UBND thành phố trả lời ý kiến cử tri quận Thanh Khê
Đăng ngày 07-07-2018 08:57, Lượt xem: 479

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX diễn ra vào các ngày 10,11 và 12-7, UBND thành phố đã trả lời ý kiến của cử tri quận Thanh Khê đặt ra trước Kỳ họp thứ 6. Cổng Thông tin điện tử thành phố xin trích lược một số vấn đề đang được cử tri quận Thanh Khê quan tâm. Cụ thể như sau:

1. Việc cho phép đậu đỗ xe dưới lòng đường Điện Biên Phủ gây cản trở kinh doanh của các hộ dân mặt tiền. Đề nghị thành phố có giải pháp khắc phục.

Trả lời:

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường Điện Biên Phủ, ngày 28-11-2017 Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trường; qua kiểm tra, các đơn vị xác nhận tuyến đường Điện Biên Phủ đã được kẻ vạch quy định khu vực được phép đỗ xe ô tô phù hợp với quy định; tuy nhiên, theo ý kiến của Công an quận Thanh Khê, thời gian qua xảy ra tình trạng ô tô khách trên 16 chỗ (có chiều dài xe lớn) đỗ xe trong thời gian dài ảnh hưởng đến việc lên xuống của các hộ dân cũng như trật tự an toàn giao thông tại tuyến đường này. Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại buổi kiểm tra, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 35/SGTVT-QLKCHT ngày 4-1-2018 báo cáo, đề xuất UBND thành phố cho chủ trương lắp đặt biển báo “Cấm đỗ xe” đối với ô tô khách trên 16 chỗ dọc tuyến đường này và đã được UBND thành phố thống nhất tại Công văn số 326/UBND-SGTVT ngày 15-1-2018. Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lắp đặt các biển báo nêu trên, hoàn thành trong tháng 1-2018.

2. Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân khi thực hiện Đề án 4991 của UBND thành phố về việc giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20Cv (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (hiện nay chỉ dừng lại ở việc thu mua phương tiện là chưa đảm bảo

Trả lời:

Tính đến ngày 28-3-2018 đã có 13 đợt hỗ trợ cho 106 chủ tàu, thuyền xả bản. Tuy nhiên, do quản lý của chính quyền địa phương cấp quận chưa chặt chẽ, khối tàu thuyền này lại tăng thêm 292 chiếc. Xét thấy thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, làm tăng thêm tàu công suất nhỏ, nên tại cuộc họp giao ban ngày 9-5-2018, lãnh đạo UBND thống nhất thống nhất chủ trương tạm dừng thực hiện chính sách trên bắt đầu từ ngày 25-5-2018. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố có phương án quản lý chặt chẽ khối tàu công suất nhỏ 20cv, tránh phát sinh (Công văn số 3867/UBND-KT ngày 25-5-2018 của UBND thành phố).

3. Đề nghị nâng cấp Trung tâm y tế quận Thanh Khê thành bệnh viện hạng II ở mức độ cao hơn, phù hợp với quy hoạch tổng thể, vì hiện nay nhiều hạng mục công trình sau thời gian hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng, các trang thiết bị cũ kỹ không được đầu tư.

Trả lời:

Hiện nay, TTYT quận Thanh Khê là Bệnh viện hạng II; từ nhiều năm nay, TTYT này được đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn từ nhiều nguồn vốn (nguồn ngân sách, viện trợ, trái phiếu chính phủ); Năm 2008, Sở Y tế đã đề xuất UBND thành phố cho đầu tư  nâng cấp từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và được UBND thành phố đồng ý cho xây dựng, nâng cấp một số khoa như khu khám và điều trị liên chuyên khoa, khoa Sản, khu Hồi sức cấp cứu, khoa Dinh dưỡng, nhà xe bệnh nhân, nhà bảo vệ, cổng ngõ, hạ tầng kỹ thuật ...; đến nay một số hạng mục cũ tiếp tục xuống cấp, Sở Y tế đã khảo sát và đề xuất UBND thành phố xin chủ trương đầu tư.

Thực hiệnThông báo số 08/TB-VP ngày 13-1-2015 của Văn phòng UBND thành phố và Thông báo số 148-TB/TU ngày 14-11-2016 của Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê, Hiện nay, Sở Xây dựng và Sở Y tế đã có phương án quy hoạch nâng cấp Trung tâm y tế quận Thanh Khê, tuy nhiên, tại vị trí hiện trạng của Trung tâm y tế quận Thanh Khê có lối tiếp cận nhỏ, không đảm bảo diện tích hoạt động, mật độ cây xanh và không thuận tiện cho việc xe cấp cứu ra vào. UBND thành phố đã có Công văn số 947/VP-QLĐTh ngày 16-4-2018 chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Thanh Khê tiếp tục nghiên cứu địa điểm khác để xây dựng Trung tâm Y tế quận có quy mô và diện tích phù hợp hơn.

4. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, kết luận và thông báo công khai chất lượng nước, môi trường tại khu vực Trung Bình A, Trung Bình B, phường Thạc Gián.

Trả lời:

- Khu dân cư Trung Bình A, Trung Bình B nằm trên địa bàn phường Thạc Gián, gồm 14 tổ dân phố, từ tổ dân phố số 14 đến tổ dân phố số 28; phía đông bắt đầu từ số nhà 100 Phan Thanh đến đường Lý Thái Tổ, phía Bắc từ ngã ba Phan Thanh - Lý Thái Tổ đến Hồ Công Viên 29/3; phía Tây giáp Công viên 29/3; phía Nam bắt đầu từ tường rào số nhà 100 Phan Thanh đến sát tường rào Công viên 29/3.

- Hiện trạng môi trường:

+ Số liệu quan trắc môi trường: Hiện nay, chưa có số liệu quan trắc khu vực này, chỉ có số liệu quan trắc các khu vực lân cận như: 03 vị trí quan trắc không khí thụ động tại ngã tư đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ; ngã tư Chợ Cồn và ngã 5 Hoàng Anh Gia Lai, 02 vị trí nước mặt là hồ Công viên 29/3 và hồ Thạc Gián Vĩnh Trung.

+ Kết quả quan trắc năm 2017 tại 03 vị trí nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường với các thông số Bụi PM10, O3, NO2, SO2 cho thấy các thông số nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

+ Về môi trường nước: Dân cư tại khu vực sử dụng 100% nước thủy cục phục vụ sinh hoạt, ăn uống.

+ Về môi trường không khí: Trong khu dân cư không có hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh nguồn gây ô nhiễm không khí và hầu hết người dân trong khu vực sử dụng gas làm chất đốt thay cho than và củi.

- Đối với việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước ngầm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ giao Trung tâm quan trắc tải nguyên và môi trường thực hiện khảo sát, lấy mẫu phân tích để công bố thông tin cho người dân trong tháng 6-2018.

5. Trước đây, cử tri đã nhiều lần đề nghị thành phố giải thích về việc thành phố bán đất công viên 29/3 cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời cụ thể. Đề nghị thành phố sớm trả lời cho nhân dân được rõ.

Trả lời:

Trước đây (vào năm 2009), trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty hàng không Việt Nam về việc xây dựng Trung tâm dịch vụ hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng nhằm phát triển và đáp ứng nhu cầu đi lại về đường hàng không, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của thành phố; UBND thành phố đã có chủ trương giao đất cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam tại các văn bản: Quyết định số 5502/QĐ-UBND ngày 20-7-2009 về việc phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất Trụ sở làm việc và Trung tâm dịch vụ hàng không Việt Nam; Quyết định số 6114/QĐ-UBND ngày 12-8-2009 về việc quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất đối với khu có ký hiệu A2 đường Điện Biên Phủ, để giao cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam; Quyết định số 7142/QĐ-UBND ngày 17-9-2009 về việc phê duyệt giá trị nhà số 27 Điện Biên Phủ, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng và đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam để xây dựng Trụ sở làm việc và Trung tâm dịch vụ hàng không Việt Nam với diện tích 5.314m2; mục đích sử dụng: Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; thời hạn sử dụng: Lâu dài.

Để làm rõ hơn về nguồn gốc đất đối với khu đất này, vừa qua UBND thành phố đã có Công văn số 3989/UBND-QLĐTh ngày 30-5-2018 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định để trả lời cho cử tri được biết.

TRUNG KIÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác