Hiệu quả một số mô hình điển hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong thời gian qua
Đăng ngày 15-12-2017 09:11, Lượt xem: 2946

Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã được hình thành. Mặc dù, các mô hình này không thể so sánh với các vùng nông nghiệp công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Lạt… nhưng hiệu quả bước đầu mang lại là cơ sở thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của thành phố thời gian đến.

1. Chăn nuôi

1.1. Mô hình chăn nuôi heo thịt theo công nghệ chuồng lạnh khép kín

Đây là mô hình chăn nuôi heo thịt gia công cho Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 10 mô hình chăn nuôi theo hình thức này, bình quân mỗi trang trại nuôi từ 800-1000 heo thịt giống ngoại theo công nghệ chuồng hở (8 trại) và chuồng công nghệ chuồng lạnh khép kín (2 trại) tập trung chính ở thôn Nam Sơn-Hòa Tiến Hòa Vang. Hàng năm, cung ứng trên 15.000 heo thịt xuất chuồng cho thị trường, chiếm gần 30% sản lượng heo hơi của thành phố. Đây là mô hình liên kết sản xuất 3 nhà “Nhà nước- Nhà nông- Nhà doanh nghiệp”. Mô hình giải quyết 03 vấn đề cơ bản khi nông dân liên kết với doanh nghiệp “con giống, thức ăn, thuốc thú y - kỹ thuật-đầu ra”. Người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, lao động, công ty đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Người chăn nuôi được hưởng chi phí nuôi gia công từ 3.500-4.000 đồng/kg heo hơi xuất chuồng theo hợp đồng kí kết. Trong đó, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao từ khâu con giống, chuồng trại, cung cấp thức ăn, xử lý chất thải. Đặc biệt, công nghệ chuồng lạnh theo nguyên lý “hang gió” tạo môi trường nhiệt độ ổn định 25-270C trong các mùa trong năm. Đây cũng là điều kiện lý tưởng cho heo sinh trưởng phát triển, giảm chi phí nhân công, giảm tỉ lệ tiêu tốn thức ăn, giảm bệnh giảm chi phí thuốc thu y, tăng độ đồng đều, khả năng tăng trọng, rút ngắn thời gian nuôi và tăng hiệu quả kinh tế.  

2. Trồng trọt

2.1. Cây rau:

* Trang trại sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn Tâm An Farm: Trồng rau các loại ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại vùng rau Phú Sơn Nam, Hòa Khương trên 3 ha đất tập trung sản xuất các chủng loại chủ yếu là rau ăn quả như dưa leo, dưa lưới, bầu, mướp, bí và một số loại rau ăn lá khác (xà lách, cải, rau muống, mồng tơi) đã được chứng nhận VietGAP. Trang trại Tâm An là một trong 3 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại vùng rau Phú Sơn Nam, sử dụng thường xuyên 10 lao động tại chỗ với mức lương từ 3.500.000 đồng - 5.000.000 đồng/người/tháng. Trang trại sử dụng thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống phun tưới phun, tưới nhỏ giọt thực hiện 2 chức năng tưới nước và cung cấp phân bón hòa tan cho cây, màng phủ nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý đất, phòng bệnh, hệ thống khung vòm nhà lưới, nhà màng cấp đơn giản… Hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng hàng chục tấn rau ăn lá và trên 300 tấn rau củ quả tiêu thụ thông qua các hệ thống cửa hàng nông sản, công ty… Hàng năm, trang trại thu về doanh thu vài tỉ đồng và đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mang lợi nhuận lâu dài vì tiết kiệm được nhiều khoản như chi phí nhân công. Ngoài ra, còn tăng năng suất cây trồng vì lượng nước và phân được tính toán, điều chỉnh phù hợp, chính xác. Để thuận lợi trong quá trình quản lý sản xuất, anh Nguyễn Hữu Thịnh – chủ trang trại Tâm An Farm đã lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý, giám sát sản xuất và sản phẩm tại vùng rau. Đây cũng là một bước tiến trong ứng công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Năm 2015, trang trại Tâm An Farm đã được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 1,5 ha và đã tự đầu tư lắp đặt mới thêm 1,5 ha.

* Mô hình trồng rau ăn quả trên giá thể trong nhà màng: Đây là mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Quyết – Công ty TNHH Gia Khang Phát tại Phú Sơn Nam - Hòa Khương xây dựng và trồng rau theo hướng công nghệ cao với quy mô 1.000 m2 mới đưa vào hoạt động từ tháng 06/2017, hệ thống nhà kính 1000 m2 trị giá trên 450 triệu đồng với công nghệ thiết bị cho nhà màng khá hoàn chỉnh. Hiện nay, đang trồng dưa lưới, dưa vàng với quy mô 3800 cây/lứa trồng.

Qua vụ trồng đầu tiên theo công nghệ trồng trên giá thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước tưới và phân hòa tan tận gốc theo nhu cầu các giai đoạn của cây. Kết quả bước đầu cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhà màng, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh, hoàn toàn có khả năng sản xuất thuận lợi quanh năm ngay cả trong điều kiện mà phương thức sản xuất ngoài trời thông thường khó thực hiện như mùa nắng, mùa mưa, bão cấp thấp… Trong thời gian gần 03 tháng trồng, trên 90% số cây còn sống và cho quả. Mỗi cây giữ lại 01 quả đạt tiêu chuẩn thì mỗi lứa trồng thu được khoảng  trên 3.000 quả dưa lưới, trọng lượng trung bình 1,3 kg/quả, ước tính thu hoạch được 4-5 tấn quả, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, doanh thu đạt 130-150 triệu. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận ước đạt 30 triệu -50 triệu đồng /lứa trồng.

* Mô hình sản xuất rau trong nhà kính tại 2 xã Hòa Ninh, Hòa Phú: Mô hình này vừa được đưa vào hoạt động từ tháng 06/2017 với quy mô 2ha (mỗi xã 1 nhà kính/1 ha), với tổng kinh phí đầu tư mỗi vùng trên 3,57 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí Nhà nước của UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ 1,4 tỷ đồng, số kinh phí còn lại do nhóm hộ liên kết thành lập Hợp tác xã Rau hoa quả Hòa Vang với các chuyên gia sản xuất rau, hoa ở tỉnh Lâm Đồng cùng đầu tư thực hiện. Sau khi đưa vào hoạt động, các mô hình này tập trung canh tác các loại rau ăn lá và ăn quả theo phương thức trồng địa canh sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà kinh (mô hình Hòa Phú) và kết hợp sản xuất rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh hồi lưu (mô hình Hòa Ninh).

Các công đoạn canh tác ở cả 2 mô hình trên đều được cơ giới hóa và tự động hóa theo công nghệ nhà kính, có thể điều chỉnh được các thông số phù hợp cho cây trồng về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… Từ khâu chọn lựa giống cho đến khâu gieo hạt, sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch đều được đảm bảo nghiêm ngặt nhằm mang lại nguồn sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với nông nghiệp truyền thống trước đây. Hiện nay, các chủng loại đang được sản xuất rất phong phú: xà lách, cải xanh, ớt chuông, dưa kim cô nương, dưa lưới… Riêng khu vực trồng rau thủy canh hồi lưu với quy mô 18.000 gốc, trong lứa đầu tiên cho sản phẩm đạt năng suất cao, tỉ lệ cây thành phẩm đạt trên 80%, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian gieo hạt đến thu hoạch khoảng 45 ngày, mẫu mã đẹp.giá bán từ 7.000 đồng - 8.000 đồng/cây cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Nếu tiêu thụ hết sản phẩm, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt 15.000.000 đồng - 20.000.000 đồng/lứa. Mô hình này mới đi vào hoạt động và đang sản xuất lứa 2, các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm đang trong giai đoạn hình thành. Vì vậy, vẫnchưa đánh giá được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy công nghệ sử dụng mô hình này khá hiện đại, dung dịch thủy canh sử dụng được chứng nhận chất lượng. Theo đó, mô hình này hoàn toàn có thể áp dung phát triển nhân rộng tại Đà Nẵng. Hiện nay, mô hình này đang là điểm đến của khách tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao và là địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại chỗ cho khách hàng trong và ngoài thành phố.

2.2. Cây hoa

* Mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành: Vùng hoa Dương Sơn Hòa Châu: diện tích quy hoạch vùng hoa Dương Sơn 4,5ha, trong đó diện tích đang sản xuất 3,5ha với các chủng loại hoa lan, hướng dương, hoa treo các loại, cúc đất… Đặc biệt, hộ ông Nguyễn Xuân Hùng tại vùng hoa Dương Sơn là nông dân tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng trên địa bàn Hòa Vang. Tổng diện tích sản xuất hiện nay của hộ ông Hùng khoảng 1.400 m2, với quy mô 12.000 cây lan, toàn bộ chi phí đầu tư gần  2 tỷ đồng, lan được trồng trong hệ thống nhà lưới, trang bị đầy đủ hệ thống tưới phun.

Hàng năm, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng từ nguồn thu bán hoa và bán giống lan. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận hàng năm của trang trại đạt trên 250 triệu đồng. Sản phẩm hoa Lan cắt cành được phân phối ổn định cho các Shop hoa tại Đà nẵng. Hiện nay, trang trại đang có kế hoạch mở rộng và nâng quy mô lên 20.000 cây hoa lan để sản xuất nguồn hoa lan và cây giống cung cấp cho thị trường Đà Nẵng.

* Mô hình sản xuất hoa treo, hoa thảm trang trí cảnh quang: Tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, hộ Nguyễn Ngọc Chương đang sản xuất khoảng 800 m2 các loại hoa treo, hoa thảm, đầu tư 500 triệu để trang bị nhà kính, hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt… phát triển các đối tượng hoa mới, hoa cao cấp như hoa dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường, đồng tiền mini, dừa cạn, hoa cẩm chướng… Hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 24.000 chậu hoa các loại, mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt trên 50%. Mô hình đánh giá cho hiệu quả kinh tế xã hội cao, vừa góp phần vào việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của thành phố vừa phù hợp với xu hướng của nông nghiệp đô thị.

* Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ: Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp sạch được ngành nông nghiệp và Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phối hợp thực hiện trong nhiều năm. Qua gần 4 năm triển khai, hình thành 4 vùng sản xuất lúa chất lượng (100 ha) theo quy trình sản xuất lúa hướng hữu cơ, thực hiện theo nguyên tắc 3 không “không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật” tại Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước-Huyện Hòa Vang và  Hòa Quý-Quận Ngũ Hành Sơn.

Mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng như BT 7, HT1, BC 15 sản xuất theo quy trình hướng hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm. Năng suất đạt mức ổn định từ 60-70 tạ/ha, giá bán tăng hơn lúa sản xuất thông thường từ 1.500 đồng - 2.500 đồng/kg. Trong đó, diện tích sản xuất tại Thôn An Trạch-Hòa Tiến được Tập đoàn Quế Lâm ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Hiệu quả kinh tế chỉ là một phần nhỏ, hiệu quả lớn nhất của mô hình này là hiệu quả xã hội, tạo được nguồn gạo chất lượng sạch cung cấp cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững thân thiện với môi trường. Hiện nay, đã có 20 ha diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ tại Hòa Tiến đạt chứng nhận VietGAP.

Đánh giá chung: Một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ mới phát triển bước đầu nhưng kết quả thu được khá tốt, có thể phù hợp và phát triển được trong điều kiện khí hậu, đặc điểm thời tiết tại Đà Nẵng. Các mô hình này đang tạo nên những mảnh ghép mới cho bức tranh nông nghiệp Đà Nẵng, từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế - xã hội, năng suất, chất lượng vượt trội so với  sản xuất thông thường. Sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC độ đồng đều sản phẩm cao, tỉ lệ thành phẩm lớn, kiểm soát hiệu quả vấn đề sâu bệnh hại, xây dựng nhãn mác, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, tham gia liên kết cung cấp sản phẩm qua kênh phân phối theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng nông sản... góp phần bước đầu hình thành các mô hình, vùng sản xuất CNC tập trung, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp việc sản xuất được tiến hành quanh năm, giảm chi phí nhân công. Trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, vẫn có thể sản xuất sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao, cung ứng được nguồn hàng ổn định cho các kênh phân phối, khắc phục được điểm yếu trong sản xuất và cung ứng nguồn hàng trong các thời điểm sản xuất trái vụ, thời tiết khí hậu khắc nghiệt trong năm tại khu vực duyên hải miền Trung, nhất là trong mùa mưa, lũ lụt. Tuy nhiên, điểm lưu ý khi phát triển ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính trong điều kiện tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực duyên hải miền Trung nói chung chính là tránh đầu tư vùng ngập lụt, nghiên cứu điều tiết yếu tố nhiệt độ trong nhà màng, nhà kính vào mùa hè và khả năng chịu đựng các cấp bão trong mùa mưa bão. Qua theo dõi bước đầu tại một số mô hình nhà màng kín sản xuất rau tại Đà Nẵng, nhiệt độ trong nhà màng thường cao hơn bên ngoài trời từ 4-50C, thời điểm cao nhất nhiệt độ bên trong có thể lên đến 45-470C. Trong môi trường nhiệt độ này, chỉ các loại rau ăn quả chịu nhiệt cao có thể phát triển và rất ít các loại rau ăn lá thích ứng. Vì vậy, cần hỗ trợ các thiết bị công nghệ, điều chỉnh thiết kế để làm giảm nhiệt độ trong nhà màng kín mùa hè. Đồng thời, thiết kế nhà màng có khả năng chịu được cấp bão lớn để giảm tối đa thiệt hại về chi phí và đạt hiệu quả sản xuất tối ưu trong mùa mưa bão.    

Để nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần có quỹ đất tập trung, ổn định quy hoạch, vốn đầu tư chuồng trại, nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, đầu tư chi phí thiết bị lớn, thực hiện khấu hao dài hạn, chi phí giá thành sản phẩm thường cao hơn sản xuất thông thường. Vì vậy, đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải lựa chọn đối tượng sản xuất có giá trị cao, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết lập kênh tiêu thụ phân phối sản phẩm ổn định, dài hạn để mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND  ngày 07 tháng 7 năm 2017 về việc Quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là đòn bẩy chính sách, cơ chế mạnh, tạo thuận lợi cho nông dân, THT, HTX, các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng thời gian đến.

Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch đã tạo điều kiện cho các nhà quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa, giúp người nông dân hình thành được tư duy về thị trường, tiếp cận công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từng bước hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phấn đấu đưa Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm, đầu tàu dẫn dắt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho khu vực duyên hải miền Trung.  

(Trích tham luận Trung tâm Khuyến ngư nông lâm)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác