Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông chiều 11-9
Đăng ngày 11-09-2020 17:17, Lượt xem: 205

Sáng 11-9, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh cho 4 bệnh nhân mắc COVID-19. Tính đến 16h ngày 11-9: Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 389 ca.

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 14h00 ngày 11-9)

* Thế giới: 28.351.985 người nhiễm/ 914.256 người tử vong

* Việt Nam: 1.059 người/35 người tử vong/893 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng: Sáng 11-9, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh cho 4 bệnh nhân mắc COVID-19.

Tính đến 16h ngày 11-9: Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 389 ca.

II. Báo chí viết về Covid-19

Từ 7h30 đến 16h30 (11-9), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Cổng Thông tin điện tử thành phố: Hàng quán nhộn nhịp trở lại trong buổi sáng đầu tiên thành phố chuyển trạng thái áp dụng biện pháp phòng, chống dịch

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40996&_c=100000150,3,9)

Sáng nay, 11-9, là buổi sáng đầu tiên Đà Nẵng chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo công văn số 6055/UBND. Theo ghi nhận, từ sáng sớm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã có nhiều khách hàng đến ăn uống tại chỗ nhưng vẫn thực hiện đúng các phương pháp phòng dịch; tại các chợ, Ban quản lý chợ vẫn trực trước khu vực ra vào để kiểm tra thẻ vào cổng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu vẫn tiếp tục đóng cửa,...

Khi chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, người dân vẫn thực hiện nghiêm việc mang khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Từ sáng sớm, tại các quán cà phê đã có đông khách hàng. Chủ các quán cà phê và khách hàng đều giữ khoảng cách tối thiểu 1m. "Cũng hơn 1 tháng kể từ đợt dịch đến giờ mình không ra đường. Sáng nay vẫn chưa nhận việc làm trở lại nên mình rủ bạn đi ăn sáng, uống cà phê. Dù không phải là ngày cuối tuần nhưng mình có cảm giác rất thoải mái, thảnh thơi. Chưa bao giờ uống một ly cafe lại thấy ngon đến vậy", chị Nguyễn Thị Lý (trú quận Hải Châu) chia sẻ.

Báo Đà Nẵng: Kiến nghị thống nhất các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với người đến từ Đà Nẵng

(https://baodanang.vn/ytesuckhoe/202009/kien-nghi-thong-nhat-cac-bien-phap-phong-chong-covid-19-doi-voi-nguoi-den-tu-da-nang-3707964/)

Sáng 11-9, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo về diễn biến, tình hình dịch bệnh; báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc.

Liên quan đến vấn đề này, chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét và chỉ đạo thống nhất hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với người từ Đà Nẵng đến các địa phương. Hiện nay, mỗi địa phương áp dụng một biện pháp khác nhau, khiến người đến từ Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, qua đánh giá, nhìn nhận tình hình, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-9, Đà Nẵng áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trạng thái có nguy cơ lây nhiễm thấp; cho mở cửa một số hoạt động thiết yếu trên cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Tính đến sáng 11-9, Đà Nẵng ghi nhận 389 trường hợp mắc Covid-19, đang ở ngày thứ 14 không ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây lan trong cộng đồng. Đến nay đã có 310 trường hợp được điều trị khỏi Covid-19, 33 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Tính từ ngày 24-7 đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 317.000 người, chiếm hơn 30% dân số.

“Hiện tại các hoạt động đang bắt đầu trở lại bình thường, người dân bắt đầu đến các địa phương để công tác, học tập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với người đến từ Đà Nẵng của các địa phương vẫn chưa thống nhất. Kính đề nghị Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất để các địa phương cùng thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiến nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo xét nghiệm SARS-CoV-2 có thu tiền đối với các trường hợp có nhu cầu từ Đà Nẵng đến các địa phương mà các địa phương này yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm với chủng virus này.

Công an Đà Nẵng: Xác minh, xử lý hành vi đăng tải nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật trên mạng xã hội

(http://cadn.com.vn/news/75_231328_xac-minh-xu-ly-hanh-vi-dang-tai-noi-dung-xuyen-ta.aspx)

Chiểu chiều 11-9 cho biết, vừa có báo cáo đề xuất gửi Giám đốc CATP nhằm có hướng chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ tham gia phối hợp xác minh, điều tra và xử lý hành vi vi phạm của ông Trần Xuân Hoàng (1981, trú đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - chủ cơ sở kinh doanh giày, dép Phượng Hoàng liên quan đến việc ông Hoàng đăng tải nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật trên mạng xã hội facebook.

Trước đó, ngày 31-12-2019, CAQ Liên Chiểu phát hiện cơ sở kinh doanh giày, dép Phượng Hoàng đang bày bán các loại hàng hóa giày, dép các loại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quá trình xác minh cho thấy, cơ sở này kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc suất sứ. Sau khi CAQ đề xuất, ngày 11-3-2020, cơ sở kinh doanh này đã bị UBND TP ra quyết định số 859/QĐ-XPVPHC ngày 11-3-2020, xử phạt vi phạm hành chính 2 lỗi là “kinh doanh hàng hóa nhập lậu” và “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc suất sứ” với tổng số tiền phạt là 49 triệu đồng.

Đến ngày 20-3-2020, ông Trần Xuân Hoàng có đơn đến UBND TP khiếu nại đối với Quyết định xử phạt nêu trên. Trong thời gian UBND TP đang giải quyết đơn, ngày 06-8-2020, thông qua mạng xã hội Facebook, trang fanpage có tên là “Giày dép Phượng Hoàng” của cơ sở kinh doanh Phượng Hoàng do ông Hoàng làm chủ đăng tải các nội dung xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ và nói xấu cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CAQ và chính quyền thành phố.

Lãnh đạo CAQ Liên Chiểu cho hay, hiện đơn vị đã có đề xuất với giám đốc CATP chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ phối hợp với CAQ tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý hành vi xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ và nói xấu các cơ quan chức năng có thẩm quyền của CAQ và TP. “Sở dĩ đơn vị có đề xuất này là bởi, nếu CAQ trực tiếp xác minh, xử lý thì dư luận sẽ cho rằng không đảm bảo tính khách quan hoặc là trù dập, o ép công dân. Sau khi có kết quả xử lý, sẽ cung cấp kết quả công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng” – lãnh đạo CAQ cho biết.

Pháp luật Hồ Chí Minh: Phòng dịch nghiêm ngặt tại các bộ phận 1 cửa ở TP Đà Nẵng

(https://plo.vn/thoi-su/phong-dich-nghiem-ngat-tai-cac-bo-phan-1-cua-o-tp-da-nang-937708.html)

Sáng 11-9, nhiều tổ chức, người dân đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, để làm thủ tục hành chính sau hơn một tháng bộ phận này đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.

Dù hơn một tháng gián đoạn vì dịch COVID-19 nhưng lượng người đến đây làm thủ tục hành chính không tăng đột biến.

Đến Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng từ 8 giờ 30 sáng để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe, anh Vũ (ngụ quận Thanh Khê) tỏ ra khá hài lòng với quy trình tiếp đón, phòng dịch tại đây.

“Ở đây công tác phòng, chống dịch rất nghiêm nhưng chúng tôi thấy khá thoải mái. Vị trí ngồi được giãn cách, thời gian chờ đợi không quá lâu, không có cảnh chen lấn” – anh Vũ cho hay.

Quan sát của PV, các cửa đi thẳng vào Bộ phận một cửa vẫn đóng kín. Tất cả người dân được chỉ dẫn vào một cửa duy nhất. Tại đây, mỗi người dân phải đeo khẩu trang, được xịt rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt.

Xong quá trình này, người dân lấy số thứ tự và ngồi chờ tại sảnh chính tầng trệt của Trung tâm Hành chính TP, thay vì đi thẳng vào Bộ phận một cửa bốc số thứ tự như trước đây.

Sảnh chính của Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng được tận dụng để sắp xếp nhiều hàng ghế cho người dân ngồi chờ với khoảng cách đảm bảo.

Khi đến số thứ tự của mình, mỗi người dân nhận hướng dẫn từ viên chức Tổng đài dịch vụ công 1022 và đi vào Bộ phận một cửa.

Số lượng người dân vào Bộ phận một cửa được giới hạn, đảm bảo giãn cách để không tập trung quá đông cùng một thời điểm.

Thanh Niên: Người Đà Nẵng hòa mình tắm biển sau 45 ngày 'cấm cửa' vì dịch Covid-19

(https://thanhnien.vn/du-lich/nguoi-da-nang-hoa-minh-tam-bien-sau-45-ngay-cam-cua-vi-dich-covid-19-1277766.html)

Sáng 11.9, ngày đầu tiên người dân Đà Nẵng được phép tắm biển trở lại sau thời gian 45 ngày "cấm cửa” phòng chống dịch Covid-19. 

Ghi nhận của PV Thanh Niên lúc 6 giờ tại bãi tắm Sao Biển, Mỹ Khê..., hàng rào ngăn người dân xuống biển đã được tháo dỡ, lực lượng chức năng túc trực chốt kiểm soát phòng chống dịch cũng được rút đi. Người dân hào hứng tiến vào bãi tắm, vô tư thỏa "nỗi nhớ" biển sau thời gian dài thực hiện cách ly xã hội.

Mờ sáng, thời tiết tại Đà Nẵng khá oi bức nên người dân và du khách đổ về các bãi biển để "giải nhiệt”. Tại bãi giữ xe, ô tô, xe máy xếp hàng dài sau bao ngày nơi đây vắng vẻ.

Ông Nguyễn Thanh Bình (61 tuổi, trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, hơn một tháng qua ông và cả gia đình hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Hôm qua nhận được thông báo các bãi biển ở Đà Nẵng cho phép người dân tắm biển trở lại, ông Bình cùng gia đình đã tổ chức đi tắm biển để thỏa thích.

Việt Nam:

 Vietnamnet: Không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ổ dịch mới

(https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-tuong-khong-de-tinh-trang-nguoi-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-gay-o-dich-moi-673105.html)

Theo báo cáo của Bộ Y tế (tính đến 17h, ngày 10/9), hầu hết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều yêu cầu người nhập cảnh phải có giấy xét nghiệm không dương tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (từ 2 tới 5 ngày), cách ly 14 ngày và có thể lên tới 21 ngày sau khi nhập cảnh (tại nhà hoặc cách ly tập trung).

Trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó, có 8 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối.

Trong tháng 9 mở một số đường bay thương mại, Thủ tướng đặt vấn đề phải quan tâm đặc biệt điều gì trong các biện pháp thường triển khai như cách ly, xét nghiệm…một cách thuận lợi nhưng chắc chắn, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá thời gian qua các địa phương, nhất là Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam, Hải Dương... đã phối hợp với ngành y tế, các cấp, các ngành để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm.

Đến nay, đã 9 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, về cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, đạt kết quả bước đầu.

Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Thủ tướng yêu cầu cấp bộ, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Các địa phương tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi DN xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.

Các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại giao thương, không “ngăn sông cấm chợ”.

Chính phủ: Hải Dương kết thúc cách ly y tế khu phố có 13 ca mắc COVID-19

(http://baochinhphu.vn/xa-hoi/hai-duong-ket-thuc-cach-ly-y-te-khu-pho-co-13-ca-mac-covid19/407418.vgp)

Sau 28 ngày thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, từ 0h ngày 11/9, các hộ dân gần ổ dịch 36 Ngô Quyền (TP. Hải Dương) đã trở lại cuộc sống bình thường.

Trước đó, từ 0h ngày 14/8, tỉnh Hải Dương đã thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế đối với khu phố Ngô Quyền, bán kính 250 m tính từ nhà hàng Thế giới bò tươi - nơi có ca mắc COVID-19 đầu tiên của tỉnh.

Bà Đặng Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Dương cho biết, việc phong tỏa diễn ra an toàn do sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong khu cách ly. Sau khi dỡ bỏ cách ly y tế, người dân khu vực này cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hải Dương, đến hết ngày 10/9, trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 ở ổ dịch 36 Ngô Quyền, đã có 11 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Liên quan đến ổ dịch này, có 1.624 trường hợp F1 và 7.301 người thuộc diện F2. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với chùm ca mắc COVID-19 của ổ dịch 36 Ngô Quyền đều đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

Trong ngày 10/9, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành quyết định gỡ bỏ vùng cách ly y tế từ 12h ngày 12/9 đối với một phần xóm chợ thuộc thôn Thượng Bì 2 (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc) gồm 57 hộ với 170 nhân khẩu.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin Hàng ngàn người Đà Nẵng đổ ra biển giải nhiệt sau chuỗi ngày giãn cách.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT