Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2020
Đăng ngày 07-06-2020 08:28, Lượt xem: 312

Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu chính; Quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; Dán biểu trưng hàng nguy hiểm ở phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm;  Bãi bỏ 06 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2020.

Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu chính

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-BCT ngày 14/5/2020 của Bộ Công Thương quy định lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu, đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Theo đó, Thông tư số 09/2020/TT-BCT nêu rõ, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Quy định này được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền. Thông tư này áp dụng cho thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; Các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Thông tư số 09/2020/TT-BCT ngày 14/5/2020 của Bộ Công Thương quy định lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu, đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2020.

Quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf 

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf . 

Theo đó, nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf trong đó có việc tổ chức cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép..., cụ thể:

- Nghiêm cấm xây dựng và kinh doanh sân gôn khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định.

- Nghiêm cấm lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.

- Nghiêm cấm cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm việc không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 52/2020/NĐ-CP cũng quy định điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. Theo đó, sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như:

- Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định.

- Phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan.

- Đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân golf; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

Cũng theo Nghị định số 52/2020/NĐ-CP, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf bao gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa (trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 điều này); đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao.

Với sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ, Chính phủ quy định diện tích đất không được quá 90 ha và ra điều kiện với nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng trong thời hạn không quá ba năm.

Dán biểu trưng hàng nguy hiểm ở phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm 

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.

Theo quy định tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây: Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ; Loại 2: Khí gồm: Nhóm 2.1: Khí dễ cháy; nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại; nhóm 2.3: Khí độc hại; Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy; Loại 4: Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy; nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy; Loại 5: Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa; nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ; Loại 6: Nhóm 6.1: Chất độc; nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh; Loại 7: Chất phóng xạ; Loại 8: Chất ăn mòn; Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.

Nghị định số 42/2020/NĐ-CP cũng quy định phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật: Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

Đồng thời, phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.

Trường hợp vận chuyển hàng hoá nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác theo đúng quy trình quy định.

Nghị định số 42/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2020.

Bãi bỏ 06 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm 

Có hiệu lực từ ngày 2/6/2020, Thông tư số 28/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính 17/4/2020 bãi bỏ 06 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng, cụ thể:

- Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC ngày 22/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.

- Thông tư số 99/2011/TT-BTC ngày 07/7/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

- Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

- Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012 của Bộ Tài chính quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

- Thông tư số 57/2013/TT-BTC ngày 06/5/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

- Thông tư số 96/2013/TT-BTC ngày 23/7/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 và Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012 quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác