Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp
Đăng ngày 21-11-2023 17:12, Lượt xem: 72

Sáng 21-11, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố”. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Nguyễn Quang Thanh đồng chủ trì Hội nghị. 

Báo cáo tại hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh cho biết, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố Đà Nẵng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. 

Riêng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của các cơ quan tư pháp. 

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong hoạt động của ngành, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Quang cảnh hội thảo

Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về triển khai Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định Chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố, là “chìa khoá” quan trọng để triển khai và thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16-4-2019 về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; Chương trình số 37-CTr/TU ngày 31-01-2020 triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh”. 

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành, trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời đại kỹ thuật số, thúc đẩy toàn diện việc chuyển đổi số quốc gia và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số cũng như công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo mối quan hệ phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố, ngoài hỗ trợ từ ngành dọc Trung ương của các cơ quan tư pháp, UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp trên địa bàn để thực hiện các Đề án.

Cùng với đó, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện và hoàn thành hỗ trợ kết nối và vận hành mạng đô thị thành phố (mạng MAN) tại 10 cơ quan đơn vị ngành Tư pháp; hỗ trợ triển khai dự án xây dựng hệ thống quan sát trực tuyến các phiên tòa; hỗ trợ, phối hợp triển khai dự án Mua sắm và lắp đặt hệ thống ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự phục vụ cải cách tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân; hỗ trợ triển khai, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố với Hệ thống quản lý cấp phiếu Lý lịch tư pháp, Phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp; đã triển khai phần mềm chứng thực thành phố dùng chung từ năm 2014 và đang triển khai hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận về một số khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, góp phần kiến giải những nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận 

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận các ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu, nhất là những ý kiến mang tính giải pháp, kiến nghị, đề xuất về vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố  thời gian đến. 

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại những hạn chế. Có 3 thách thức lớn đối với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp là vấn đề về nhận thức, vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, nhận thức là vấn đề lớn, hạ tầng về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, thiếu máy móc, dữ liệu chưa đầy đủ,… Cùng với đó là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị tại địa phương rất khó tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin vì không có cơ chế, chính sách thu nhập phù hợp với trình độ công việc. 

Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành ủy liên quan đến cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng cần trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên lĩnh vực quản lý. Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và Nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong quá trình nộp hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân.

Đề nghị các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, hội nghị trực tuyến... Nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng các hệ thống cũng như các phần mềm nghiệp vụ hiện có.

Cùng với đó, yêu cầu Công an thành phố, UBND các quận huyện quan tâm, khai thác hiệu quả hệ thống camera trên địa bàn thành phố để bảo đảm an ninh trật tự và tích hợp các phần mềm quản lý thông minh. 

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cụ thể hoá những nội dung Nghị quyết để triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ thiết bị điện thoại, lắp đặt mạng Internet, wifi cho người dân, nhất là người dân tại huyện Hoà Vang nhằm nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Với những ý kiến, kiến nghị về các giải pháp tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết tin tưởng các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố sẽ kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố.

KHÁNH NHI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác