Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án
Đăng ngày 20-03-2023 15:23, Lượt xem: 124

Sáng 20-3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng.

Quang cảnh tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, bao gồm: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, để tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2017, lần đầu tiên hệ thống Tòa án nhân dân tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng xét xử với thành phần tham dự bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp để thảo luận và thống nhất thông qua 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.

Từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 05 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ. Mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng các Tòa án đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.

Đặc biệt, năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.

Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; đã giải quyết, xét xử được 35.561 vụ. Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, số lượng các vụ án hành chính có xu hướng tăng dần qua các năm với tính chất các vụ án ngày càng phức tạp.

Trong quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết để nâng cao tỷ lệ các vụ án được đối thoại thành, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp làm phát sinh kiểu kiện các vụ án hành chính.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giai pháp đột phá, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ (so với năm 2021, thụ lý tăng 1.018 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 2.831 vụ); đạt tỷ lệ 72,6%; vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu 

Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án dã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản", Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, để bảo đảm hoạt động xét xử trực tuyển chuyên nghiệp, thực sự mang lại lợi ích cho Tòa án và xã hội, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thưởng vụ Quốc hội sớm có ý kiến để Chính phủ cấp kinh phí cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện dự án Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến. Tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đặc biệt Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực triển khai lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho xét xử trực tuyến tại các cơ sở giam giữ. Đồng thời, tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến cho các Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và tận dụng các nguồn lực quốc tế về tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác