Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông sáng 7-9
Đăng ngày 07-09-2020 09:38, Lượt xem: 98

Tính đến 18h ngày 6-9: Đã xác định được 11.621 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định); 15.967 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 6h00 ngày 7-9)

* Thế giới: 27.273.250 người nhiễm/ 887.404 người tử vong

* Việt Nam: 1.049 người/35 người tử vong/815 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng:

Tính đến 18h ngày 6-9: Đã xác định được 11.621 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định); 15.967 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).

Số cách ly hiện tại:

- Có 96 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế.

- Có 318 người đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.

- Không có người cách ly tại nhà.

Công tác xét nghiệm:

- Tính từ ngày 24/7/2020 đến nay: Số người được lấy mẫu xét nghiệm là 281.065 người.

- Về việc xét nghiệm cho đại diện các hộ gia đình chưa được lấy mẫu:

Bắt đầu lấy mẫu từ ngày 03/9/2020, đến 12 giờ 00 ngày 06/9/2020: Tổng cộng 48.943 người được lấy mẫu, trong đó 40.657 mẫu có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

II. Báo chí viết về Covid-19

Hôm qua và sáng hôm nay (7-9), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Báo Đà Nẵng: Thông tin trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19

 (https://baodanang.vn/ytesuckhoe/202009/thong-tin-truong-hop-benh-nhan-nghi-nhiem-covid-19-3703045/)

Chiều 6-9, Sở Y tế thành phố thông tin về trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 ngày 6-9 đã khám cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng vào lúc 18 giờ 15 ngày 5-9.

Cụ thể, bệnh nhân P.N.S (Giới tính: Nam. Sinh năm: 1954. Địa chỉ: 513 Lê Văn Hiến, tổ 41, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Nhập khoa cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng lúc: 18 giờ 15 ngày 5-9. Lý do vào viện: Sốt.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, ho dai dẳng do viêm phổi tắc nghẽn mạn tính lâu năm, bệnh nhân nằm tại chỗ, không di chuyển đã nhiều năm nay.

Ngày 29-6 đến ngày 5-7, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi Chức năng Đà Nẵng. Ngày 6-7 đến 12-7, bệnh nhân được điều trị tại khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng.

Từ 13-7 đến 13-8, bệnh nhân xuất viện về nhà. Bệnh nhân yếu, bị teo cơ chân nên chỉ nằm ở nhà. Không đi đâu hay tiếp xúc với ai ngoài gia đình.

Ngày 14-8 đến 18-8, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong thời gian này, bệnh nhân được Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu dịch hầu họng vào ngày 14-8 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CĐC) thành phố xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Chiều ngày 18-8 đến 29-8, bệnh nhân xuất viện về ở tại gia đình. Ngày 5-9, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho nên vào cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Lúc 19 giờ 30 ngày 5-9, bệnh nhân được Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, sáng ngày 6-9 cho kết quả dương tính.

Đến 6 giờ 00 ngày 6-9, Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp tục chuyển mẫu bệnh phẩm đã lấy lúc 19 giờ 30 ngày 5-9 đến CĐC thành phố xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.

Ngày 6-9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lại bởi kỹ thuật viên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (lúc 8 giờ 45) và kỹ thuật viên CDC (lúc 9 giờ 00) để gửi CDC xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cả 2 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.

Chiều ngày 6-9, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu làm xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và bằng phương pháp Mac Elisa, kết quả dương tính với kháng thể (nghĩa là trước đây cơ thể bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV2, còn hiện tại kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2).

Gia đình bệnh nhân hiện tại có 6 người. Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR của 6 người trong gia đình, 1 người em dâu của bệnh nhân và 3 người liên quan khác đều âm tính với SARS-CoV-2

Căn cứ kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể, nghĩa là trong quá khứ bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2; hiện tại kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2..

Vietnam+: Khôi phục máy bay, tàu hỏa, xe khách tới Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7/9

(https://www.vietnamplus.vn/khoi-phuc-hoat-dong-van-tai-di-den-da-nang-tu-0-gio-ngay-79/661508.vnp)

Chiều tối 6/9, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến thành phố Đà Nẵng.

Văn bản này được đưa ra nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi/đến thành phố Đà Nẵng của người dân phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đồng thời để tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ, hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách (ôtô, tàu hỏa, tàu bay, phương tiện thủy...) đi/đến thành phố Đà Nẵng để hoạt động vận tải trở lại bình thường.

Tuy nhiên, các đơn vị trên phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách đi/đến thành phố Đà Nẵng bao gồm đeo khẩu trang, khai báo y tế, khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm..

VTC: San sẻ yêu thương – Chung tay cùng người Đà Nẵng 'Vượt Dịch'

(https://vtc.vn/san-se-yeu-thuong-chung-tay-cung-nguoi-da-nang-vuot-dich-ar568235.html)

Đại dịch Covid lần thứ 2 quay lại Việt Nam và Đà Nẵng được xem là “chiến tuyến” chịu ảnh hưởng nặng nề và là “ổ dịch” COVID-19. Bắt đầu từ sáng ngày 27/7/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện việc giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng, để đảm bảo dịch không bị bùng phát và lan rộng.

UBND TP Đà Nẵng nhận định, với sự quay lại của dịch bệnh COVID-19 lần này đã làm cho đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người yếu thế không tạo ra được nguồn thu nhập trong mùa dịch.

Chính vì vậy, nhà nước và các cấp chính quyền cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho người dân Đà Nẵng vượt qua khó khăn mùa đại dịch lần này. Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều mạnh thường quân trong và ngoài thành phố, thậm chí là nước ngoài đã có những biện pháp hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: Chu cấp nhu yếu phẩm, cấp phát gạo qua máy ATM, phát khẩu trang cùng nhiều loại hàng hóa khác.

Gần 2 tháng từ khi dịch COVID-19 quay trở lại tại Đà Nẵng, chính quyền địa phương, ngành y tế tại đây đã tiếp nhận rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của các doanh nghiệp và mạnh thường quân. Đồng thời, các ngành, địa phương liên quan được bố trí dung dịch sát khuẩn mọi nơi, cũng như có lực lượng giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện phòng chống dịch hiệu quả. Tránh tình trạng người dân tụ tập, chen lấn để nhận quà gây mất trật tự và gia tăng khả năng dịch bùng phát.

Với những nghĩa cử cao đẹp của người dân trên mọi miền tổ quốc cùng hướng về Đà Nẵng, góp phần giúp người dân địa phương gặp khó khăn ổn định cuộc sống và vượt qua đại dịch thành công. Trong đó phải kể đến hoạt động xã hội của thương hiệu V9, trên tinh thần “tương thân tương ái” thì công ty này đã có những nghĩa cử chung tay, góp sức cùng thành phố Đà Nẵng vượt qua đại dịch COVID-19.

Tuổi Trẻ: Khách sạn ở Đà Nẵng mở cửa cho có... không khí

(https://dulich.tuoitre.vn/khach-san-o-da-nang-mo-cua-cho-co-khong-khi-20200906093530157.htm)

Chị Lê Phạm Như Minh - giám đốc khách sạn Như Minh Plaza (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - cho biết sau hơn 40 ngày đóng cửa, khách sạn bắt đầu mở cửa trở lại cho có... không khí và giải quyết việc làm cho một số lao động chứ không hi vọng đón được du khách tại thời điểm này. Bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các hoạt động vui chơi, giải trí, lữ hành chưa hoạt động trở lại...

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), các DN và điểm đến đã chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ từ sau đợt dịch trước, chỉ chờ dịch bệnh qua đi để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng đang bước vào mùa thấp điểm, kinh tế người dân đang rất khó khăn, nhu cầu vui chơi giải trí giảm mạnh, chưa kể nhiều người đã bị kẹt lại ở Đà Nẵng sau khi dịch bùng phát trở lại khiến du khách có tâm lý lo ngại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Hồng Hạnh - giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết do dịch bệnh dự báo sẽ kéo dài tới khi có vắcxin, ngành du lịch đang bàn cách khôi phục hoạt động theo hướng sống chung an toàn với dịch. Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy nhiều DN không vội hoạt động trở lại, bởi phải cân nhắc hiệu quả giữa việc mở cửa và chi phí vận hành, chưa kể du khách còn nhiều lo ngại, chưa dám trở lại Đà Nẵng trong những ngày sắp tới.

"Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch song song với phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo an toàn cho đội ngũ làm du lịch cũng như người dân. Trong đó, việc xây dựng tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch như khách đến phải khai báo y tế và thông tin cá nhân, quy trình hướng dẫn các khách sạn xử lý kịp thời với du khách bị phát hiện nhiễm COVID-19. Sở cũng sẽ tập hợp các kiến nghị của DN để đề xuất lên TP có giải pháp hỗ trợ" - bà Hạnh nói.

Thanh Niên: Ca nghi nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng: chờ kết quả xét nghiệm lần 4

(https://thanhnien.vn/thoi-su/ca-nghi-nhiem-trong-cong-dong-tai-da-nang-cho-ket-qua-xet-nghiem-lan-4-1275609.html)

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến 18 giờ chiều nay, 6.9, ca nghi nhiễm Covid-19 (nam, 64 tuổi, địa chỉ tại Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) vẫn chờ thêm kết quả xét nghiệm.

Bệnh nhân này có tiền sử điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (29.6 - 5.7) và khoa Lão, BV Đà Nẵng (6.7 - 12.7), có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 5.9.

Tuy nhiên, ngày 6.9, Trung tâm phòng chống bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm lại 2 lần, kết quả đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngành y tế Đà Nẵng đang làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định.

Việt Nam:

Tiền Phong: Quảng Nam giám sát y tế người về từ Đà Nẵng

(https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quang-nam-giam-sat-y-te-nguoi-ve-tu-da-nang-1717488.tpo)

Tối 6/9, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành Công văn số 5179 về việc biện pháp quản lý, giám sát y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, không có ca dương tính mới nhưng nguy cơ vẫn thường trực. Các ngành, các cấp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thống nhất biện pháp quản lý, giám sát y tế đối với người từ TP Đà Nẵng về và có lưu trú tại tỉnh Quảng Nam. Những người đã đến các địa điểm, mốc thời gian theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Đà Nẵng cần thực hiện tốt Thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thông điệp 5K gồm khẩu trang (đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly); Khử khuẩn (Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, vệ sinh các bề mặt/vật dụng hay tiếp xúc, giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng; Khoảng cách (Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác); Không tập trung đông người và Khai báo Y tế.

Ngoài ra, tự theo dõi sức khoẻ, lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 1 lần tại cơ sở y tế. Báo cáo ngay với Tổ Giám sát và Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng biết để giám sát.

Nếu phát hiện thấy các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, đau họng... phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn..

Zing: Kỷ luật 2 bác sĩ phát tán hồ sơ bệnh nhân nghi mắc Covid-19

(https://zingnews.vn/ky-luat-2-bac-si-phat-tan-ho-so-benh-nhan-nghi-mac-covid-19-post1128379.html)

Ngày 6/9, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết đơn vị đã kỷ luật cảnh cáo bác sĩ Võ Xuân Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Đắk Pơ), vì hành vi phát tán hồ sơ bệnh nhân nghi mắc Covid-19.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Thuân, Trưởng trạm Y tế xã Tân An (huyện Đắk Pơ), cũng kỷ luật khiển trách.

"Việc chụp lại bệnh án của bệnh nhân là sai quy định trong ngành y tế. Việc chia sẻ thông tin bệnh nhân khi chưa có kết quả xét nghiệm gây hiểu lầm, hoang mang dư luận", ông Mai Xuân Hải cho hay.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin Đà Nẵng thông tin trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin khôi phục máy bay, tàu hỏa, xe khách tới Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7/9.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT