Sáng 23-10, Sở Khoa học và Công nghệ và trường Đại học Duy Tân đã có buổi làm việc triển khai một số hoạt động khoa học và công nghệ. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, viện nghiên cứu và các giảng viên, nhà khoa học trẻ, trưởng nhóm nghiên cứu giảng dạy của trường Đại học Duy Tân.
Ông Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Duy Tân phát biểu
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, từ năm 2014 đến nay, Đà Nẵng đã cấp tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng thực hiện 96 nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn chiếm 24%, nông nghiệp 11%, y dược 18%, khoa học tự nhiên 17%, khoa học kỹ thuật và công nghệ 19%. Trong chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 – 2025 của thành phố sẽ tập trung vào các lĩnh vực: ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (giống cây trồng, chế phẩm sinh học, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học), nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm (hệ thống tự động trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế, trí tuệ nhân tạo, nguyên mẫu vi mạch…), NCKH phục vụ xây dựng thành phố môi trường và phòng tránh thiên tai (quan trắc xử lý chất thải môi trường, công cụ cảnh báo sớm thiên tai…), NCKH trong lĩnh vực y dược phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, y học cổ truyền, chẩn đoán và điều trị bệnh…
Đại học Duy Tân là trường Đại học tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ, Du lịch, Điện tử, Xây dựng, Kiến trúc, Y, Dược, Văn - Báo chí, Truyền thông Đa phương tiện, Quan hệ Quốc tế, Văn hóa Du lịch... Hiện trường có 16 phòng thí nghiệm, 5 nhà xưởng, 7 phòng thực hành và 8 viện nghiên cứu chuyên về phát triển công nghệ cao, đào tạo y sinh dược, Viện bảo tồn tiếng Việt, Viện kỹ thuật công nghệ Việt - Nhật. Trường đã có 682 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISI, 8 giải VIFOTEC, thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 22 đề tài Nafosted cùng một số đề tài hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trường Đại học ở Anh, Mỹ, Đức… Trong những năm qua, trường Đại học Duy Tân có nhiều công trình nghiên cứu khoa học gắn với giải quyết các vấn đề trên địa bàn thành phố như: giám sát chất lượng môi trường nước; thiết kế hệ thống xử lý nước xám tại chỗ nhằm mục đích tái sử dụng nước thải sinh hoạt, giải quyết bài toán thiếu nước mùa hè cho các khu chung cư, khách sạn, nhà cao tầng; chế tạo các cảm biến test nhanh và tại chỗ cho môi trường và thực phẩm; nghiên cứu các hoạt chất sinh học từ dịch chiết thực vật dược; tổng hợp một số hợp chất flavonoid ở vi sinh vật và thử hoạt tính sinh học trên tế bào ung thư, kháng khuẩn...
Theo ông Thái Bá Cảnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hiện thành phố đã triển khai hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai chuyển giao công nghệ; hỗ trợ 70% chi phí nghiên cứu giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ mới tiên tiến; đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Do đó, thành phố đề nghị phía trường Đại học Duy Tân tiếp tục thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; thu hút sinh viên tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu sản phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hóa sản phẩm.
Để tăng cường hợp tác, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của Đại học Duy Tân với giải quyết các vấn đề phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố, ông Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Duy Tân cho biết, trong thời gian tới, đội ngũ giảng viên và nhà khoa học của trường sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước phát triển nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm trí tuệ cao, áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn.
CÔNG TÂM