UBND thành phố trả lời ý kiến cử tri quận Hải Châu (tiếp theo)
Đăng ngày 30-11-2017 15:49, Lượt xem: 279

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa IX diễn ra vào ngày 5,6,7/12, UBND thành phố đã trả lời ý kiến của cử tri quận Hải Châu đặt ra sau kỳ họp thứ 4 về các vấn đề cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và an sinh xã hội trên địa bàn quận. Cổng Thông tin điện tử thành phố xin trích lược một số vấn đề đang được cử tri quận Hải Châu quan tâm.

6. Xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp đăng ký tàu cá có nguồn gốc do nhận thừa kế và cho phép người có tạm trú KT3 được đăng ký tàu cá tại Đà Nẵng.

Trả lời:

- Căn cứ Điều 12 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập được miễn thuế, thì khoản thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng được miễn thuế là:

“... Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau) ...”

 Căn cứ quy định nêu trên thì thu nhập từ nhận thừa kế tàu cá không được miễn thuế thu nhập cá nhân.

- Về nội dung xem xét cho phép người có tạm trú KT3 được đăng ký tàu cá tại Đà Nẵng:

Tại Khoản 2, Điều 11, Chương III của Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản quy định: “tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký, nơi chủ tàu cá đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú”.

          Theo Khoản 2, Điều 5, Chương II của Quy chế Đăng ký tàu cá và Thuyền viên ban hành kèm theo Quyết định 10/2006/QĐ-BTS ngày 03/7/2006 của Bộ Trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Quyết định 07/VBHN-BNNPTNT ngày 27/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế Đăng ký tàu cá và Thuyền viên quy định: “Trong cùng một thời gian, mỗi tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký tàu cá tại địa phương mà chủ tàu cá đăng ký thường trú hoặc đặt trụ sở và chỉ mang một số đăng ký duy nhất”.

          Theo đó, điều kiện đăng ký tàu cá là chủ tàu phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương và tàu cá chỉ mang một số đăng ký duy nhất tại địa phương đó nhằm tránh tình trạng trong cùng một thời gian, một tàu mang hai số đăng ký tại hai địa phương; vì vậy người có tạm trú KT3 không đủ điều kiện đăng ký tàu cá tại Đà Nẵng.

7. Sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng trụ sở UBND phường Thanh Bình.

Trả lời:

UBND thành phố đã có Công văn số 8948/UBND-QLĐTư ngày 02/11/2017 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Hải Châu và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực tế, đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng hiện nay của công trình trụ sở làm việc UBND phường Thanh Bình; trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của cử tri quận Hải Châu về việc đầu tư xây dựng Trụ sở UBND phường Thanh Bình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, báo cáo UBND thành phố trước ngày 20/11/2017.

8. Xem xét nâng mức hỗ trợ để đảm bảo kinh phí hoạt động cho tổ dân phố khi thực hiện chủ trương sáp nhập, vì kinh phí cấp hiện nay là 250.000 đồng/quý (1 triệu/ năm) không đủ để hoạt động.

Trả lời:

Mức khoán kinh phí hoạt động của tổ dân phố được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 119/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của HĐND thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, để báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân phố sau khi thực hiện sáp nhập.

9. Sớm giải thích và trả lời cụ thể cho cử tri biết vì sao cùng khu dân cư nhưng giá đất đường Mai Dị (5,5m) lại có giá đất (theo quy định của thành phố) cao hơn so với đường Lê Bá Trinh (7,5m, đoạn từ Mai Dị đến Châu  Thượng Văn).

Trả lời :

Đường Mai Dị có hình chữ L, điểm đầu là Tiểu La, điểm cuối là Lê Thanh Nghị, đi qua chợ Hòa Cường, hai đầu đường tiếp giáp với 02 trục đường chính của khu vực. Giá tính chung cho cả đoạn là 10.140.000 đồng/m2.

Đường Lê Bá Trinh có điểm đầu là Lê Thanh Nghị, điểm cuối là Châu Thượng Văn, cũng đi qua chợ Hòa Cường nhưng chỉ có đoạn tiếp giáp chợ là sầm uất, giá đất ở quy định là 12.150.000 đồng/m2, cao hơn đường Mai Dị (5,5m), đoạn còn lại nối vào Châu Thượng Văn là khu vực nhà tập thể, phải qua Châu Thượng Văn mới ra được Tiểu La, có mức giá đất ở quy định là 8.580.000 đồng/m2.

Giá đất trong bảng giá đất hiện hành trên cơ sở khảo sát thông tin giao dịch thị trường tại vị trí đường phố tiếp giáp, nên có thể sẽ xảy ra những trường hợp, đường có độ rộng, mặt cắt lớn hơn (như Lê Bá Trinh - đoạn từ Mai Dị đến Châu Thượng Văn), nhưng kém thuận lợi kinh doanh, kém sầm uất hơn nên mức giá đất ở thấp hơn đường có độ rộng nhỏ hơn (đường Mai Dị).

10. Đề nghị cơ quan chức năng rà soát, giải quyết dứt điểm chế độ địch bắt tù đày cho các đối tượng đã nộp hồ sơ trên địa bàn thành phố; trong đó, cần quan tâm xem xét đối với các trường hợp có thời gian thực tế bị địch bắt tù đày trong kháng chiến nhưng hồ sơ không đầy đủ.

Trả lời:

          Căn cứ Mục 9, Chương II, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; từ năm 2013 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với 4.673 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Trong quá trình giải quyết, có một số trường hợp đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày nhưng không còn giấy tờ thể hiện thời gian và địa điểm bị tù, đày theo quy định tại Điều 46, Mục 9, Chương II, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ. Sở đã có văn bản đề nghị Công an thành phố và Công an các tỉnh, thành có liên quan sưu tra hồ sơ lưu trữ do địch để lại để xác định thời gian và địa điểm bị tù, đày cho 36 trường hợp. Đến nay có 23 trường hợp Cơ quan Công an đã có văn bản phản hồi kết quả sưu tra (trong đó, 13 trường hợp có thể hiện thời gian và địa điểm bị tù, đày trong hồ sơ lưu trữ do địch để lại, Sở đã ra Quyết định giải quyết chế độ trợ cấp) và còn 13 trường hợp đang chờ kết quả sưu tra của Cơ quan Công an.

11. Xem xét xây dựng Nhà Tưởng niệm thay cho Bia Tưởng niệm Mậu Thân (hiện đặt tại đầu cầu Hòa Xuân, phường Hòa Cường Nam) để làm nơi thờ cúng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh lịch sử Tết Mậu Thân 1968.

Trả lời:

  Bia tưởng niệm Mậu Thân tại chân cầu Hòa Xuân đã được phục dựng, gắn bia biển lại vào năm 2011 (Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư). Khi quy hoạch tuyến đường Thăng Long có điều chỉnh nâng cốt mặt đường, UBND thành phố đã có chủ trương và Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện nâng toàn bộ hệ kết cấu bia. Hiện nay, nội dung tưởng niệm và kiến trúc bia phù hợp với cảnh quan chung, công tác quản lý phát huy di tích được chính quyền và nhân dân địa phương  thực hiện tốt. Do đó, UBND thành phố thống nhất đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao giữ nguyên hiện trạng bia như hiện nay và giao địa phương tiếp tục bảo vệ và phát huy di tích.

12. Xem xét có chế độ hỗ trợ cho người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Cựu giáo chức ở các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Trả lời:

Ngày 17 tháng 6 năm 2016, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 4465/UBND-SNV về chính sách hỗ trợ đối với lãnh đạo các tổ chức hội. Theo đó, UBND thành phố tạm thời chưa giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ thù lao chức danh lãnh đạo cho các hội. Sau khi có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương về triển khai thực hiện cơ chế khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, UBND thành phố sẽ giao Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố xem xét, giải quyết chung cho các hội theo quy định.

13. Sớm giải quyết thủ tục cấp thẻ BHYT cho hội viên Hội cựu thanh niên xung phong thành phố theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời:

Hiện nay, Hội Cựu Thanh niên xung phong có 1.217 hội viên, trong đó có 766 hội viên đã được giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Qua báo cáo kết quả rà soát chế độ, chính sách của Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố tại Công văn số 25/BC-TNXP ngày 04/4/2017, hiện nay 100% hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg đều được giải quyết chế độ Bảo hiểm y tế theo quy định.

14. Sớm thông tin cho cử tri biết về kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà.

Trả lời:

Tại Báo cáo số 223/BC-UBND ngày 29/8/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc liên quan đến rà soát các dự án và quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nội dung chính, cụ thể: UBND thành phố đã tiến hành rà soát tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi có Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà; đồng thời, đã làm việc với các chủ đầu tư có các dự án tại khu vực Bán đảo Sơn Trà và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng và ghi nhận, tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục xác định Bán đảo Sơn Trà là một trong các Khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt; Quan tâm kiến nghị của các tổ chức và cá nhân về việc bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển du lịch tại Bán đảo Sơn Trà; Xem xét các kiến nghị của các nhà đầu tư tại khu vực Bán đảo Sơn Trà, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong khuôn khổ lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Thanh tra toàn diện tại bán đảo Sơn Trà. Sau khi có kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố sẽ thông tin cho cử tri được biết.

15. Xem xét thay đổi thời gian thu gom rác trước chợ Đống Đa, tránh gây ách tắc giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Trả lời:

Do chợ Đống Đa không có đường đủ rộng để xe thu gom rác vào bên trong nâng rác từ các thùng chứa, nên rác phát sinh từ chợ công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom đưa đến vị trí tập kết tạm thời, sau đó đưa thùng ra đường Lương Ngọc Quyến để xe đến nâng rác vận chuyển đi, mỗi lần thực hiện khoảng 30 phút.

Để giải quyết tình trạng trên, Công ty đã làm việc với Ban quản lý chợ Đống Đa và UBND phường Thuận Phước và thống nhất điều chỉnh thời gian nâng thùng tại chợ Đống Đa như sau: Lần thứ nhất lúc 14h00; lần thứ hai lúc 20h30, không kéo dài để tránh gây ách tắc giao thông trong khu vực.

16. Xem xét tăng cường mật độ cây xanh các tuyến đường khu vực Đầm Rong, phường Thuận Phước.

Trả lời:

            Về nội dung này, Sở Xây dựng đã liên hệ với lãnh đạo UBND phường Thuận Phước và được biết hiện nay cây xanh tại khu vực nêu trên đã đảm bảo mật độ. Về khu vực trồng bổ sung, đề nghị cử tri cung cấp thông tin cụ thể để phối hợp xử lý.

17. Xem xét mở đường rẽ phải từ đường Trần Đăng Ninh lên cầu Tuyên Sơn để giảm áp lực giao thông cho nút giao thông phía Tây cầu Tuyên Sơn (đường 2/9) và tạo điều kiện cho việc lưu thông từ Khu dân cư Hóa Sơn lên cầu Tuyên Sơn được thuận tiện hơn (đề nghị mở thông như phía Lotte).

Trả lời:

Căn cứ Quyết định số 1628/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Cải tạo Nút giao thông phía Tây cầu Tiên Sơn, dải phân cách đường dẫn lên cầu Tiên Sơn và đường Quy Mỹ tại vị trí cuối đường Trần Đăng Ninh được mở thông để kết nối giao thông tại khu vực.

 CỔNG TTĐT 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác