Đẩy mạnh gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Đăng ngày 28-09-2018 01:52, Lượt xem: 243

Nhằm tăng cường hợp tác, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của Đại học Đà Nẵng với việc giải quyết các vấn đề phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố, ngày 27-9, Sở Khoa học và Công nghệ và trường Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có buổi làm việc triển khai một số hoạt động khoa học và công nghệ. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở ngành, viện nghiên cứu, phòng ban cơ quan ĐHĐN, các nhà khoa học trẻ, trưởng nhóm nghiên cứu giảng dạy và các câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo của ĐHĐN.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2014 đến nay, Đà Nẵng đã cấp tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng thực hiện 96 nhiệm vụ và đề tài NCKH. Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn chiếm 24%, nông nghiệp 11%, y dược 18%, khoa học tự nhiên 17%, khoa học kỹ thuật và công nghệ 19%. Trong chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 – 2025 của thành phố sẽ tập trung vào các lĩnh vực: ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (giống cây trồng, chế phẩm sinh học, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học), nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm (hệ thống tự động trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế, trí tuệ nhân tạo, nguyên mẫu vi mạch…), NCKH phục vụ xây dựng thành phố môi trường và phòng tránh thiên tai (quan trắc xử lý chất thải môi trường, công cụ cảnh báo sớm thiên tai…), NCKH trong lĩnh vực y dược phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (y học cổ truyền, chẩn đoán và điều trị bệnh…)

Hiện thành phố đã triển khai hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai chuyển giao công nghệ cho mỗi doanh nghiệp là 3 tỷ đồng/ năm. Cụ thể, hỗ trợ 70% chi phí nghiên cứu giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ mới tiên tiến; đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Năm 2017 – 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó có 1 doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nhà khoa học của ĐHĐN. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 10 dự án, hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới cho 1 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Là trường trọng điểm Quốc gia đào tạo đa ngành, đa cấp, Đại học Đà Nẵng đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo đội ngũ nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Trường hiện có hơn 1.400 cán bộ giảng dạy; giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm tỷ lệ 30,6%. Trong đó, có hơn 300 nhà khoa học trẻ được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng ở các nước phát triển hiện đang đảm đương nhiệm vụ giảng dạy, hỗ trợ các sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học, tư vấn các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Để tăng cường hợp tác, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của Đại học Đà Nẵng với giải quyết các vấn đề phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố, theo ông Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, các sở ngành, đoàn thể thành phố cần đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên; tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cũng như nghiên cứu giải quyết các vấn đề trọng tâm trong việc phát triển kinh tế xã hội thành phố. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai phối hợp tài trợ giữa 2 Quỹ phát triển khoa học thành phố và trường đại học, tiếp nhận các cộng tác viên nghiên cứu từ Đại học Đà Nẵng …

Theo ông Thái Bá Cảnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trong thời gian tới, về phía thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích các nhà khoa học của ĐHĐN tham gia đề xuất, đặt hàng, chủ trì và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp, chia sẻ thông tin về các kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Trường Đại học Đà Nẵng sẽ làm đầu tàu trong việc điều hành các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, đồng thời tập trung nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm tăng tính ứng dụng NCKH vào thực tiễn. Thành phố cũng đề nghị các trường thành viên ĐHĐN tiếp tục thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên. Các giảng viên, nhà khoa học của ĐHĐN phối hợp các sở ngành khảo sát, nghiên cứu định hướng phát triển của thành phố, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, đồng thời phát hiện những vấn đề bức xúc cần nghiên cứu để phục vụ các mục tiêu phát triển xã hội.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác