Phối hợp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Đăng ngày 02-05-2024 16:19, Lượt xem: 54

UBND thành phố vừa phê duyệt Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 22-4-2024 ban hành Quy chế phối hợp về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đồng thời, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp này.

Quy chế phối hợp được ban hành nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, Quyết định số 1006/QĐ-UBND ngày 29-3-2021 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035” (gọi tắt là Đề án 1006) và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan.

Đồng thời, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ va trẻ em trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp, hướng đến giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, nội dung phối hợp chính giữa các đơn vị là xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, kế hoạch liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tích cực thực hiện công tác phòng ngừa bằng thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải.

Cụ thể, thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xóa bỏ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền rộng rãi cho người dân về các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em; Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, dịch vụ trợ giúp nạn nhân do ngành phụ trách.

Tư vấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng ứng xử, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Hòa giải, hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm đối với trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình quy định tại Chương III Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 1-11-2023 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Bảo vệ trẻ em và hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi quy định tại Chương IV Luật Trẻ em năm 2016 và Chương III Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016.

Bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại cộng đồng, nơi công cộng và ngoài xã hội theo đúng các quy định pháp luật hiện hành của nhà nước. Đảm bảo việc bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại đầy đủ về mặt pháp lý, tư vấn tâm lý và khám điều trị theo mức độ thương tích. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực.

Theo dõi, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại, trợ giúp nạn nhân; kiến nghị xử lý nghiêm minh, lập thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời cho cơ quan chủ trì giải quyết đối với tùng vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Thống kê, báo cáo kết quả, số liệu về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

UBND thành phố giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tế; báo cáo, đề xuất hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp đặc biệt. Triển khai thực hiện Quyết định số 2605/QĐ-ĐCT ngày 31-8-2023 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc ban hành Quy định Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, chủ trì, phối hợp tập huấn nâng cao kiến, thức kỹ năng cho cán bộ hội phụ nữ và cán bộ chuyên trách các cấp các ngành, công an khu vực, các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các câu lạc bộ...

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp với UBND các cấp và phòng ngành chức năng có liên quan cùng cấp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em; tăng cường hoạt động giám sát các quy định pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Phân công chi hội phụ nữ giám sát thường xuyên, phát hiện sớm các vụ việc bạo lực phụ nữ và trẻ em để đề xuất can thiệp, giải quyết.

Khi có thông tin vụ việc, các cấp Hội chủ động, kịp thời báo cáo UBND, công an cùng cấp, đồng thời tích cực thực hiện nhiệm vụ trong quá trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em theo đề nghị của cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc (UBND xã, phường, Công an các cấp) và trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình theo Điều 22 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Phối hợp duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh”, Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong trong trong phòng ngừa ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”...

UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận huyện, UBND các xã phường, cán bộ, người làm công tác trẻ em các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận thông tin, kết nối, thực hiện các hoạt động hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em theo quy định. Chỉ đạo lồng ghép các nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình theo quy định trong việc triển khai công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm công tác xã hội lồng ghép việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em trong hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí nơi ăn, ở cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tạm lánh tại cơ sở.

Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm phối hơp với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong gia đình; triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 1-11-2023 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ chuyên trách các cấp. Tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cho người dân.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ được giao về phòng, chống bạo lực gia đình đến các sở, ngành, địa phương; phối hợp đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Quy chế. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp số liệu và báo cáo vụ việc bạo lực gia đình, phối hợp với các ngành liên quan trong công tác hỗ trợ, can thiệp, xử lý vụ việc bạo lực gia đình, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình.

UBND thành phố giao Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em: Luật Hòa giải, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em... Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tích cực đẩy mạnh việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng bị bạo lực, xâm hại thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với người bị bạo lực, xâm hại,

Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở, góp phần ngăn chặn các nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình. Phối hợp tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người được trợ giúp pháp lý bị bạo lực, xâm hại.

UBND thành phố đề nghị Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành mình liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Triển khai ngành dọc thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTOXH ngày 18-2-2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Thực hiện điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, tổ chức phiên tòa xét xử lưu động (có trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, mang tính răn đe tội phạm, giáo dục người dân phòng tránh các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Công an thành phố triển khai ngành dọc thực hiện hiệu quả Thông tư số 43/2021/TT-BCA ngày 22-4-2021 của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các tổ chức xã hội có liên quan căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện tốt các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực mạnh dạn tố giác, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện các trường hợp liên quan đến trẻ em bị xâm hại và bạo lực.

Bên cạnh đó, phối hợp tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực phụ nữ và trẻ em, thực hiện tư vấn, tham vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực và gia đình của nạn nhân theo quy định của pháp luật với các biện pháp phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho nạn nhân; theo dõi, trợ giúp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực hòa nhập cộng đồng; kiến nghị xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; vận động xã hội hóa trợ giúp nạn nhân trong quá trình điều trị thương tích, phục hồi sức khỏe.

Thực hiện công tác giám sát về bình đẳng giới và các quyền hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, lao động trẻ em, việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; nghiên cứu tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc đối với lao động nữ và điều kiện được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội, y tế chất lượng, hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.

Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố khi tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cần kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý. Tư vấn, tham gia hỗ trợ, can thiệp cho phụ nữ và trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật. Tổ chức kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan chức năng Nhà nước để đóng góp, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách - pháp luật quyền trẻ em. Tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em, phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm luật về trẻ em.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện xây dựng và triển khai quy chế phối hợp về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn quận, huyện. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, tổ chức liên quan và UBND phường, xã triển khai, phối hợp thực hiện Quy chế phối hợp này.

Tăng cường truyền thông về các văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; các văn bản mới như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7-12-2023 của Chính phủ Quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu", trong đó quy định tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa phải thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới... Tuyên truyền rộng rãi đường đây nóng, nhà tạm lánh, dịch vụ trợ giúp người bị bạo lực, xâm hại và các thông tin, kiến thức bảo vệ phụ nữ, trẻ em cho toàn thể nhân dân trên địa bàn.

UBND các quận, huyện có nhiệm vụ chỉ đạo UBND xã, phường quan tâm nạn nhân là phụ nữ bị bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, trong đó có Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em xã, phường, thôn, tổ dân phố, chi hội phụ nữ, ..., để đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong quá trình phát hiện, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm đối với trường hơp phụ nữ bị bạo lực gia đình theo quy định tại Chương III Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 1-11-2023 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực theo quy định tại Chương IV Luật Trẻ em năm 2016 và Chương III Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016.

UBND xã, phường tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường trong việc xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình theo Điều 22 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định tại chương IV Luật Trẻ em.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em và bảo đảm công tác bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận, xử lý nghiêm các trường hợp phụ nữ bị bạo lực tại cộng đồng, ngoài xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông tin, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý các vụ việc theo quy định.

UBND xã, phường  có trách nhiệm lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý; hướng dẫn, tổ chức việc tập huấn cho địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình; có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy theo quy định của pháp luật Theo điều 36 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thường xuyến nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, thôn, tổ dân phố, hòa giải viên về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Bân cạnh đó, tăng cường các thiết chế bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại địa bàn, bổ sung thiết bị camera an ninh, hệ thống đèn chiếu sáng, các thiết chế bảo vệ phụ nữ và trẻ em nơi công cộng. Chủ trì thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về phòng ngừa, ứng phó bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em hàng năm ở địa phương, trọng tâm là công tác tiếp nhận nạn nhân và xử lý vụ việc.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác