Trao đổi giải pháp quy hoạch nguồn dược liệu
Đăng ngày 06-04-2019 02:18, Lượt xem: 672

Ngày 5-4, Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Bệnh viện y học cổ truyền thành phố tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các nghiên cứu khoa học trong Y học cổ truyền và định hướng sử dụng, phát triển cây dược liệu” với sự tham gia của các chuyên gia, y bác sỹ, dược sỹ Hội dược liệu thành phố và các tổ chức khoa học.

Bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế, y bác sỹ, dược sỹ đã trao đổi những giải pháp ứng dụng các nghiên cứu khoa học y học cổ truyền vào việc phòng và chữa bệnh, gắn với bảo tồn cây thuốc, bảo tồn nguyên vị và chuyển vị; phát triển trồng thêm cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao; bảo vệ nguồn gen thực vật rừng ở 2 khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà – Núi Chúa; giải pháp khuyến khích các cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc nam khai thác tại chỗ trong khám chữa bệnh, xây dựng cơ chế thanh toán đặc thù cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh… Trên cơ sở dữ liệu từ “Cây thuốc Đà Nẵng”, “Danh mục cây thuốc”, “Bản đồ số phân bổ các cây thuốc quan trọng”, các Bệnh viện triển khai tích hợp cơ sở dữ liệu phần mềm “Tra cứu cây thuốc Đà Nẵng” để phục vụ nhân dân trong truy cập tra cứu, nghiên cứu về cây thuốc Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Hội dược liệu thành phố, nguồn tài nguyên cây thuốc tại Đà Nẵng rất đa dạng, có giá trị sử dụng hiệu quả trong y học cổ truyền, trên 1.100 loài có công dụng làm thuốc thuộc 681 chi, 207 họ, 11 ngành thuộc 2 giới Nấm và thực vật. Các cây thuốc quý hiếm như lá khôi, ba kích, sâm sau, hoài sơn, chè dây, sâm đại hành, sói rừng, rễ nhai, tổ kén cái, bách bệnh...có khả năng chữa 30 nhóm bệnh thường gặp về tiêu hóa, xương khớp, cảm sốt, gan mật, tim mạch, bệnh phụ nữ… Trên địa bàn thành phố hiện có 250 cơ sở chẩn trị, sử dụng dược liệu theo hệ thống y học cổ truyền, 32 cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền, 6 quầy thuốc nam theo hệ thống y học dân gian và 3 phòng khám từ thiện. Mỗi năm tại Đà Nẵng tiêu thụ trên 1.000 tấn thuốc, tuy nhiên chỉ 20% là nguồn cây thuốc nam tại địa phương, chủ yếu sử dụng theo kinh nghiệm nhân dân, còn lại nhập từ nước ngoài và các tỉnh phía Bắc.

Do đó, để phát huy tiềm năng cây thuốc có giá trị cao trong công nghiệp dược, thành phố cần có cơ chế ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể trồng cây thuốc, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhu cầu bào chế dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng trong phòng chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, nâng cao năng lực bảo vệ về cây thuốc cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm, nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn cây thuốc.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám độc Sở Khoa học và Công nghệ, hội thảo lần này là cơ hội để chuyên gia trong ngành trao đổi giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan trong việc quy hoạch nguồn dược liệu (thuốc nam), cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ nghiên cứu và sản xuất thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, tăng cường kiểm tra nguồn gốc dược liệu tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng dược liệu trên địa bàn, nghiêm cấm các cơ sở mua bán dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác