi vòng vây. Chiến công tuyệt vời này đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc.”
Một tượng đài được dựng bên giếng cạn giữa cồn cát, nơi mà các chiến sĩ đã dùng làm công sự chiến đấu, để ghi nhớ chiến công này. Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Điện Ngọc – Điện Nam
Khu công nghiệp
đầu tiên và cũng lớn nhất của tỉnh Quảng Nam (1997) được xây dựng trên phần đất của hai xã Điện Nam và Điện Ngọc nằm ở phía đông của huyện Điện Bàn, Quảng Nam

Định Hải
Pháo đài
bảo vệ tấn Đà Nẵng thời Nguyễn, ở tả cửa biển, chu vi 25,3, trượng, cao 5,8 thước, có một kỳ dài, được xây năm Minh Mạng thứ 4 (1823).

Đỏ
Cầu
xe lửa bắc qua sông Cẩm Lệ, dài 220m, thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Có thời cầu được sơn đỏ nâu, nên dân gian gọi tên là cầu Đỏ. Năm 1960, một cầu bằng bê tông cốt thép được xây dựng song song bên cầu sắt (thuộc quốc lộ 1A). Theo thói quen, tên cầu Đỏ được dùng chung để chỉ cả hai cầu xe lửa và cầu xe hơi. Câu đối về cầu Đỏ được đưa ra từ lâu: “Cở đầu cầu Đỏ xanh như ngọc”, nhưng chưa có vế đáp.

Đồi Vàng
Di chỉ khảo cổ học
ở xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Gồm nhiều mộ chum thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh trong khung niên đại trước và sau Công nguyên. Có nhiều vật tùy táng như dọi xe chỉ, vò gốm, xẻng, chân đèn, liềm sắt, mã não màu nâu hồng.

Đồn Nhất
Đồn biên phòng
được thiết lập trên đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam, nơi con đường thiên lý Bắc Nam chạy qua. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cửa ải được xây bằng đá và gạch nung, dài 17 thước, rộng 15 thước, cao 15 thước. Có 2 cánh cửa gỗ lim kiên cố, mở đóng theo lệnh của người đồn trưởng. Trên cửa ải phía bên Quảng Nam có khắc 3 chữ hải Vân Quan, phía bên Thừa Thiên có khắc 6 chữ Hán Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Đông Phú
Thị trấn, huyện lỵ
của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, theo quyết định số 144/HĐBT ngày 3/12/1983 trên cơ sở sáp nhập một nửa xã Quế Châu và một phần xã Quế Long với diện tích 1300ha. Đông Phú nguyên xưa là tên một chợ thuộc huyện Quế Sơn.

Đông Giang
Huyện
thành lập theo quyết định của chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam tháng 3/1963 trên cơ sở huyện Thống Nhất được giải thể.

Đông Yên
Làng
dệt lãnh lụa nổi tiếng ở thế kỷ 19, thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Nơi đây, các nhà khảo cổ người Pháp vào đầu thế kỷ 20 đã phát hiện bia khắc chữ Chăm vào thế kỷ 4. Đây là tấm bia cổ nhất ghi bằng chữ Chăm pa tìm thấy ở Đông Nam Á.
Đồng Dương
Khu vực đặt kinh đô Indrapura (tiếng Chăm pa nghĩa là “kinh thành Sấm Sét”) do vua Indravarna 2 dời đô từ Bình Định ra vào năm 875. Nơi đây còn có Phật viện thuộc Phật giáo Đại thừa lớn nhất của Chăm pa. Khu vực nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Người phát hiện di tích là nhà khảo cổ học Parmentier ở thế kỷ 20. Ông đã cho khai quật và tìm được nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị, đưa về Viện bảo tàng Chăm pa Đà Nẵng như bệ thờ, tượng vũ nữ, tượng thần,.. đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn minh Chăm pa.

Đồng Dương
Làng Việt
từ thế kỷ 19, nay thuộc xã Bình Định, Thăng Bình, Quảng Nam.

Đồng Nghệ
Vùng đất
trung du nằm phía tây huyện Hòa Vang, Quảng Nam, nay thuộc xã Hòa Phú. Nơi này, ngày xưa cây nghệ hoang mọc thành rừng. Những tên gọi Đồng Nghệ, Đồng Xanh trước Cách mạng tháng tám là nỗi ám ảnh ngại ngùng của nhiều người, bởi đó là nơi rừng thiêng nước độc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp, Đồng Nghệ là chiến khu, nơi đứng chân của cơ quan Huyện ủy Hòa Vang, thành ủy Đà Nẵng.

Đồng Nghệ
Hồ
chứa nước nhân tạo nằm trên xã Hòa Phú, có dung tích 18 triệu m3, được xây dựng năm 1991, tưới 1500ha ruộng xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong, (Huyện Hòa Vang). Ngoài công dụng thủy lợi, hồ Đồng Nghệ còn có tác dụng làm thay đổi khí hậu, sinh thái khu vực phía Tây thành phố.

 
Đồng Tràm
Vùng đất
có nhiều cây tràm mọc, thuộc phía đông huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Được khai phá sớm nhất, thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Chánh đô An phủ sứ lộ Thăng Hoa Phạm Nhữ Dực (con thứ 5 đại tướng Phạm Ngũ Lão) là vị tiền hiền khai mở đất Đồng Tràm và ông đã chọn nơi đây làm chỗ yên nghỉ cuối cùng. Ngôi mộ trải qua hơn 5 thế kỷ vấn còn được giữ gìn cẩn thận.

Đồng Tràm
Làng
thuộc tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam vào đầu thế kỷ XX.

Động Hà Sống
Đoạn đường
đèo hiểm trở dài khoảng 500 m, một bên là vực sâu (sông Vu Gia), một bên là vách núi, nằm trên Quốc lộ 14B, cách thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam 12 km.
Nơi đây, thời Nghĩa Hội, được nghĩa quân xây dựng thành tiền đồn án ngữ căn cứ sông Con (gồm 9 xã miền tây Đại Lộc).
Trong kháng chiến chống Pháp, động Hà Sống là phòng tuyến bảo vệ vùng tự do của huyện Đại Lộc. Thời kháng chiến chống Mỹ, địch đóng đồn nơi đây để bảo vệ chi khu Thượng Đức, mà chúng gọi là “cánh cửa thép ở phía Tây của khu liên hợp quân sự Đà Nẵng.”

Đức Bố
Mỏ kẽm
nằm ở làng Đức Bố, xã Tam Lãnh, miền Tây huyện Tam Kỳ, nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được Pháp khai thác vào đầu thế kỷ XX.

Được
Chợ
nằm ở bờ phía Tây sông Trường Giang, thuộc xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây là chợ đầu mối lớn tập hợp các nguồn hàng nông lâm thổ sản của các huyện để chuyển về Hội An, Đà Nẵng theo đường sông và phân phối ngược lại các nhu yếu phẩm khác. Chợ hình thành từ thế kỷ 18, sung thịnh trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hàng chục triệu buôn của Hoa kiều và người Minh Hương được mở tại chợ này.
Nơi này, ngày 4/9/1954 đã xảy ra vụ thảm sát của quân đội Quốc gia làm chết 34 người, làm bị thương 23 người.

Cổng TTĐT thành phố
 
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT