Đà Nẵng tập trung 3 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn
Đăng ngày 04-05-2024 15:01, Lượt xem: 142

Sáng 4-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Phenikaa tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Cùng dự có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, các viện, các trường đại học, các trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Về phía thành phố Đà Nẵng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Bàn về cơ hội, giải pháp để Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Hội thảo là dịp để Chính phủ, các Bộ, ngành lắng nghe ý kiến của các đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để xây dự chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung và chuẩn bị những Đề án quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của ngành nói riêng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực canh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng phát biểu tại Hội thảo

Xét theo chuỗi giá trị của sản xuất vi mạch (không kể đến khâu bán hàng, phân phối) có thể chia thành 6 công đoạn: Chế tạo vật liệu; Chế tạo thiết bị sản xuất chíp bán dẫn; Công cụ thiết kế, Thiết kế (gồm thiết kế hệ thống và gia công thiết kế và gia công thiết kế); Sản xuất; Lắp ráp và đóng gói, kiểm thử. Trong chuỗi giá trị này, chưa có quốc gia hoặc lãnh thổ nào đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn mà có sự phụ thuộc, phân công lẫn nhau. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21.

Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế; môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn; nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản và khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên - vật liệu thuận lợi…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, một điểm mạnh làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư hàng đầu là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tao và công nghệ cao; Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023.

Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

“Có thể nói, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này; từ chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…

Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia tốt vào chuỗi giá trị ngàn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn, tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được bài toán này, tham gia hiệu quả vào chuỗi hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Trước hết, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng khoa học, kỹ thuật hiện có để phát triển nguồn nhân lực phù hợp.

Thứ hai, STEM (Science, Technology, Engineering, Maths) với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống... là nền tảng căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn? cũng như phát huy được năng lực, sở trường về nhất là về toán học, khoa học cơ bản vốn là thế mạnh của Việt Nam. Để sẵn sàng nguồn nhân lực trong ngắn hạn, đề án phát triển nguồn nhân lực đã xác định kế hoạch đào tạo chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần hơn như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình. Tuy nhiên, cần có cơ chế, giải pháp như thế nào nhằm thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thí nghiệm, bên cạnh đặt hàng của nhà nước, để đào tạo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ ba, việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần cơ chế nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

“Đặc biệt, chúng tôi mong muốn lắng nghe kiến nghị, đề xuất, hoặc các ý tưởng về các "gói" cơ chế, chính sách cụ thể, đột phá, đặc thù, nhất là các cơ chế phát triển các phòng thí nhiệm, sử dụng chung các phòng thí nghiệm, cơ chế hợp tác công tư, đặt hàng theo đầu ra đối với các cơ sở đào tạo và học bổng, tín dụng cho sinh viên. Đồng thời, cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Với hệ sinh thái bao gồm: Giáo dục đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Công nghệ - Sản xuất công nghiệp, Phenikaa có thể chung tay cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Chính phủ ghi nhận sự tham gia của Thành phố Đà Nẵng cũng như các đối tác liên quan khác trong việc hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động cụ thể và cam kết vì sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch của Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nghiên cứu, đào tạo phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phát triển sản xuất chip bán dẫn nói riêng”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Đà Nẵng tập trung 3 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 05 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Đây là những lĩnh vực mới, phức tạp nhưng nếu quyết tâm đạt được thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và thoát khỏi được cái bẫy “thu nhập trung bình” của một thành phố quy mô nhỏ và vừa ở miền Trung.

Đà Nẵng nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là một lĩnh vực có sự ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn.

Do đó, từ tháng 10/2023 cho đến nay thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đã tổ chức Hội thảo ngày 10/10/2024 về giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.


Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

Thành phố cũng tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan trong tháng 11/2023 và tháng 2/2024, làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Ampere, Arm, Qualcomm, Intel, Qovor, MediaTek...

Trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới với Tập đoàn Synopsys.

Ngay sau đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Trung tâm DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông từ cuối tháng 12-2023 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26-1-2024. Đây được đánh giá là Trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo của cả nước.

Từ sau các chuyến công tác, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố Đà Nẵng như tập đoàn Synopsys, Intel, Qualcomm, Marvell và NVIDA… Các đối tác đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, thống nhất đề xuất hợp tác, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại thành phố Đà Nẵng.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa và các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Thành phố dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi  mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Việc xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố được xác định dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

"Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang xây dựng Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" dự kiến được ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu. Trong tổng thể các nhóm chính sách, giải pháp đề ra, thành phố Đà Nẵng tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thông tin.

Cụ thể, trong việc chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng có 1 Khu Công nghệ cao và 03 Khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Hiện nay Đà Nẵng đang xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024 Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp cũng như đầu tư thêm 3 khu công nghệ thông tin mới để đón nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đối với việc chuẩn bị cho công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực về liên quan đến ngành công nghệ thông tin và ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổng số tốt nghiệp hằng năm ngành công nghệ thông tin lvà các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…) là khoảng 5.700 sinh viên. Đến nay, đã có 3 trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch từ tháng 8-2024 với gần 200 chỉ tiêu/năm. Đồng thời, đã triển khai 03 lớp chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch. 

Ngày 23-3-2024 vừa qua, thành phố Đà Nẵng cũng đã triển khai thành công Lễ khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín (đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan) để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.


Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng đại diện cho liên minh các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm đào tạo vi mạch của Đại học Phenikaa

Thành phố Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, thành phố đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, dự kiến sẽ được Quốc hội họp thảo luận và biểu quyết thông qua trong tháng 6-2024.

Trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo như: Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học; Chính sách hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp; Chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

“Chúng tôi kỳ vọng tại Hội thảo Quốc tế ngày hôm nay sẽ có thêm nhiều thông tin, giải pháp, cơ hội hợp tác cụ thể, thiết thực để hoàn thiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo tại thành phố Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng (DSAC) đại diện cho liên minh các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm đào tạo vi mạch của Đại học Phenikaa (PSTC).

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác