Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 21-12-2017 09:45, Lượt xem: 1912

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh tế chủ lực  trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Chủ nhiệm đề tài:TS. Trần Hậu Ngọc

Cơ quan chủ trì:Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ

Năm nghiệm thu: 2014

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, công nghệ được xem là biến số chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, cũng như ở mỗi địa phương tùy theo vị trí địa lý, môi trường tự nhiên, con người.

Chính vì vậy, đánh giá công nghệ để có cái nhìn xác thực về công nghệ cụ thể của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành kinh tế. Trong phạm vi một vùng lãnh thổ, một địa phương có những tính đặc thù riêng, việc đánh giá công nghệ là hết sức cần thiết, cho phép xác định điểm xuất phát của lộ trình phát triển công nghệ một cách hợp lý và tối ưu hóa cách ngành nghề sản xuất. Ngoài ra, đánh giá công nghệ được coi là một thước đo nhằm xác định được giá trị thực tế của công nghệ để định giá và thỏa thuận các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu R&D từ các tổ chức nghiên cứu phát triển trong nước hoặc nước ngoài đến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều phương pháp đánh giá công nghệ, tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với đặc thù mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, có thể kể đến 3 phương pháp đánh giá  công nghệ như: Phương pháp tiếp cận đầu vào đầu ra của quy trình (Science & technology input and output indicators); Phương pháp công nghệATLAS (Technology Atlas Project) do APCTT (Trung tâm chuyển giao công nghệ châu Á – Thái Bình Dương) xây dựng vào năm 1986 và Phương pháp tiếp cận theo quan điểm quản trị chiến lược, Sharif M.N năm 1995 (“Intergrating Business and Technology Strategies in Developing Countries” in Technology Forecasting and Social Change).

Tại Việt nam cũng đã có các tài liệu, công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện liên quan đến đề tài này. Nhìn chung, các đề tài/đề án đã giúp cho địa phương có được một cơ sở dữ liệu điều tra về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp điển hình trong tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó cung cấp một số thông tin cần thiết phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH trong thời gian qua, đồng thời giúp các doanh nghiệp địa phương thấy được hiện trạng công nghệ của mình để có kế hoạch đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, các đề tài/đề án cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, chẳng hạn như: nhiều khái niệm, tiêu chí, chuẩn so sánh, thang điểm và phương pháp đánh giá trình độ công nghệ ở địa phương có những điểm khác nhau về khả năng dự báo, định hướng (forsight) và chưa đạt được mục tiêu xây dựng bản đồ (map) về hiện trạng công nghệ; các thông tin không được thường xuyên cập nhật dẫn đến tình trạng lỗi thời; đặc biệt là chưa đưa ra được các khuyến nghị, ý kiến đề xuất mang tính đặc thù cho từng trường hợp cụ thể, cũng nhưchưa đảm bảo tính liên tục, thường xuyên giúp cho các nhà quản lý KHCN địa phương trong việc định hướng xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các trường Đại học, các tổ chức R&D, cùng với các nhà nghiên cứu, sáng chế trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất kinh doanh.

Thành phố Đà Nẵngđang đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Hiện nay, Đà Nẵng lựa chọn một số ngành như thủy sản, dệt may, da giày, cao su... là những lĩnh vực mũi nhọn để tập trung phát triển. Bên cạnh đó, thành phố còn chú tâm đến ngành CNTT (Công viên Phần mềm Đà Nẵng, Khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao), ngành công nghệ sinh học (Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng - Danang Biotechnology Center) và ngành du lịch,...

Theo định hướng chiến lược phát triển Kinh tế -Xã hội tầm nhìn 2020, các ngành công nghiệp dưới đây được khuyến khích đầu tư: Ngành công nghệ cao; Sản xuất phần mềm; Sản xuất thiết bị viễn thông; Máy tính cá nhân/thiết bị ngoại vi, văn phòng; Thiết bị sản xuất; Quang điện tử; Tổ hợp mạch, bán dẫn; Cơ khí; Các ngành công nghiệp sinh học, công nghệ ứng dụng sinh học; Sản xuất vật liệu mới; Thiết bị bảo vệ môi trường; Công nghiệp năng lượng; Công nghiệp liên quan đến không gian, vũ trụ; Công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, Công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay, cũng như cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương phụ trách về hoạt động khoa học công nghệ vẫn chưa có được các thông tin cụ thể về mức độ cần thiết về công nghệ, những công nghệ nào là cần thiết, là hiện đại hoặc những công nghệ đã lỗi thời, những công nghệ phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp và địa phương.

Đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, thành phố Đà Nẵng cần doanh nghiệp thành công và có khả năng cạnh tranh.Để tăng cường tính cạnh tranh, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng cần phải cải thiện năng suất, hiện đại hóa quy trình công nghệ, sản xuất và phát triển các sản phẩm cải tiến và phát triển những dịch vụ mới.Chìa khóa là đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...

Vì vậy, thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”để có thể đưa ra được các chỉ dẫn, định hướng phù hợp với sự phát triển, cũng như những sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết của các cơ chế chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước giúp cho các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, giải đáp được một số thông tin cần biết như: Các lĩnh vực kinh tế nào là quan trọng nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng? Trình độ công nghệ hiện tại của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này là gì? Khoảng cách giữa trình độ công nghệ hiện tại và mức độ công nghệ  cần thiết là gì? Những công nghệ quan trọng đang thiếu, cần hỗ trợ đầu tư phát triển? Làm thế nào có thể lấp đầy những khoảng trống thiếu hụt đó? Những công nghệ này nên đầu tư nghiên cứu hay mua lại, chuyển giao? Những thông tin cần thiết về các lĩnh vực công nghệ có thể tiếp cận từ những kênh nào?...

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

- Thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ một số ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (giai đoạn I);

- Xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá về hiện trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp và một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Đà dựa trên dữ liệu điều tra thực tế và phân tích có hệ thống;

- Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu giao diện website để tổng hợp và xử lý thông tin dữ liệu đã điều tra về trình độ công nghệ một số ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

- Xây dựng mô hình đánh giá trình độ công nghệ các ngành công nghiệp của thành phố Đà Nẵng;

- Đề xuất các giải pháp khai thác năng lực công nghệ hiện có, đầu tư đổi mới công nghệ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên kết quả phân tích thực trạng những điểm mạnh và điểm yếu về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, các ngành trong Thành phố.

IV. ĐỐI TƯỢNG,PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực của thành Phố Đà Nẵng. Trên cơ sở hiện trạng trình độ công nghệ các doanh nghiệp hiện tại để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030.

2. Phạm vi nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân chia các doanh nghiệp dự kiến điều tra theo 6 nhóm ngành cụ thể. Việc phân chia các nhóm ngành căn cứ trên Quyết định Số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 về Ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và Quy định về nội dung các ngành kinh tế thuộc Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007, căn cứ trên các mục tiêu nghiên cứu và các chính sách phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành công nghệ chủ lực của thành phố Đà Nẵng, lựa chọn theo các nhóm ngành sau:

  1. Công nghiệp chế biến (thủy sản, nông-lâm nghiệp);
  2. Dệt, may mặc, da giày, sợi, vải lụa thành phẩm(dự kiến đánh giá);
  3. Cao su, lốp ôtô, nhựa (dự kiến đánh giá);
  4. Cơ khí; chế tạo máy; đóng tàu sản xuất và lắp ráp ô tô; xe máy;
  5. Sản xuất thép đúc, luyện kim;
  6. Sản xuất rượu bia, nước giải khát;
  7. Sản xuất hóa chất, cao su, nhựa;
  8. Thiết bị điện, điện tử và linh kiện điện tử - tin học (dự kiến đánh giá);
  9. Khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng;
  10. Sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm phụ trợ.

Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp thuộc một số ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Tình hình điều tra
2. Tổng quan hiện trạng công nghệ thành phố Đà Nẵng
3. Một số đề xuất định hướng chiến lược nâng cao trình độ công nghệ các doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
4. Một số đề xuất định hướng chiến lược nâng cao trình độ công nghệ các doanh nghiệp thuộc 6 nhóm ngành khảo sát

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác