Bảo tàng Văn hóa Phật giáo - Điểm đến tâm linh giữa lòng thành phố
Đăng ngày 09-03-2023 16:33, Lượt xem: 506

Nằm trên tầng 2 khu chánh điện của Chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), Bảo tàng Văn hóa Phật giáo là nơi lưu giữ kho báu cổ vật vô cùng giá trị của văn hóa Phật giáo, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa Phật giáo của chư tôn đức tăng, ni, bà con đạo hữu, phật tử. Đây cũng là điểm đến tâm linh, nơi tham quan ý nghĩa cho du khách trong hành trình khám phá danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Được xây dựng từ năm 1975, đến đầu năm 2010, ngôi chùa Quán Thế Âm bắt đầu đại trùng kiến xây dựng lại để phục vụ văn hóa lễ hội cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho thập phương du khách đến chiêm bái và có điều kiện tốt cho tín đồ Phật tử tu học.

Từ khi khởi công, nhà chùa đã nhận được nhiều hỗ trợ qua sự phát tâm cúng đường của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và thập phương thiện tín khắp nơi. Qua nhiều cố gắng cùng sự đóng góp của chư tôn đức tăng, ni, bà con đạo hữu, phật tử, du khách và người dân, nhà chùa đã thành lập được Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam ngay trong khuôn viên chùa.


Chính thức mở cửa đón khách vào tham quan từ năm 2016, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo trưng bày hơn 500 cổ vật về Phật giáo

Chính thức mở cửa đón khách vào tham quan từ năm 2016, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo trưng bày hơn 500 cổ vật về Phật giáo. Các cổ vật phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia Châu Á được các trụ trì Chùa Quán Thế Âm Ngũ dày công sưu tầm trong hơn 20 năm qua. Nhiều hiện vật có niên đại gần trong vài ba thập kỷ gần đây, song cũng có hiện vật có niên đại từ khá sớm.

Các cổ vật tại chùa như tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ 7-8, cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm vốn là thánh địa tâm linh của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ tượng Phật quý hiếm với rất nhiều chất liệu như: gỗ, ngọc, đồng, sắt, đá… Trong đó, có nhiều tượng được các chuyên gia giám định đánh giá là ngang tầm bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật lẫn giá trị tạo hình, như: tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay, theo tương truyền được tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn; nhóm 8 tượng Phật Mật Tông; bức tranh khảm xà cừ hình đức Phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, tăng ni, muông thú; tượng Quan Âm tứ thủ; tượng Phật Di Lặc... cùng nhiều tượng bằng hổ phách, đá quý…


Các hiện vật, cổ vật trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đều trải qua quá trình thẩm định khoa học, chọn lọc công phu của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành

Hòa thượng Thích Huệ Vinh - Trụ trì Chùa Quán Thế Âm cho biết, các hiện vật, cổ vật trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đều trải qua quá trình thẩm định khoa học, chọn lọc công phu của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành. Tất cả hiện vật, cổ vật đều mang giá trị tinh thần và vật chất to lớn. Qua đó, chúng ta có thể đọc ra thông điệp của người xưa trong từng tác phẩm pho tượng Phật, từng loại pháp khí. Ngôn ngữ Thiền gọi là “Kiến sắc minh tâm”.

Theo các nhà nghiên cứu nhận định, ngoài giá trị nghệ thuật, cổ vật, hiện vật ở Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn, phát huy cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc.

Đi một vòng bảo tàng và chắp tay kính lạy các tượng Phật, anh Phạm Lương Thiện (người dân thành phố) chia sẻ: "Mình đã nhiều được vào tham quan Bảo tàng. Mỗi lần đến là một cảm xúc khác nhau và mình xem có là nhân duyên. Đến đây, mình bỏ lại những xô bồ của cuộc sống thường nhật để tâm mình tịnh hơn, mình được chiêm bái tượng Phật và rút ra được nhiều bài học hay trong cuộc sống".


Đến với Bảo tàng văn hóa Phật giáo là đến với một không gian văn hóa tâm linh độc đáo, nơi mà khách tham quan có thể cảm nhận rõ nét sự đồng hành của Phật giáo xuyên suốt lịch sử dân tộc

Vừa chiêm bái tượng Phật vừa kể những câu chuyện về đức Phật với các du khách đang tham quan tại Bảo tàng, ông Võ Duy Phong trải lòng: ''Tôi không phải nhà nghiên cứu hay chuyên gia về Phật giáo nhưng tôi thích tìm hiểu về văn hóa Phật giáo và có tín ngưỡng cho riêng mình. Mỗi lần đến Bảo tàng là thêm một lần tôi được mở mang về trí tuệ, mở lòng từ bi để duy trì năng lượng sống tích cực, hiền hòa. Những du khách khi về đây tham quan biết được tôn giáo, đạo đức, trí tuệ, tình thương của đức Phật để có tâm ngày càng hướng thiện hơn".

Không chỉ có các bức tượng, tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo còn có nhiều tranh tượng Phật được vẽ bằng tranh sơn mài trên giấy gió hoặc thêu tay có tuổi đời trên 300 năm. Mỗi hiện vật tại Bảo tàng đều ẩn chứa một câu chuyện thú vị và kì bí, truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử gắn với nền văn hóa lâu đời hướng con người đến đời sống tinh thần tâm linh cao quý.

Đến với Bảo tàng văn hóa Phật giáo là đến với một không gian văn hóa tâm linh độc đáo, nơi mà khách tham quan có thể cảm nhận rõ nét sự đồng hành của Phật giáo xuyên suốt lịch sử dân tộc. Qua đó, gợi nhắc mỗi người về những đạo lý sống tốt đẹp và cùng chung tay bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác