Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông chiều 9-9
Đăng ngày 09-09-2020 16:40, Lượt xem: 53

Tính đến 16h ngày 9-9, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 389 ca.

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 14h00 ngày 9-9)

* Thế giới: 27.757.616 người nhiễm/ 902.200 người tử vong

* Việt Nam: 1.054 người/35 người tử vong/868 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng: Tính đến 16h ngày 9-9, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 389 ca.

II. Báo chí viết về Covid-19

Từ 7h30 đến 16h30 (9-9), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Cổng Thông tin điện tử thành phố: Kiều bào Việt Nam tại Italy chung tay hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng ứng phó dịch COVID-19

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40964&_c=100000150,3,9)

Ngày 9-9, Sở Ngoại vụ thành phố phối hợp Hội tương trợ Italy-Việt tiến hành trao tặng bệnh viện Đà Nẵng số tiền quyên góp 4.200 EURO từ bà con Việt kiều, các gia đình có con nuôi Việt Nam tại Italy, cùng bạn bè Italy để cùng chung tay với thành phố ứng phó đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Chữ, nguyên Tổng thư ký Hội người Việt tại Italy, đại diện "Những tấm lòng từ Italy" cho biết: "Nhằm hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, các bạn bè cộng đồng người Việt, các gia đình có con nuôi Việt Nam và Hội tương trợ Italy - Việt, thông qua cầu nối Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã cùng nhau quyên góp và tặng cho Bệnh viện Đà Nẵng số tiền 4.200 EUR để phòng, chống dịch COVID-19. Hội mong muốn được bày tỏ tình cảm chân thành, gần gũi, tương thân, tương trợ với người dân Việt Nam, như trước đây nhà nước và các đoàn thể Việt Nam đã bày tỏ đối với Italy và Việt Kiều."

Đại diện Bệnh viện Đà Nẵng đã trân trọng cảm ơn những tấm lòng hảo tâm cùng hướng về quê hương đất nước của bà con Việt kiều tại Italy, cùng bạn bè Italy. Đây là sự động viên rất kịp thời, cần thiết và ý nghĩa trong công tác chăm sóc bệnh nhân cùng đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch của Bệnh viện.

Báo Đà Nẵng: Doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho người lao động

(https://baodanang.vn/channel/5399/202009/doanh-nghiep-bao-dam-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-3705949/)

Đến Công ty TNHH Daiwa Việt Nam ở KCN Hòa Khánh vào đầu giờ sáng giữa tuần, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống Covid-19 tại đây được thực hiện rất tốt. Ngay sau khi đăng ký thông tin ở phòng bảo vệ, chúng tôi được đo thân nhiệt trước khi vào bên trong.

Quan sát cho thấy, tại khu nhà xưởng, công nhân được ngồi với khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang khi làm việc. Chị Lê Thị Diễm, công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết: “Khi Covid-19 bùng phát trở lại, công ty kiểm soát nghiêm việc ra, vào cổng.

Công nhân được đo thân nhiệt, nếu phát hiện sức khỏe bất thường, bảo vệ sẽ không để người đó vào làm việc và báo ban lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết, giúp đỡ. Nhưng rất may, gần một tháng qua không có công nhân nào có dấu hiệu liên quan đến Covid-19. Trong quá trình sản xuất, công ty liên tục nhắc nhở công nhân thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn, công nhân hạn chế tiếp xúc với nhau trong giờ nghỉ”.

Chị Trần Thị Hải Lê, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), Trưởng phòng Chất lượng cần của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho hay, từ khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện “cách ly xã hội”, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham mưu cho lãnh đạo công ty gấp rút dựng vách ngăn bếp ăn tập thể, mỗi người lao động ngồi một khoang riêng để giữ khoảng cách.

“Công việc trong công ty là sản xuất cần câu cá, nên có nhiều khâu không cần ngồi theo dây chuyền như các công ty khác, vì vậy cũng khá thuận lợi khi tạo khoảng cách an toàn cho người lao động làm việc”, chị Lê nói..

Công an Đà Nẵng: Đà Nẵng chống dịch Covid-19: Nhìn lại những bước đi để lật ngược tình thế (Bài 1: “Chiếu tướng” F0)

(http://cadn.com.vn/news/119_231141_da-nang-chong-dich-covid-19-nhin-lai-nhung-buoc-di-de-lat-nguoc-tinh-the-bai-1-chieu-tuong-f0-.aspx)

Ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân 416), công bố vào ngày 25-7, được phát hiện tại BV C Đà Nẵng. Ngay từ đầu, cả chính quyền Trung ương và địa phương đã nhận định sẽ còn những ca nhiễm khác, trong đó có cả lực lượng y tế - những người thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân. Những gì diễn ra sau đó còn phức tạp hơn khi số ca nhiễm tăng nhanh. Thành phố có ngày lập đỉnh dịch với 45 ca và việc truy vết F0 là nhiệm vụ bất khả thi hoặc là nước đi không còn cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị phong tỏa BV C Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề xuất cách ly thêm BV Đà Nẵng và BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cùng khu dân cư lân cận. Trong cuộc họp trực tuyến với chính phủ ngày 27-7, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Sau khi xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, TP đã nhanh chóng vào cuộc với những kịch bản ở cấp độ cao, cách ly, phong tỏa những trường hợp, những khu vực có nguy cơ phát tán virus. Tuy nhiên, do chưa xác định được nguồn lây nhiễm nên việc điều tra, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, bị động. Nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm mới rất cao...”.

Cũng ngay trong đêm 27-7, thành phố lắp rào chắn và triển khai lực lượng chốt chặn, phong tỏa 3 BV (BV C Đà Nẵng, BV Đà Nẵng và BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) và khu dân cư lân cận. Lực lượng Công an lập 10 chốt bao vây. Quân đội cũng vào cuộc, phun thuốc khư khuẩn toàn bộ khu vực. Có thể nói, đây là quyết định quan trọng và chính xác khi những ngày sau đó, BV Đà Nẵng trở thành F0 lớn nhất. Theo thống kê, trong giai đoạn xuất hiện dịch, có khoảng 11.000 người đã đến BV Đà Nẵng.

Thanh Niên: Kiến nghị thống nhất biện pháp phòng Covid-19 người từ Đà Nẵng đến các địa phương

(https://thanhnien.vn/thoi-su/kien-nghi-thong-nhat-bien-phap-phong-covid-19-nguoi-tu-da-nang-den-cac-dia-phuong-1276744.html)

Ngày 9.9, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa có công văn về việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và thu phí dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Theo công văn này, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người từ Đà Nẵng đến các địa phương khác đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thống nhất hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người từ TP.Đà Nẵng đến các địa phương.

Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xét nghiệm tác nhân Covid-19 có thu tiền đối với các trường hợp có nhu cầu từ Đà Nẵng đến các địa phương mà các địa phương này yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cùng ngày, UBND TP.Đà Nẵng cũng cho biết, Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế tham mưu UBND TP báo cáo Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng, chống Covid-19 về những biện pháp phòng, chống dịch mà Đà Nẵng đã thực hiện trong thời gian qua, kiến nghị BCĐ có hướng dẫn cụ thể cho UBND các tỉnh, thành trên cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân đến từ TP.Đà Nẵng một cách thống nhất, đảm bảo quy định và việc thực hiện xét nghiệm dịch vụ đối với các trường hợp cần thiết; hoàn thành trước ngày 10.9.

Việt Nam:

 Vietnam+: Thêm 5 bệnh nhân ở Quảng Nam và Đắk Lắk được công bố khỏi bệnh

(https://www.vietnamplus.vn/them-5-benh-nhan-o-quang-nam-va-dak-lak-duoc-cong-bo-khoi-benh/663079.vnp)

Sáng 9/9, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã công bố khỏi bệnh và cho xuất viện 4 bệnh nhân mắc COVID-19.

Bốn bệnh nhân này đều được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam gồm: Bệnh nhân 717 (44 tuổi, trú ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), bệnh nhân 982 (90 tuổi, trú ở thị xã Điện Bàn), bệnh nhân 729 (51 tuổi, trú ở huyện Thăng Bình) và bệnh nhân 883 (83 tuổi, trú ở thành phố Hội An).

Các bệnh nhân này đều có kết quả âm tính với COVID-19 sau 4 lần làm xét nghiệm. Sau khi xuất viện, 4 bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế và làm xét nghiệm 2 lần nữa trước khi kết thúc cách ly hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã điều trị khỏi và cho xuất viện được 75 bệnh nhân COVID-19, hiện còn 21 người đang tiếp tục được điều trị.

Cũng trong sáng 9/9, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ngành y tế Đắk Lắk đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân số 602 mắc COVID-19. Đây là ca bệnh có liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng và được điều trị hơn 1 tháng tại Đắk Lắk..

Pháp luật Hồ Chí Minh: Người từ vùng dịch đến Đắk Lắk phải tự cách ly

(https://plo.vn/suc-khoe/nguoi-tu-vung-dich-den-dak-lak-phai-tu-cach-ly-937296.html)

Ngày 9-9, ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh vừa có thông báo hủy kế hoạch đưa hàng trăm người ở Đà Nẵng về địa phương.

Trước đó, tỉnh Đắk Lắk lên kế hoạch bố trí 25 xe đón người dân đang sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng về. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã có văn bản về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi, đến TP Đà Nẵng kể từ 0 giờ ngày 7-9 nên Đắk Lắk hủy kế hoạch trên.

Người từ vùng dịch đến Đắk Lắk vẫn phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà trong vòng 14 này.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin Đà nẵng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thống nhất biện pháp chống Covid-19 với người đến từ địa bàn.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin Du lịch an toàn mùa dịch Covid-19.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT