Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2020
Đăng ngày 14-03-2020 10:01, Lượt xem: 469

Tạm dừng giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có bản đồ vi phạm chủ quyền; Bổ sung các điều kiện về kinh doanh, sản xuất rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ; Điều kiện cấp giấy phép tư vấn thiết kế công trình nhà máy điện gió, điện mặt trời; Bổ sung thẩm quyền cấp giấy phép liên quan đến hoạt động điện lực; Thay đổi khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản; Hướng dẫn chi tiết về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi…. là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2020.

Tạm dừng giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có bản đồ vi phạm chủ quyền

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bão dưỡng ô tô.

Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, nếu doanh nghiệp khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực Giấy phép.

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cũng quy định trường hợp không khắc phục hoàn toàn vi phạm trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép. Đồng thời, sửa quy định quản lý chất lượng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu. Cụ thể, đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.

Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường. Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng.

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/3/2020.

Điều chỉnh điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương từ năm 2020

Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương :

Bổ sung các điều kiện về kinh doanh, sản xuất rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ

Theo đó, đối với thương nhân sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ, phải đáp ứng các điều kiện gồm:

- Phải là Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Hoạt động sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Riêng đối với hoạt động nhập khẩu, ngoài các điều kiện áp dụng tương tự điều kiện sản xuất rượu có độ còn dưới 5,5 độ, thương nhân nhập khẩu rượu chỉ được thực hiện thông qua các cửa khẩu quốc tế và trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trước.

Thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ, bao gồm: Được nhập khẩu, mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp. Đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm rượu theo công bố của cơ sở sản xuất.  Thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định khác của pháp luật. Không phải thực hiện dán tem rượu theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.

Bổ sung điều kiện cấp giấy phép tư vấn thiết kế công trình nhà máy điện gió, điện mặt trời

Theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động tư vấn thiết kế công trình nhà máy điện gió, điện mặt trời phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chuyên gia tư vấn đảm nhận chức danh chủ nhiệm phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành điện hoặc năng lượng tái tạo; có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn; đã chủ nhiệm ít nhất 01 dự án hoặc tham gia thiết kế ít nhất 02 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có hạng tương đương; có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế hạng tương đương.

- Chuyên gia tư vấn khác phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trắc địa, địa chất, xây dựng, năng lượng tái tạo, điện xây dựng, năng lượng tái tạo, điện, hệ thống điện, thiết bị điện, tự động hóa; có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn; đã tham gia thiết kế ít nhất 01 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có hạng tương đương; có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế hạng tương đương.

Bổ sung thẩm quyền cấp giấy phép liên quan đến hoạt động điện lực

Căn cứ vào quy mô, công suất của nhà máy điện, hoạt động liên quan đến truyền tải điện năng, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp giấy phép thuộc về các cơ quan sau đây:

- Bộ Công Thương cấp giấy phép đối với hoạt động truyền tải điện và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Cục Điều tiết Điện lực cấp giấy phép đối với hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên không thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công thương;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực với quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 22/3/2020.

Thay đổi khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên (TTN) đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Theo đó, thay đổi khung giá tính TTN đối với khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại cụ thể như:

- Cát san lấp (gồm cả cát nhiễm mặn): mức giá tối đa tính TTN từ 80.000 đồng/m3 tăng lên 200.000 đồng/m3;

- Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: mức giá tối thiểu tính TTN từ 49.000 đồng/m3 giảm còn 27.000 đồng/m3, giá tối đa vẫn giữ nguyên mức 70.000 đồng/m3;

- Đá vôi sản xuất vôi công nghiệp (khoáng sản khai thác): mức giá tối thiểu tính TTN từ 161.000 đồng/m3 giảm còn 63.000 đồng/m3 và mức giá tối đa từ 230.000 đồng/m3 giảm còn 90.000 đồng/m3;...

Thông tư số 05/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2020,

Hướng dẫn chi tiết về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi.

Theo đó, về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định chi tiết 2/10 điều kiện mà tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng.

Cụ thể, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi; khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảm đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm; có biện pháp phòng, chống mối mọt; có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.

Về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP nêu rõ tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau: Lợn con có khối lượng đến 25kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi; gà, vịt, ngan, chim cút từ 1-21 ngày tuổi; thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi; bê, nghé từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Đồng thời, chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ.

Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.

MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác