Hai chí sĩ, một ngôi mộ
Có hai nhà cách mạng xứ Quảng tuy sinh không cùng năm nhưng lại cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau chung trong một ngôi mộ.

Hậu duệ của các vị Thái Phiên, Trần Cao Vân, Trương Thị Dương trước ngôi mộ chung của Thái Phiên và Trần Cao Vân tại Huế

Đó là Thái Phiên và Trần Cao Vân. Trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, Thái Phiên là nhân vật có vai trò quan trọng thứ hai, chỉ sau Trần Cao Vân. Trong tờ chiếu khởi nghĩa của vua Duy Tân đề ngày 27 tháng 3 năm Duy Tân thứ mười (29-4-1916) hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (The Archives Nationales d’Outre-Mer, viết tắt là ANOM) của Pháp ở Aix-en-Provence và tại Văn khố Toàn quyền Đông Dương có sao gửi cho 4 người gồm: Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Quang Siêu.

Nguyên văn trong tờ chiếu (được dịch ra quốc ngữ):

“... Trong tất cả mọi việc, Trẫm trao quyền hành động cho Hồng Việt, Hoàng Anh, Thanh Minh và Lam Giang, với sự hợp tác của những người có tấm lòng cao cả trong ba kỳ của Quốc gia Annam, dù họ là quan chức, viên chức, đương nhiệm hay không đương nhiệm, các nho sĩ, thân hào, người bình dân, và tất cả đều vì mục đích theo đuổi là đem lại một kỷ nguyên Văn Minh.

Ngay sau khi sự nghiệp hoàn thành, tất cả những ai có cống hiến sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng và sẽ trở thành bất tử qua thời gian.

Bất cứ ai cản trở sự nghiệp này sẽ bị truy tố và trừng phạt không tha thứ.

Nay kính báo.

Chuyển để thi hành:

-  đến đạo nhơn Trần... (tức Trần Cao Vân - LT), tự Hồng Việt - chức vụ và cấp bậc: Cố vấn cao cấp, Tể tướng để phục hưng, phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các vấn đề quân sự.

- đến đạo nhơn Thái... (tức Thái Phiên - LT), tự Hoàng Anh, Phó cố vấn cao cấp, Tổng đốc Hoàng Thành, phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế”.

Cuộc khởi nghĩa được dự định tổ chức vào đúng 1 giờ sáng ngày 3-5-1916.  Trần Cao Vân và Thái Phiên phân nhiệm cho các nhân vật, chiếm các tỉnh, còn hai ông điều khiển việc chiếm kinh đô Huế, rước vua Duy Tân ra khỏi Đại Nội, đi vào phía Nam chờ bình định xong sẽ phò nhà vua trở lại ngôi.

Đại sự bị bại lộ, cuộc khởi nghĩa thất bại. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị bắt tại chùa  Ngũ Phong (gần An Cựu, thành phố Huế).

Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bị Viện Cơ mật kết án (được dịch ra quốc ngữ): “Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, tự thảo chiếu văn, kế đến neo thuyền ở bến Thương Bạc, chờ rước nhà vua, mời vua dùng cơm lạt ở làng Hà Trung, ăn cháo gà ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải chịu dãi dầu sương gió, tội lỗi này đều do bọn kia tạo ra. Chiếu theo luật xử chém”.

Chiều 17-5-1916 Thái Phiên cùng Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề ra trường chém ở An Hòa đền nợ nước.

Về cái chết của hai ông, các tài liệu đều cho là diễn ra vào ngày 17-5-1916.  Nhưng gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trên tạp chí Xưa và Nay và báo Đà Nẵng Cuối tuần lại dẫn các tờ báo Trung Bắc Tân Văn (số ngày 27-5-1916), Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm (8-6-1916) lại cho rằng cuộc xử chém diễn ra vào lúc 16 giờ 30 chiều 16-5-1916. Đây là mẩu tin ngắn trên báo Trung Bắc Tân Văn: “Hồi 4 giờ rưỡi chiều 16 Mai, bốn người mưu việc khởi loạn Trung Kỳ, đã phải xử tử tại đường Quảng Trị, cách la-ga An Hòa 100 thước. Một người tên là Trần Cao Vân và một người là Thái Phiên, cùng ở Quảng Nam cả...”.

Cho đến nay vẫn không biết vì sao có sự vênh lệch này!

Tương truyền, tại pháp trường hôm ấy, khi đầu Thái Phiên rơi xuống đất, một thiếu phụ mặc đồ tang đã chạy ngay đến, ôm chặt thi thể người chí sĩ vào lòng, khóc thương thảm thiết. Khi bị lôi ra, thiếu phụ đã xõa tung mái tóc đen thấm lấy dòng máu tươi từ cơ thể người chí sĩ. Thiếu phụ ấy là bà Trần Thị Băng, thiếp của Thái Phiên. Bà đã giữ máu ấy trên đầu, không chịu tắm gội. Mấy tháng sau bà mang bệnh nhưng kiên quyết không uống thuốc để chết theo chồng.

Cái chết của Thái Phiên, Trần Cao Vân và các chí sĩ của cuộc khởi nghĩa đã gây xúc động lớn. Huỳnh Thúc Kháng ở Côn Đảo nghe tin cái chết oai hùng của Thái Phiên đã có thơ (được dịch ra quốc ngữ): Âu học không đem rút của người,/ Chả thành đời sống vứt như chơi./ Kìa phường học mới đông như kiến,/ Đêm hỏi lòng chăng có hổ ngươi? (Huỳnh Thúc Kháng, Thi Tù Tùng Thoại, Nam Cường, 1951).

Năm 1925, một đồng chí của ông là bà Trương Thị Dương người làng Tân Điền, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã lén đưa thi hài của Thái Phiên và Trần Cao Vân đem chôn trong một ngôi mộ chung tại đồi Từ Hiếu ở thành phố Huế. Ngôi mộ chung này đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào ngày 14-7-1990.

Ở Đà Nẵng, trên đường Trần Cao Vân có ngôi trường phổ thông trung học lớn mang tên Thái Phiên, như một gợi nhớ về hai nhà cách mạng tuy sinh không cùng năm nhưng lại cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau chung trong một ngôi mộ.

Theo Báo Đà Nẵng điện tử
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT