Nhà hát Trưng Vương trong lòng người Đà Nẵng
Có lẽ bất kỳ người dân Đà Nẵng nào khi được hỏi về các địa điểm quen thuộc, gắn liền với thành phố từ nhiều năm qua sẽ không ngần ngại kể tên các điểm như chợ Cồn, chợ Hàn hay nhà hát Trưng Vương. Bởi đây là những hình ảnh hết sức gần gũi, thân thuộc với người dân thành phố. Trong số đó, nhà hát Trưng Vương đối với người Đà Nẵng là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật lâu đời, gắn liền với sự phát triển của thành phố qua nhiều giai đoạn.

Mỗi người dân Đà Nẵng có thể có những ký ức khác nhau gắn liền với Nhà hát Trưng Vương, hình ảnh nhà hát cũng khác nhau trong tâm trí mỗi người nhưng hội chung lại tất cả đều xem nơi đây như một minh chứng lịch sử gắn liền với cuộc sống con người Đà Nẵng qua nhiều thế hệ. Không ít người dân thành phố còn nhớ hình ảnh nhà hát từ những năm 90 với những bức tường quét vôi màu xám được trang trí bằng một bức tranh sơn mài về những người phụ nữ kiên cường, anh dũng ở ngay mặt tiền nhà hát. Những hình ảnh này đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ và dường như trở thành một biểu tượng khó phai về tên gọi Nhà hát Trưng Vương.


Nhà hát Trưng Vương trước đây
 

Nhà hát cũ được xây dựng từ năm 1983 và đến năm 1985 chính thức được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau 20 năm công trình đã xuống cấp và bộc lộ nhiều nhược điểm về kiến trúc, chất liệu cùng với sự bất hợp lý về không gian sử dụng, số lượng ghế quá lớn nhưng kích thước ghế nhỏ hẹp, hệ thống âm thanh và kỹ thuật lạc hậu, xuống cấp.
 

Nhận thấy những hạn chế đó, cuối năm 2004, thành phố đã quyết định xây dựng mới Nhà hát Trưng Vương trên nền nhà hát cũ, vừa để cải thiện bộ mặt kiến trúc công trình xứng tầm với đô thị loại I đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, giải trí của người dân cũng như tổ chức các chương trình văn nghệ, festival thanh niên và các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội của thành phố.
 

Nhà hát Trưng Vương hiện nay
 

Công trình do Tổng Công ty xây dựng sông Hồng thi công trên diện tích 5.122m2, trong đó diện tích xây dựng là 2.832m2 và tổng diện tích sàn 6.361m2 gồm 3 tầng với sức chứa hơn 1.200 khán giả. Sau hai năm thực hiện với tổng vốn đầu tư 36 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, ngày 31/12/2006 Nhà hát Trưng Vương được khánh thành tại một vị trí đẹp của trung tâm thành phố, nơi tiếp giáp 3 con đường lớn: Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh và Phan Châu Trinh.
 

Sân khấu bên trong Nhà hát
 

Nhà hát được xây dựng theo hướng hiện đại, sử dụng hệ thống kỹ thuật mới kết hợp với đội ngũ giám sát thi công giàu kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao nhằm đảm bảo chất lượng thi công và kiến trúc thẩm mỹ của công trình tương xứng với quy mô nhà hát. Nhà hát bao gồm 3 tầng với tiền sảnh rộng thoáng bao quanh từ tầng 1 đến tầng 3. Tiền sảnh này thường là nơi tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và trưng bày các hiện vật. Hội trường bên trong nhà hát bao gồm một sân khấu cao 8m với diện tích 176m2 được trang bị các hệ thống âm thanh, ánh sáng và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị và biểu diễn các loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại như tuồng, cải lương, vũ kịch, múa ba lê, giao hưởng…Khu khán đài được trang bị 1203 chỗ ngồi cho khán giả, trong đó ở tầng trệt là 780 ghế. Ngoài ra còn có một phòng họp với diện tích 80m2 được trang bị hệ thống điều hòa, âm thanh thường dùng để tổ chức các cuộc họp với sức chứa khoảng 50 người.
 

Tiền sảnh - nơi thường tổ chức các cuộc triển lãm
 

Về thiết kế, nhà hát được bao quanh đa phần bởi hệ thống kính xanh cùng những mảng tường được ốp men tạo nên vẻ hiện đại, thông thoáng và một không gian mở cho tổng thể công trình. Ngay mặt tiền và tiền sảnh chính nhà hát, tấm phù điêu và hình ảnh khắc họa cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đặt trang trọng như nhắc nhở thế hệ trẻ về những chiến công oai hùng của dân tộc, tinh thần chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của bao lớp người đi trước cũng như khắc sâu hơn tên gọi của nhà hát trong lòng người dân thành phố - Nhà hát Trưng Vương.

HƯƠNG XUÂN
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT