Cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân Đà Nẵng từ tháng 3 đến tháng 5-1966, đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam thời chống Mỹ

Do mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đám tay sai chóp bu của Mỹ ở Sài Gòn, cái gọi là “Hội đồng quân sự” do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu đã ra lệnh cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn I, ngày 10-3-1966. Nhận được tin Thi bị cách chức, vào lúc 17 giờ ngày 11-3-1966, khoảng 300 sĩ quan và binh lính thuộc phe cánh ông ta ở miền Trung họp mít tinh ở hội trường Trưng Vương (Đà Nẵng) “yêu cầu chính phủ trung ương phục chức cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi”, đồng thời thành lập “Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật” để làm áp lực với chính quyền trung ương.

Lợi dụng cơ hội này, học sinh, công nhân, tiểu thương, tăng ni, phật tử… đã tổ chức xuống đường, bãi khóa, đình công, bãi thị. Cơ sở bí mật của ta ở nội thành đã đưa người tham gia vào tổ chức ly khai của địch, nhằm lái phong trào tập trung đấu tranh chống Mỹ-Thiệu.

 

 

Nghiệp đoàn xe lam Đà Nẵng đình công cùng đồng bào đấu tranh làm chủ Đà Nẵng 76 ngày đêm (1966) 

 

Ngày 15-3, một cuộc mít tinh đông 10.000 người đã diễn ra ở công viên Diên Hồng. Nhiều đại biểu của quần chúng lên diễn đàn công khai tố cáo tội ác của Thiệu-Kỳ và bè lũ tay sai.

Ngày 18-3, Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng được thành lập. Ngày 19-3, Tổng hội sinh viên Huế cử người người vào tiếp sức, tổ chức cuộc hội thảo tại hội trường Trưng Vương với chủ đề “Bán nước hay cứu nước?”. “Ủy ban quân dân đấu tranh vùng I chiến thuật” được chuyển thành “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Đà Nẵng”.

Ngày 20-3, “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Đà Nẵng “ tổ chức lễ ra mắt trước 15.000 quần chúng tại công viên Diên Hồng, công bố lập trường và mục tiêu đấu tranh của lực lượng, nêu rõ tình trạng Mỹ xâm phạm chủ quyền quốc gia, đồng thời tuyên bố rút khẩu hiệu ủng hộ Nguyễn Chánh Thi.

Ngày 24-3, thanh niên chiếm đài phát thanh Đà Nẵng. Ở Hội An, Đài phát thanh cũng bị chiếm sau đó hai ngày.

Ngày 30-3, hơn 10.000 quần chúng xuống đường tuần hành thị uy, có hàng trăm xe ôtô các loại tham gia, mang biểu ngữ chống Mỹ, chống Thiệu-Kỳ.

Ngày 1-4, các giới trong thành phố, công chức, binh lính ngụy, đồng bào các xã vùng ven thành phố đông đến 25.000 người tham dự lễ “giỗ Tổ Hùng Vương” tại công trường Quách Thị Trang.

Ngày 4-4, Thiệu-Kỳ điều đến Đà Nẵng 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một tiểu đoàn lính dù, nhưng chưa dám đàn áp, vì chưa có lệnh của Mỹ.

Những ngày tiếp theo đã diễn ra các cuộc biểu tình của 2.000 công nhân khuân vác cảng Đà Nẵng, 1.000 ngư dân sông Đà… Tuy nhiên, kể từ 19-4 trở đi, sự chỉ đạo phong trào bị lúng túng về phương hướng và kế hoạch phát triển, thiếu năng động, kịp thời, do đó phong trào lắng xuống dần.

Chớp lấy thời cơ, Thiệu-Kỳ điều thêm hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra, dùng máy bay và xe bọc thép chiếm lại các vị trí then chốt trong thành phố.

Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất, có nhiều thành phần tham gia đông đảo nhất và kéo dài nhiều ngày nhất trong phong trào đô thị miền Nam thời “chiến tranh cục bộ”.

Đánh giá về cuộc nổi dậy này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng chống Thiệu-Kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-1966 tuy không đem lại thắng lợi, nhưng đã cho ta một bài học bổ ích về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Lúc đầu cuộc nổi dậy đó không phải do ta chủ động, mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta đã biết tập hợp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố… Bài học về cuộc nổi dậy của đồng
bào Đà Nẵng rất phong phú(1).
 

(1) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, H., 1985, tr. 18. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT