Triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Đăng ngày 03-12-2023 08:41, Lượt xem: 95

Năm 2022, kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) Đà Nẵng ghi nhận sự nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương nhằm giảm thiểu tối đa chi phí thời gian của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự sụt giảm của chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Tính năng động và hiệu lực thi hành đòi hỏi các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay.

Cải cách hành chính giảm thiểu tối đa chi phí thời gian của người dân, doanh nghiệp

Việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện nhằm tạo động lực cải cách liên tục hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Quy mô mẫu khảo sát DDCI Đà Nẵng 2022 không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2021. Theo đó, tổng số phiếu thu về hợp lệ là 1.739 phiếu; trong đó, 1.291 phiếu mẫu A (đánh giá các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) tương ứng với 1.968 ý kiến đánh giá và 448 phiếu mẫu B (đánh giá UBND các quận, huyện) tương ứng với 448 ý kiến đánh giá.


Bảng xếp hạng DDCI Đà Nẵng khối cơ quan chuyên môn năm 2022

Kết quả DDCI Đà Nẵng 2022 ở khối cơ quan chuyên môn (sở, ban, ngành) ghi nhận 03 đơn vị ở vị trí dẫn đầu lần lượt là Sở Thông tin và Truyền thông (đạt 69,30 điểm), Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 68,88 điểm) và Sở Ngoại vụ (đạt 68,84 điểm). Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ là 02 đơn vị có thứ hạng được cải thiện khá tốt so với năm 2021.

Nhóm Khá gồm 06 đơn vị: Sở Xây dựng (68,01 điểm); Sở Giao thông vận tải (68,00 điểm); Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (67,90 điểm); Sở Du lịch (67,83 điểm); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (67,81 điểm); Sở Y tế (67,81 điểm).

Nhóm Trung bình khá gồm 06 đơn vị: Ban quản lý An toàn thực phẩm (67,63 điểm); Sở Công Thương (67,60 điểm); Sở Kế hoạch và Đầu tư (67,40 điểm); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (67,35 điểm); Sở Khoa học và Công nghệ (67,34 điểm); Sở Văn hóa và Thể thao (67,25 điểm). Nhóm Trung bình gồm 01 đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường (67,20 điểm).

Trong năm 2022, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính nhằm giảm thiểu tối đa chi phí thời gian của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cũng như các công việc liên quan đến cơ quan nhà nước. Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Nhiều TTHC được các đơn vị cắt giảm thời gian giải quyết, như trên lĩnh vực Giao thông vận tải có 20 TTHC với 8 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết 10,5 ngày làm việc/37 ngày làm việc. Đặc biệt, thủ tục Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng - Cấp phép trên lĩnh vực xây dựng được giảm đáng kể về thời gian giải quyết xuống còn 31 ngày so với trước đây 45 ngày, giảm 14 ngày so với quy định. Điều này cho thấy sự nỗ lực liên tục, không ngừng của các đơn vị trong việc đánh giá, cải thiện quy trình, rút gọn thành phần hồ sơ của TTHC nhằm giảm thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí của xã hội, qua đó đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC.

Kết quả DDCI Đà Nẵng năm 2022 cho thấy các cơ quan chuyên môn có điểm số chênh lệch không quá lớn, bám khá sát nhau. Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối là 2,1 điểm. Điều này cho thấy, chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan chuyên môn được đánh giá khá đồng đều, điều quan trọng là những thay đổi nhỏ về điểm số cũng có khả năng thay đổi thứ hạng và vươn lên của các đơn vị.

Sự bứt phá của các cơ quan thuộc nhóm đầu thường gặp khó khăn hơn so với các đơn vị còn lại. Nếu các nỗ lực cải cách không được duy trì liên tục, rất dễ tác động đến cảm nhận đánh giá của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến động và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay. Với những nền tảng đã đạt được trước đó, các doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng và đặt niềm tin cao hơn vào các cấp chính quyền trong tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất.


Điểm số “Tính ứng dụng CNTT” khối cơ quan chuyên môn năm 2022

Nổi bật ở DDCI khối cơ quan chuyên môn cho thấy có 10 đơn vị có sự cải thiện về điểm số “Tính ứng dụng CNTT” với mức tăng dao động từ 0,02 đến 0,71 điểm và đây vẫn là khía cạnh được doanh nghiệp đánh giá tốt nhất trong 08 chỉ số thành phần DDCI với mức trung vị đạt 7,98 điểm. 

Kết quả khảo sát cho thấy có 10 đơn vị có sự cải thiện về điểm số “Tính ứng dụng CNTT” với mức tăng dao động từ 0,02 đến 0,71 điểm. Trong đó, Sở GDĐT vươn lên dẫn đầu ở chỉ số “Tính ứng dụng CNTT” khối CQCM với số điểm là 8,15 điểm (tăng 7 bậc so với năm 2021). Ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Sở Y tế (đạt 8,13 điểm) và Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt 8,05 điểm).

Năm 2022, kết quả điểm số DDCI Đà Nẵng khối các cơ quan TW tại Đà Nẵng chỉ có Công an thành phố (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) đạt Khá tốt

Kết quả khảo sát DDCI 2022 đối với khối cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng cho thấy cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng giảm so với năm 2021. Đây là năm thứ 2 kể từ lần đầu tiên đánh giá, điểm số trung vị của các cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng giảm.

Theo đó, năm 2022 ghi nhận sự tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu của Công an thành phố (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) với 69,80 điểm và là đơn vị duy nhất thuộc nhóm “Khá tốt”. Nhóm “Khá” gồm Cục Hải quan và Cục Thuế; nhóm “Trung bình” gồm Cục Quản lý thị trường (67,92 điểm) và Bảo hiểm xã hội thành phố (67,88 điểm).

Công an thành phố (PCCC) là đơn vị dẫn đầu đối với 3 chỉ số thành phần bao gồm “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”; “Cạnh tranh bình đẳng” và “Thiết chế pháp lý”.

Trong khi đó, Cục Hải quan là đơn vị dẫn đầu đối với “Tính năng động và hiệu lực thi hành”; “Hỗ trợ doanh nghiệp” và “Tính ứng dụng CNTT”. Theo đó, đơn vị thường xuyên chỉ đạo, quán triệt cán bộ công chức thực hiện công bằng, minh bạch trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Hiện nay, các thủ tục hành chính phát sinh tại Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã đạt 100% mức độ 3, 4; 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết và xử lý đúng hạn.

Kết quả sau 5 năm đánh giá DDCI cho thấy, điểm số trung vị của chỉ số “Tính ứng dụng công nghệ thông tin” khối các cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng mặc dù cũng có sự biến động nhưng vẫn luôn ở mức cao.

Kết quả năm 2022, chỉ số “Tính ứng dụng công nghệ thông tin” có điểm trung vị đạt 8,03 điểm dẫn đầu đối với 8 chỉ số thành phần. Đồng thời, khoảng cách giữa đơn vị tốt nhất và đơn vị xếp cuối chỉ là 0,37 điểm, thấp nhất trong giai đoạn đánh giá vừa qua. Kết quả này cho thấy thành quả xứng đáng của các đơn vị trong việc nỗ lực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp.


Điểm số DDCI Đà Nẵng khối quận, huyện năm 2022 cho thấy chỉ có quận Thanh Khê đạt Tốt

Ở Khối quận, huyện, kết quả khảo sát DDCI Đà Nẵng khối quận, huyện năm 2022 được xếp thành 04 nhóm. Trong đó, quận Thanh Khê ở nhóm “Tốt” (72,58 điểm), là địa phương dẫn đầu đối với 4 chỉ số thành phần bao gồm chỉ số “Tính năng động và hiệu lực thi hành; “Chi phí không chính thức”; “Hỗ trợ doanh nghiệp” và “Thiết chế pháp lý”, đồng thời các chỉ số còn lại cũng có những kết quả khá tích cực.

Nhóm “Khá tốt” gồm 03 địa phương xếp theo thứ tự là huyện Hòa Vang (70,78 điểm), UBND quận Sơn Trà (69,88 điểm), UBND quận Ngũ Hành Sơn (69,63 điểm); nhóm “Khá” là quận Cẩm Lệ (68,49 điểm) và quận Liên Chiểu (68,47 điểm); và nhóm “Trung bình” là quận Hải Châu (65,12 điểm). Theo đó, quận Thanh Khê là địa phương được đánh giá tốt nhất với 72,58 điểm.

Kết quả sau 5 năm đánh giá DDCI cho thấy, điểm số trung vị của chỉ số “Tính ứng dụng công nghệ thông tin” khối quận, huyện tăng liên tục qua các năm. Kết quả chỉ số thành phần “Tính ứng dụng công nghệ thông tin” khối quận, huyện năm 2022 ghi nhận mức điểm trung vị của đạt 7,95 điểm dẫn đầu đối với 9 chỉ số thành phần. Trong đó, huyện Hoà Vang đã bứt phá và trở thành huyện dẫn đầu đối với chỉ số thành phần này. Đồng thời, khoảng cách giữa địa phương dẫn đầu và địa phương xếp cuối đang có xu hướng thu hẹp dần. Điều này cho thấy một kết quả rất tích cực đối với nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp.

Từ kết quả DDCI năm 2022, UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện... khẩn trương rà soát, phân tích, nghiên cứu kết quả từng chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI. Từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện, nâng cao điểm số của đơn vị, góp phần vào việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tính đến nay thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Trong 07 tháng đầu năm 2022 có 79% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu tại Kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 50%). Hiện đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa lên cung cấp trực tuyến mức 4 và chuẩn bị đưa dịch vụ sự nghiệp công lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố. Đưa vào sử dụng Kho dữ liệu Kết quả giải quyết TTHC số thành phố.

Triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Trong những năm gần đây, điểm số và thứ hạng chỉ số PCI của thành phố Đà Nẵng không ổn định; đặc biệt, năm 2022, điểm số PCI của thành phố giảm 1,9 điểm, xếp thứ 9 cả nước. Đây là vị trí xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây. Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang dần kém tích cực trong cảm nhận và trải nghiệm thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) Đà Nẵng trong 05 năm phần nào phản ánh chi tiết hơn thực trạng nói trên.

Phổ điểm của 03 khối đánh giá đều cho thấy xu hướng thu hẹp dần (khoảng cách giữa các đơn vị đánh giá nhỏ dần) và điểm trung vị có xu hướng giảm, đặc biệt là 02 năm gần đây. Nói cách khác, cảm nhận của các doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đang dần kém tích cực; đồng thời, đang có sự "chững lại" của các đơn vị dẫn đầu DDCI trong những năm trước, và sự cải thiện của các đơn vị thuộc nhóm dưới.

Kết quả DDCI Đà Nẵng năm 2022 cho thấy, tính năng động và hiệu lực thi hành là chỉ số thành phần có mức điểm trung vị giảm mạnh ở cả 3 khối đánh giá. Thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố tồn tại thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc…dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, tính minh bạch và tiếp cận thông tin là chỉ số thành phần có xu hướng giảm điểm trong 2 năm gần đây; đồng thời, đang có sự chững lại của các đơn vị dẫn đầu DDCI trong những năm trước. Có thể thấy, nếu các nỗ lực cải cách không được duy trì liên tục thì rất dễ tác động đến cảm nhận đánh giá của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến động và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay.


Thời gian qua, thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Đầu tháng 11-2023, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 205 /KH-UBND về Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) thành phố Đà Nẵng năm 2023. Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn thành phố có sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc có tương tác với các sở, ban, ngành và quận/huyện trong năm 2023.

Việc đánh giá được tiến hành đối với các quận, huyện và các sở, ban, ngành theo Bộ chỉ số đánh giá DDCI Đà Nẵng được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 1033/QĐ-UBND ngày 19-5-2023; đánh giá qua 02 hình thức: phỏng vấn trực tiếp và Phiếu điện tử. Thời gian thực hiện đánh giá được chia thành 4 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11-2023 đến tháng 7-2024.

Trước sự sụt giảm của những chỉ số nói trên, năm 2023, thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp hồi đầu tháng 10-2023, lãnh đạo thành phố khẳng định, đóng góp trong suốt chặng đường phát triển của Đà Nẵng thời gian qua có vai trò và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền thành phố luôn quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Song song đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố xác định việc thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.  

Do đó, thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm thực hiện phân cấp 18 nội dung trên các lĩnh vực trọng tâm như tổ chức nhân sự, đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên môi trường. Đối với việc uỷ quyền, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 83 nội dung quản lý trên tất cả các lĩnh vực.

Qua phân cấp, ủy quyền, các sở ngành đã thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, giảm ít nhất 20 đầu công việc, thủ tục tại UBND thành phố; rút ngắn quy trình và giảm thời gian giải quyết các TTHC, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, đất đai, đô thị.

Việc phân cấp, ủy quyền nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là các Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Đồng thời, góp phần từng bước khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc cơ quan quan phối hợp.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng chủ động hơn trong việc cung cấp, đăng tải và minh bạch thông tin để cộng đồng doanh nghiệp được biết.

Cụ thể, thời gian qua, các đơn vị Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế thành phố, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Sở Xây dựng tăng cường phối hợp với Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến về các chính sách bảo hiểm; hướng dẫn quyết toán thuế 2022 và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; thông tin về chính sách phát triển, quản lý nhà ở xã hội; điều kiện tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm... Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo các đơn vị đã tiếp nhận và giải đáp cụ thể các câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc, cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách, chủ trương của thành phố, quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan.

Chỉ số DDCI phản ánh sự đánh giá khách quan năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và quận, huyện trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, để từ đó hỗ trợ các sở, ban, ngành và quận, huyện cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình.

Đồng thời, cung cấp cho lãnh đạo thành phố công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với đơn vị, địa phương. Qua đó, xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của cấp sở, ban, ngành và quận, huyện đối với cộng đồng kinh doanh.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác