Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đem đến nhiều  kỳ vọng phát triển cho thành phố
Đăng ngày 22-05-2020 08:08, Lượt xem: 1011

Một nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) của HĐND thành phố ngày 22-5 là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cổng Thông tin điện tử xin trích đăng một số nội dung đóng góp của các đại biểu vào Đồ án này    .

Các đại biểu HĐND thành phố đều có nhận xét chung là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Đồ án) được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đúng thực trạng tình hình, dự báo phát triển cuả thành phố; chất lượng đồ án khá toàn diện, điều chỉnh và đề xuất một số ý tưởng, giải pháp mới, hiện đại và có tính đột phá. Đồ án cũng đã bám sát tầm nhìn, mục tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Đồng thời, Đồ án cũng khắc phục được một số bất cập trong công tác quản lý xây dựng thời gian qua.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố, Đồ án đã cơ bản thể hiện rõ ràng, mạch lạc,  thể hiện rõ tầm nhìn, mục tiêu phát triển thành phố; định hướng tương đối rõ nét về không gian đô thị, khai thác lồng ghép tối đa các đặc trưng của tự nhiên để tạo nên nét đặc trưng riêng cho Đà Nẵng. Đồ án cũng đã xác định được các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, khả thi, đảm bảo xu hướng  phát triển cho tương lai và cơ bản khắc phục được cá khiếm khuyết, hạn chế về hạ tầng phát triển.  

Đại biểu Nguyễn Quốc Trị phát biểu thảo luận đóng góp vào đề án

Cũng theo Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, Đồ án đã đưa ra được một số đề xuất mang tính đột phá, thể hiện rõ nét như việc hình thành một số chức năng mô hình và cấu trúc mới cho đô thị như mô hình đô thị nén, đô thị sân bay, đô thị đại học, đô thị cảng biển, các trung tâm phân tán … ; hình thành các khu chức năng mới như  Khu đổi  mới sáng tạo, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm dịch vụ Logistics, các khu vực sử dụng đất hỗn hợp …

Định hướng phát triển không gian gắn kết hợp lý với yêu tố tự nhiên. Theo đó, toàn bộ thành phố được chia thành 3 vùng đô thị đặc trưng và phân chia 12 phân khu phù hợp. trong Đồ án đã bổ sung các hành lang xanh các trục kết nối cảnh quan, các không gian mở, không gian mặt nước … tạo thành một tổng thể cảnh quan cho đô thị.

Về hạ tầng kinh tế, Đồ án cũng cho thấy các đề xuất mang tính đột phá khi thiết lập 2 vành đai kinh tế chính. Phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm du lịch sinh thái ở khu vực đồi núi phía Tây, Tây Bắc và Bán đảo Sơn Trà; Hình thành một số trung tâm thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng phát triển đa chức năng về kinh tế.  

Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết ( Hải Châu) đề nghị cần nghiên cứu  phát triển không gian ngầm như một giải pháp đô thị trong tương lai. Đồng thời, cần xem xét giữ lại những khu phố cũ của khu vực trung tâm thành phố như lưu giữ những ký ức về lịch sử văn hóa truyền thống của Đà Nẵng, làm thành một “Bảo tàng sống” Đà Nẵng cho các thế hệ mai sau.  

Là lãnh đạo ngành công thương thành phố, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Mai rất tán thành Đồ án với quy hoạch về các khu công nghiệp- công nghệ cao và các trung tâm kinh doanh thương mại, trung tâm dịch vụ tài chính đã thể hiện trong Đồ án.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Mai  phát biểu ý kiến tán thành Đồ án quy hoạch 

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Đức Trị đề nghị phải thông tin đầy đủ về nội dung Đồ án đến cộng đồng doanh nghiệp để xác định ảnh hưởng của quy hoạch thành phố đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai. Điều này hết sức cần thiết và là yếu tố quan trọng để tạo cho môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư của thành phố ổn định, bền vững.

Từ góc độ chuyên môn kiến trúc-quy hoạch, đại biểu Tô Văn Hùng tham gia nhiều ý kiến đóng góp vào Đồ án. Có thể nói  Đồ án này  được là nền tảng cho sự tăng trưởng vượt bậc của thành phố trong tương lai; tạo dựng một môi trường phát triển bền vững trên cơ sở giải quyết được nhiều những bất cập về môi trường, về quy hoạch sử dụng đất. Đại biểu Tô Văn Hùng cũng lưu ý về mối quan hệ giữa khu vực trung tâm – khu vực ngoại vi, giữa khu vực đô thị và khu vực Nông thôn; quan điểm tiếp cận khu vực nông thôn chính là khu vực hỗ trợ cho đô thị, gìn giữ những giá trị cho khu vực đô thị và là nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho khu vực trung tâm.  

Tán thành với những nội dung đồ án, một số đại biểu cũng bày tỏ những trăn trở về nguồn lực cũng như các biện pháp quản lý nhằm hiện thực hóa  quy hoạch thành phố. Một số chỉ tiêu về dân số, tốc độ tăng trưởng bình quân cũng được các đại biểu thảo luận, đề nghị nghiên cứu cụ thể, khoa học.    

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung,  Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được đánh giá cao về chất lượng nội dung; cách làm khoa học, kỹ lưỡng, vừa tôn trọng các yếu tố thực tế, vừa có nhiều đề xuất mang tính đột phá và có thể nói mang đến nhiều kỳ vọng của người dân về sự bứt phá đi lên của thành phố trong tương lai . Một Đồ án quy hoạch tốt thì không  thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp hoặc tùy tiện trong điều chỉnh, lợi dụng phục vụ lợi ích nhóm…  

Đồ án sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua để làm căn cứ cho việc ban hành các chính sách thực hiện và quản lý.     

LÊ HOA- THANH THẢO

           

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác