Hội thảo các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
Đăng ngày 22-11-2017 23:50, Lượt xem: 690

Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, chiều 22-11, Hội thảo các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã diễn ra với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ 23 Trung tâm thuộc các vùng. Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố thuộc các vùng chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến tháng 10-2017, các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng đã thực hiện 168 hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, nông nghiệp, năng lượng và kiểm nghiệm. Số lượng hợp đồng của các Trung tâm trong vùng năm 2017 chiếm khoảng 5% so với tổng số 3380 hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ của các Trung tâm trong cả nước. Khi so sánh với vùng Đông Nam Bộ (36 %) và vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (32%), hợp đồng tư vấn - dịch vụ và chuyển giao công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng là rất thấp.

Trong năm 2017, các Trung tâm của vùng tiếp thu và làm chủ được 21 công nghệ trong 5 lĩnh vực: công nghệ sinh học 10/21; xử lý môi trường 2/21; nông nghiệp 6/21; vật liệu 2/21; xây dựng 1/21. Các công nghệ được làm chủ tập trung vào các lĩnh vực chính của các Trung tâm trong vùng, như: Bảo quản trứng gia cầm tươi thương phẩm bằng phương pháp phun sương dầu Paraffin (Hà Nội); Công nghệ sản xuất tỏi đen, Quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cây Ba kích tím (Hài Phòng).

Đối với vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên, trong năm 2017, 12 Trung tâm trong vùng đã thực hiện 204 hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, nông nghiệp, năng lượng và kiểm nghiệm, với tổng giá trị 5,2 tỷ đồng; chiếm khoảng 7,2 % giá trị các hợp đồng tư vấn - dịch vụ và chuyển giao công nghệ của các Trung tâm trong cả nuớc. Đây là một tỷ lệ tương đối thấp khi so sánh với các vùng khác trong cả nước, chỉ lớn hơn vùng Đồng bằng sông Hồng. Các Trung tâm của vùng đã tiếp thu và làm chủ được 21 công nghệ trong 4 lĩnh vực chính: công nghệ sinh học 10/21 (chiếm 48%), công nghệ bảo quản 3/21 (chiếm 14%), trồng trọt 6/21 (chiếm 29%), xử lý môi trường 2/21 (chiếm 9%).

Thảo luận, trao đổi tại hội thảo, phần lớn các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, hoạt động tìm kiếm và thực hiện các hợp đồng dịch vụ -tư vấn và chuyển giao công nghệ của các Trung tâm ứng dụng vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm lực kinh tế của hai vùng. Bên cạnh đó, nhìn chung, các công nghệ được làm chủ của các Trung tâm trong vùng vẫn tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến phát triển nông nghiệp. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn - dịch vụ và chuyển giao công nghệ, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều kiến nghị như: tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được tiếp cận, tham gia các nhiệm vụ khoa học – công nghệ, đề tài dự án khoa học – công nghệ, chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; tạo điều kiện để các Trung tâm tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ, nhân viên của các Trung tâm; hỗ trợ và thực hiện tổ chức các sự kiện khoa học – công nghệ cho các Trung tâm tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình tiên tiến trong và ngoài nước; tạo điều kiện để hệ thống Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới Quỹ gen quốc gia.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác