Hệ thống đường hàng không thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 08-06-2020 08:02, Lượt xem: 5667

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là chi nhánh của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)  – một trong ba cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất tại Việt Nam sau Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nằm ở quận Hải Châu, cách Trung tâm thành phố Đà Nẵng 1 km về phía đông, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không có vị trí quan trọng trong hệ thống sân bay dân dụng Việt Nam tại khu vực miền Trung, là điểm trợ giúp quản lý điều hành bay, cung ứng dịch vụ không lưu cho các tuyến bay quốc tế Đông - Tây qua Việt Nam. Đây là điểm đi - đến của hơn 260 chuyến bay trong nước và quốc tế với hơn 40.000 lượt khách thông qua mỗi ngày. Với vị trí địa lý nằm ở vị trí trung lộ của Việt Nam, Đà Nẵng là điểm trung chuyển lý tưởng cho các đường bay quốc tế Đông- Tây (A1, A901) và Bắc Nam (W1) qua lãnh thổ Việt Nam. Đà Nẵng hiện đóng vai trò chuyển tiếp quan trọng cho các tuyến bay quốc nội từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh khu vực miền Trung, nối hai đầu đất nước với các địa phương xa xôi, đồng thời là cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất tại miền Trung Việt Nam.

Sân bay Đà Nẵng Sân bay Đà Nẵng là sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng, có diện tích đường bao là 1.100 ha, diện tích phần sân bay là 850 ha, trong đó diện tích phần dân dụng là 150 ha. Sân bay Đà Nẵng có: 2 đường băng, mỗi đường dài khoảng 3.048m, rộng 45m, được trang bị hệ thống đèn tín hiệu trên taxiway, runway, appron (bãi đậu)..., các hệ thống phụ trợ dẫn đường và hạ cánh chính xác (ILS, VOR/DME, NDB), các hệ thống radar sơ cấp - thứ cấp hiện đại, các hệ thống quan trắc và phát tin dự báo khí tượng tiên tiến, hệ thống thường trực khẩn nguy, các hệ thống phục vụ sân đỗ hiện đại...có khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn nhưBoeing 747, Boeing 777, Airbus A340, Airbus A330, Airbus A380... cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết. Sân bay quốc tế Đà Nẵng được xếp vào loại 4E, hạng C theo tiêu chuẩn của IATA. 

Sân bay Đà Nẵng có khả năng tiếp nhận hàng hóa và có khả năng phục vụ  hành khách tăng cao hằng năm (sản lượng hàng hóa năm 2017 đạt 59 nghìn tấn tăng 22,6% so với năm 2016 và sản lượng năm 2018 đạt được là 13,3 triệu lượt khách tăng 24,1% so với năm 2017 ), hàng ngày sân bay Đà Nẵng có khoảng 100 chuyến bay hạ cất cánh và khoảng 10.000 khách thông  qua nhà ga.

Hiện nay có trên 30 hãng hàng không của hơn 20 nước có máy bay bay qua vùng trời Đà Nẵng, trong đó có nhiều hãng hàng không quốc tế có máy bay hạ, cất cánh từ Đà Nẵng. Từ sân bay quốc tế Đà Nẵng, có thể đáp máy bay đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Pleiku... Cũng từ Đà Nẵng, quý khách có thể bay đi Bangkok (Thái Lan), Hongkong (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), Đài Bắc (Đài Loan)...


Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất tại Việt Nam sau Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. ẢNH: SƯU TẦM

Ngoài các chuyến bay nội địa, hàng tuần có các chuyến bay quốc tế trực tiếp từ Đà Nẵng đi Singapore, Quảng Châu, Côn Minh, Bắc Kinh và Hồng Kông (Trung Quốc), Narita (Nhật Bản). Ngoài ra, còn có các chuyến bay thuê chuyến Đà Nẵng – Macao, Đài Bắc và Seoul (Hàn Quốc) và ngược lại.

Năm 2019 có thêm loạt đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng như Incheon – Đà Nẵng (Air Seoul, Jetstar), Busan – Đà Nẵng (Korean Air), Daegu – Đà Nẵng (Vietjet, Jeju Air), Osaka – Đà Nẵng (Vietnam Airlines), Bangkok – Đà Nẵng (Thai Vietjet Air), Doha – Đà Nẵng (Qatar Airways), Chiang Mai – Đà Nẵng (AirAsia), Đài Bắc – Đà Nẵng (Bamboo Airway), Phnompenh - Đà Nẵng (Cambodia Angkor Air), các chuyến bay charter từ Nhật Bản, Trung Quốc, kết hợp việc tăng tần suất bay của các đường bay sẵn có từ Hàn Quốc, Thái Lan.

Tính đến tháng 12-2019, có tổng cộng 35 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 496 chuyến/tuần và 10 đường bay nội địa với tần suất 662 chuyến/tuần. Như vậy, hiện mỗi tuần có đến 1.158 chuyến bay quốc tế và nội địa đến sân bay Đà Nẵng.

Trong 35 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng hiện nay có 22 đường bay thường kỳ với tần suất 463 chuyến/tuần. Gồm các đường bay nối Đà Nẵng với Singapore, Muan, Incheon, Busan, Deagu, Tokyo, Osaka, Hồng Công, Siêm Riệp, Quảng Châu, Hàng Châu, Macao, Đài Bắc, Cao Hùng, Bangkok, Chiang Mai, Kualalumpur, Trịnh Châu, Phnompenh, Doha, Thành Đô, Bắc Kinh.

13 đường bay quốc tế còn lại là các đường bay thuê chuyến với tần suất 33 chuyến/tuần, nối Đà Nẵng với Cheongju, Ân Thi, Đài Bắc, Thượng Hải, Thâm Quyến, Trường Sa, Nam Kinh, Nam Ninh, Tế Nam, Thạch Gia Trang, Cáp Nhĩ Tân, Thường Châu, Hồi Hột. Ngoài ra, 10 đường bay nội hiện đang vận hành nối Đà Nẵng với Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Quảng Ninh, Pleiku.

Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng:

Nhà ga hành khách quốc tế được đưa vào khai thác từ ngày 19-5-2017 với diện tích 48.000m2, được thiết kế ấn tượng với mái vòm lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh chim hải âu – loài chim tự do trên biển Đông.

Nhà ga hành khách quốc tế đang trở thành một biểu tượng mới cho sự trẻ trung, năng động, phát triển mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng. Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng hoạt động với 500 chuyến bay quốc tế mỗi tuần được khai thác bởi 25 hãng hàng không, kết nối hơn 25 điểm đến trên toàn thế giới; nâng cao năng lực sân bay quốc tế Đà Nẵng lên 6 triệu khách/năm, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của du lịch và nền kinh tế thành phố.

Các thông số về nhà ga hành khách quốc tế:

  • Diện tích sàn: 48.000m2
  • 44 quầy làm thủ tục
  • 10 cửa lên máy bay
  • 20 quầy thủ xuất cảnh & 22 quầy thủ tục nhập cảnh
  • 04 băng chuyền hành lý
  • Năng lực: 1600 hành khách/ giờ cao điểm
  • 33 cửa hàng và 13 nhà hàng & quán cà phê


Nhà ga hành khách quốc tế đang trở thành một biểu tượng mới cho sự trẻ trung, năng động, phát triển mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng. ẢNH: CÔNG TY CP ĐẦU TƯ KHAI THÁC NHÀ GA QUỐC TẾ ĐÀ NẴNG

Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng:

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng giữ vai trò là cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các tỉnh trong vùng. Thành phố cũng đã xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch, xác định ngưỡng phát triển du lịch trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết vấn đề áp lực về môi trường.

Xác định vị trí địa kinh tế của sân bay Đà Nẵng, thành phố đã đề xuất với bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để điều chỉnh quy hoạch chung và được Chính phủ đồng ý. Trong điều chỉnh quy hoạch chung có đặt ra yêu cầu sẽ xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất 13-15 triệu hành khách/năm; quy hoạch cũng xác định phát triển sân bay Đà Nẵng thành đô thị sân bay.

CỔNG TTĐTTP TỔNG HỢP 

(THAM KHẢO TỪ BẢN THUYẾT MINH ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045; NIÊN GIÁM THỐNG KÊ: 2018 - 2019)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT