Không lạm dụng sản phẩm sát khuẩn tay nhanh
Đăng ngày 13-03-2020 09:32, Lượt xem: 1818

Để phòng tránh sự lây lan nhanh chóng chủng mới của virus corona (Covid-19) gây bệnh viêm đường hô hấp, biện pháp hữu hiệu và đơn giản nhất là rửa tay sạch sẽ. Theo tài liệu của Bộ Y tế hướng dẫn khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì đã có hiện tượng “kháng với các chất khử khuẩn”. Đồng thời, một số bài báo khoa học gần đây đã bắt đầu lo ngại về khả năng kháng cồn trong dung dịch sát khuẩn tay khô khi có nghiên cứu chỉ ra khả năng một số chủng vi khuẩn đã thích nghi với sản phẩm chứa cồn. Chính vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có trong dịch bệnh, khuyến cáo người dân không nên lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường.

Do việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước theo khuyến cáo không thật sự thuận tiện nên người dân có xu hướng tìm mua các sản phẩm sát khuẩn tay nhanh. Tuy nhiên, do tính khan hiếm của thị trường và tâm lý chủ quan nóng vội nên chúng ta dễ bỏ qua những lưu ý cần thiết để lựa chọn được sản phẩm hiệu quả và an toàn.

Vệ sinh tay - liều vắc-xin tự chế

Uớc tính có tới 80% tổng số ca bệnh truyền nhiễm thông thường lây qua tay. Trong khi đó, vệ sinh tay được coi là liều vắc-xin tự chế, đơn giản và hiệu quả để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng. Việc rửa tay giúp giảm 21% nguy cơ nhiễm trùng qua đường hô hấp. Chính vì thế mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn rất chi tiết về các cách vệ sinh tay và từng bước rửa tay nhằm đáp ứng yêu cầu về “hiệu quả” và “tính thuận tiện” trong môi trường y tế.

Để ứng phó với nCoV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cũng đã khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch là lựa chọn đầu tiên vì cách này giúp giảm được tất cả các loại vi trùng. Trường hợp khi không có xà phòng và nước thì sử dụng sản phẩm sát khuẩn tay nhanh có nồng độ cồn tối thiểu 60%.

Lưu ý khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn tay nhanh

Mặc dù là sản phẩm rửa tay nhanh đơn thuần, nhưng khi sử dụng cũng có thể gây một số tác dụng không tốt cho cơ thể. Một số hóa chất (như triclosan) khi dùng liều cao có thể làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Việc lạm dụng sử dụng cũng có thể gây nên các tác hại như làm mỏng da, khô da, làm da mất vai trò “hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể”. Thêm vào đó, bên cạnh thành phần chính có tác dụng khử khuẩn, còn có các chất tạo mùi, chất làm mềm da, chất “bảo quản” sản phẩm là những chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng, viêm da, thậm chí có thể gây rối loạn nội tiết...

Như chúng ta đã biết, thời gian tiếp xúc và lượng chất khử khuẩn quyết định đến khả năng diệt khuẩn nên việc tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng là thực sự cần thiết. Cùng một thành phần chính là Ethanol nhưng các sản phẩm khác nhau có cách dùng khác nhau. Lấy ví dụ các sản phẩm hay dùng trong Bệnh viện: Aniosgel 85 NPC có thể diệt được các chủng virus như Rotavirus, Herpesvirus, Coronavirus trong vòng 30 giây (ở điều kiện tiêu chuẩn) và hướng dẫn sử dụng sát khuẩn tay thường quy là 3ml/30 giây; Asirub dạng dung dịch được sử dụng từ 3-4 ml trong 1 phút; Alphasept handrub dùng 3ml với thời gian tối thiểu 30 giây. Đồng thời, để tính toán được lượng dùng, nhà sản xuất phải sử dụng các vòi bơm định lượng cho mỗi sản phẩm.

Hoạt chất và nồng độ hoạt chất trong nước sát khuẩn tay nhanh là điều kiện cần thiết. Thành phần chính của nước sát khuẩn tay khô thường dùng là cồn. Đây là dung dịch an toàn với da tay do đặc tính thân nước và bốc hơi nhanh, không gây bám dính. Tác dụng diệt khuẩn của cồn là do cơ chế làm đông vón protein của vi sinh vật. Do đó, cồn có tác dụng hay không phụ thuộc vào việc có đủ thời gian tiếp xúc, nồng độ thích hợp để thấm vào bên trong và tác động lên thành phần protein hay không.

Để đạt được hiệu quả cũng như an toàn với da tay thì cồn trong khoảng nồng độ 60 - 80 % (tt/tt) là sự lựa chọn tối ưu. Dung dịch ethanol đã được thử nghiệm với các chủng gây bệnh chủ yếu. Chỉ sau 10 giây thì ethanol ở nồng độ 30% - 100% có thể diệt được trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa và ở nồng độ 40% - 100% diệt được E.coli, Salmonella. Trong khi cùng thời gian 10 giây thì một số vi khuẩn gram âm như Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes có khả năng kháng hơn nên cần nồng độ cồn cao hơn, ở mức 60-100%. Tuy nhiên, không dùng cồn ở nồng độ cao 90 % vì ở nồng độ này cồn bốc hơi nhanh, không đảm bảo thời gian tiếp xúc và độ an toàn.

Cảnh giác với kháng các chất khử khuẩn

Theo tài liệu của Bộ Y tế hướng dẫn khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì đã có hiện tượng “kháng với các chất khử khuẩn”. Đồng thời, một số bài báo khoa học gần đây đã bắt đầu lo ngại về khả năng kháng cồn trong dung dịch sát khuẩn tay khô khi có nghiên cứu chỉ ra khả năng một số chủng vi khuẩn đã thích nghi với sản phẩm chứa cồn. Chính vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có trong dịch bệnh, khuyến cáo người dân không nên lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường.

CỔNG TTĐT TP TỔNG HỢP TỪ Suckhoedoisong.vn - CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA BỘ Y TẾ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT