20 năm tài trợ 89,5 tỷ USD vốn ODA
Ngày 7-8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế "Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam" dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các tổ chức định chế tài chính nước ngoài tham gia viện trợ ODA cho Việt Nam trong 20 năm qua.

Quang cảnh hội thảo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đã giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%; ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% với lãi suất thấp, thời gian vay từ 10-40 năm và thời gian ân hạn từ 5-10 năm (yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 25%); và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%, trong đó một phần không hoàn lại và một phần vay ưu đãi.

Hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Trong 20 năm qua, vốn ODA được tài trợ đều gia tăng năm sau cao hơn năm trước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới, trong đó 20 năm trở lại đây nhận được sự giúp đỡ của các định chế tài chính, quốc gia, cộng đồng quốc tế, thông qua nhiều hình thức, trong đó có hỗ trợ vốn ODA. Lượng vốn ODA cam kết tài trợ chiếm 10% tổng nguồn vốn xã hội đóng góp vào tổng nguồn vốn đầu tư của Việt Nam. Vốn ODA tập trung vào lĩnh vực quan trọng những  đặc biệt là hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, thủy lợi, điện lực, y tế, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường. Thông qua nguồn vốn ODA, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao năng lực kinh doanh hội nhập kinh tế thế giới.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể như tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm; khuôn khổ thể chế, pháp luật về quản lý nguồn vốn này dần được cải thiện nhưng qui trình thủ tục còn rườm ra; năng lực quản lý dự án một số nơi, một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sử dụng vốn ODA kém hiệu quả. “Như các vị đã biết, chúng tôi đã nghiêm túc xử lý các đối tượng, tổ chức có liên quan sử dụng nguồn vốn ODA có tiêu cực, lãng phí. Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực và sử dụng các nguồn vốn ODA hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói. Ông cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe ý kiến từ các phía để đề đạt kiến nghị, cũng có thể phê phán để thông qua đó đề xuất với Chính phủ để quản lý, sử dụng ODA có hiệu quả.

MINH HẢI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác