UBND huyện đảo Hoàng Sa và những nỗ lực tập hợp thông tin về Hoàng Sa
Hoàng Sa là một quần đảo gồm những đảo san hô và nhiều bãi ngầm lớn nhỏ nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thuộc phía bắc Biển Đông. Nhiều thế kỷ trước, trên các bản đồ và tư liệu lịch sử của Việt Nam ghi chép lại thì khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên gọi Bãi Cát Vàng- Hoàng Sa.
 

Hoàng Sa là một quần đảo gồm những đảo san hô và nhiều bãi ngầm lớn nhỏ nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thuộc phía bắc Biển Đông. Nhiều thế kỷ trước, trên các bản đồ và tư liệu lịch sử của Việt Nam ghi chép lại thì khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên gọi Bãi Cát Vàng- Hoàng Sa. Sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa được minh chứng bằng những tư liệu lịch sử của Việt Nam, của các nước Phương Tây, kể cả Trung Quốc rất rõ ràng, thể hiện quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục.

Vừa qua chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thành lập 02 đơn vị hành chính là Ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức đảo Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cực lực phản đối vì việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đảo Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện quyền quản lý lãnh thổ. Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Sa đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giới thiệu về quần đảo Hoàng Sa như sưu tầm hàng trăm tư liệu lịch sử qua các thời kỳ về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa; xây dựng phòng truyền thống, đặt tên đường mang tên Hoàng Sa, tổ chức gặp gỡ những nhân chứng từng sống và làm việc tại đảo Hoàng Sa hơn 35 năm trước… Từ các cuộc gặp gỡ những nhân chứng ở nhiều nơi trên cả nước, đã thu thập, ghi chép và sưu tầm nhiều tài liệu hiện vật quý về Hoàng Sa. Đó là nguồn tài liệu có giá trị lịch sử, pháp lý và là bằng chứng cụ thể, sinh động khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Nhằm lưu lại toàn bộ hồi ức và tâm nguyện của những nhân chứng đã từng sinh sống, công tác ở quần đảo Hoàng Sa cũng như hệ thống các nguồn thông tin, tư liệu về lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đang tổ chức xây dựng quyển Kỷ yếu về huyện đảo Hoàng Sa. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, vừa phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay, vừa lưu giữ để cho đời sau được biết đến và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng mà cha ông đã từng sinh sống, canh giữ bao đời nay.

Chúng ta ai cũng hiểu rằng, còn những điều cần làm nhiều hơn nữa cho Hoàng Sa của Việt Nam. Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa là trách nhiệm của toàn dân và phải được tiến hành trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng và tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa cho mọi tầng lớp nhân dân. Đó là việc làm hết sức thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài, đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ Việt Nam. Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT