Ngày 28-9, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố
Đánh giá về hoạt động thời gian qua của ngành KH&CN, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung cho rằng, khả năng ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn vẫn còn hạn chế. Ông đơn cử, 2 năm qua có đến 100 đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã được thực hiện, trong đó có những đề tài hay và thiết thực như “Giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn”, thế nhưng, nếu đề tài này có hiệu quả thì cách đây chỉ mới 1 tháng, Đà Nẵng đã không phải “rối” vì câu chuyện Nhà máy nước Cầu Đỏ không hoạt động được do nước bị nhiễm mặn; đã có nghiên cứu ứng dụng về “Xử lý mùi hôi tại Âu thuyền Thọ Quang”, thế nhưng đến nay Âu thuyền vẫn còn rất hôi. Từ đó, ông cho rằng “nghiên cứu khoa học là rất cần thiết và quan trọng, nhưng với phạm vi quy mô của thành phố thì chỉ nên lựa chọn những đề tài thiết thực và có thể ứng dụng được vào thực tiễn, chứ không cần quá hoành tráng quy mô; và trong quá trình nghiên cứu nên tham khảo ý kiến của ngành sau này sẽ trực tiếp chuyển giao đề tài đó”.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố đã được HĐND thành phố ban hành theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND, ông Lê Minh Trung nhìn nhận, trong 3 năm qua, con số 13 doanh nghiệp được hỗ trợ theo chính sách này với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng là quá ít. Từ thực tế đó, ông đề nghị UBND thành phố và Sở KH&CN cần rà soát lại Nghị quyết này để HĐND thành phố có thể điều chỉnh hoặc hủy bỏ nếu xét thấy không còn phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng thì cho rằng, ngành KH&CN những năm qua đã có nhiều nỗ lực và khởi sắc, từng bước bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế của thành phố và hướng theo tính chất ứng dụng. Tuy nhiên, đại đa số các đề tài do các chủ đề tài tự đề xuất lên, và Sở KH&CN vẫn chưa thể hiện vai trò định hướng; sản phẩm KH&CN có thể thương mại được vẫn chưa nhiều; tác động của khoa học vào kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo sự kết nối giữa các trường, viện, các nhà khoa học với doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông Đặng Việt Dũng đề nghị Sở KH&CN thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ khoa học đã được UBND thành phố thống nhất, bao gồm môi trường, y tế, CNTT và nông nghiệp; đồng thời, huy động mạnh nguồn lực KH&CN trên địa bàn, trong đó có bao gồm khai thác các nguồn lực và đội ngũ chuyên gia, thiết bị tại chỗ. Cùng với đó, khẩn trương xây dựng bản đồ KH&CN trên địa bàn để xây dựng được chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, đưa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vào thực chất, phải làm sao hỗ trợ được doanh nghiệp khởi nghiệp đưa sản phẩm ra được thị trường và có thể lớn mạnh được.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Chia sẻ với những khó khăn của ngành KH&CN thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhìn nhận đây là lĩnh vực khó, không chỉ riêng đối với Đà Nẵng mà cả nước cũng vậy. Xuất phát từ thực tế nhiều đề tài KH&CN nghiên cứu xong lại “đút vào ngăn kéo”, ông nêu quan điểm, Đà Nẵng phải có cách tiếp cận khác, và nghiên cứu khoa học phải bám sát nhu cầu, đi vào thực tiễn. Để thực hiện, trang thiết bị nào chưa đáp ứng được thì phải cương quyết đề xuất; song song với đó, UBND thành phố phải ưu tiên bố trí kinh phí không chỉ cho đầu tư thiết bị, mà còn cho đầu tư con người và chuyển giao công nghệ.
Nhắc lại định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với 4 trụ cột đã được thành phố xác định, mà một trong số đó là “phát triển công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây chính là sự khẳng định sáng tạo khởi nghiệp là một trong những trụ cột phát triển của thành phố, và hơn ai hết, Sở KH&CN chính là một trong những cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ này.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý tất cả các sở, ngành, đơn vị, từ cơ quan Nhà nước cho đến doanh nghiệp, đều phải quan tâm, tiếp cận và có trách nhiệm tham gia vào lĩnh vực KH&CN, trong đó Sở KH&CN sẽ là đơn vị nòng cốt, ra "đề bài". Cùng với đó, trên cơ sở các định hướng, mô hình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở KH&CN phải đóng vai trò chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích trên lĩnh vực KH&CN để lãnh đạo thành phố quyết định, và phải làm sao thể hiện cho được vai trò của KH&CN đối với sự tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của thành phố.
Riêng lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN phải tập trung nghiên cứu sâu, đầu tư mua sắm các trang thiết bị mang tính khoa học, đủ tiêu chuẩn tiên tiến và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của thành phố. Đồng thời, Sở KH&CN phải chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố liên quan đến việc mua, bán các trang thiết bị khoa học công nghệ của các sở, ngành khác, nhất là trên lĩnh vực y tế.
Liên quan đến công tác Đảng, ông đề nghị đơn vị phải hết sức tập trung và có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 và Chương trình hành động của thành phố về sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức, bộ máy.
Từ 2017 đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu thành phố đề xuất đặt hàng và đã được Bộ KH&CN phê duyệt 12 nhiệm vụ cấp quốc gia, trong đó 8 nhiệm vụ đang được triển khai trên địa bàn thành phố với kinh phí do TW hỗ trợ là 33,2 tỷ đồng, nguồn khác 8,55 tỷ đồng; thực hiện công tác quản lý đối với 52 đề tài cấp thành phố với tổng kinh phí phê duyệt đến nay là hơn 34 tỷ đồng; và tổ chức thực hiện 42 đề tài KH&CN cấp cơ sở. Đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm với tổng mức hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng. Tổ chức thành công Sự kiện ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ 2017, thu hút khoảng 10.000 lượt đại biểu, doanh nghiệp tham dự. Triển lãm công nghệ quy tụ hơn 120 gian hàng đến từ khắp Việt Nam với thông tin 1.800 nguồn cung công nghệ, 500 thông tin chuyên gia tư vấn về công nghệ; giới thiệu trên 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/ thiết bị nghiên cứu của gần 200 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong và ngoài nước và 55 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế. |
QUỲNH ĐAN