Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2020
Đăng ngày 13-07-2020 04:24, Lượt xem: 242

Ap dụng quy định mới về phí bảo vệ môi trường với nước thải; Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô; Giảm 50% phí xử lý vụ việc cạnh tranh; Quy định mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Từ  01/7/2020, áp dụng quy định mới về phí bảo vệ môi trường với nước thải

Có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP  ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định phí  bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Theo đó, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt. Nước thải công nghiệp là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: Cơ sở sản xuất, chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá; Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; Cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản….

Cũng theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, 7 trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm: 

- Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện; 

- Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; 

- Nước thải sinh hoạt của: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng.

- Nước làm mát (theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường) không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng.

- Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn.

- Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân.

- Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị (theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/08/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải) đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô).

Đối tượng áp dụng bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải đáp ứng các điều kiện sau: 

- Có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp; 

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác; 

- Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Doanh nghiệp đáp ứng các quy định trên và quy định tại Nghị định này thì được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm CNHT ô tô trong kỳ xét ưu đãi. Trong đó, kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 06 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm.

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020.

Giảm 50% phí xử lý vụ việc cạnh tranh

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Theo đó, kể từ ngày 27/7/2020 tới hết ngày 31/12/2020, người có yêu cầu độc lập tham gia trong các vụ việc cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh); và người nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo quy định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh) sẽ được giảm tới 50% mức thu theo Điều 4 quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Cụ thể, phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ là 5 triệu đồng/vụ việc thay cho mức hiện hành 10 triệu đồng/vụ việc; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh sẽ là 25 triệu đồng/hồ sơ thay cho mức 50 triệu đồng/hồ sơ hiện nay. 

Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, mức thu trên sẽ trở lại quy định theo Điều 4 Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Quy định mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP  ngày 27/05/2020 của Chính phủ  quy định mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp lao động là người giúp việc gia đình thì áp dụng theo một trong các mức sau:

-  Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;

- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

Đối với Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí thì Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người.

Nghị định số 58/2020/NĐ-CP  còn quy định trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo mức đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị định này nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội.

- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

Trong vòng 60 ngày trước ngày hết thời hạn áp dụng mức đóng nêu trên, nếu người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 và thực hiện đề nghị theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP).

Từ ngày 01/7/2020, Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính

Đây là một trong những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng được thực hiện kiểm tra, đối chiếu các vấn đề liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Trưởng đoàn kiểm toán được quyền truy cập, khai thác… trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.
 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT