Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông chiều 31-8
Đăng ngày 31-08-2020 16:28, Lượt xem: 54

Tính đến 16h ngày 31-8, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 380 ca; đồng thời ghi nhận thêm 1 ca tử vong mới.

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 14h00 ngày 31-8)

* Thế giới: 25.393.397 người nhiễm/ 850.669 người tử vong

* Việt Nam: 1.040 người/33 người tử vong/695 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng: Sáng 31-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 5 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi.

Tính đến 16h ngày 31-8, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; đồng thời ghi nhận thêm 1 ca tử vong mới.

II. Báo chí viết về Covid-19

Từ 7h30 đến 16h30 (31-8), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Cổng Thông tin điện tử thành phố: Xét nghiệm COVID-19 cho gần 11.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 (Tin đa phương tiện)

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40849&_c=100000150,3,9)

Ngày 31-8, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho gần 11.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đợt 2 tại Đà Nẵng.

Theo ghi nhận tại 24 điểm thi trong sáng 31-8, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm được diễn ra nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo các quy định giãn cách theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tại trường THPT Phan Châu Trinh, Ban tổ chức (BTC) đã bố trí 4 bàn đón tiếp, trong đó 3 bàn đón tiếp dành cho thí sinh và 1 bàn đón tiếp dành cho cán bộ coi thi.

Tại bàn đón tiếp sẽ thực hiện sát khuẩn, đo thân nhiệt và hướng dẫn thí sinh lên trên phòng thi. Thí sinh được giám thị phát giấy ghi thông tin xét nghiệm và phân luồng vào 3 khu vực lấy mẫu riêng biệt.

Thời gian quy định lấy mẫu xét nghiệm là từ 7 giờ 30 đối với các điểm thi lấy mẫu xét nghiệm buổi sáng, 13 giờ 30 đối với các điểm thi lấy mẫu xét nghiệm buổi chiều.

Sau đó, các thí sinh lần lượt được cán bộ, giáo viên gọi vào phòng làm thủ tục dự thi, về khu vực lấy mẫu xét nghiệm được bố trí 25 ghế nhựa/phòng, ngồi giãn cách đúng quy định của Bộ Y tế.

Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện theo hình thức gộp nhóm (5 thí sinh/ống xét nghiệm) để đảm bảo tính nhanh chóng, mau có kết quả. Lấy mẫu xong, thí sinh phải sát khuẩn tay và rời điểm thi.

Cổng Thông tin điện tử thành phố có bài đăng: Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang theo tình người Đà Nẵng trở về Sài Gòn (Tin đa phương tiện)

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40847&_c=100000150,3,9)

Sau hơn một tháng hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, sáng 31-8, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh chia tay Đà Nẵng, trở về lại Sài Gòn.

Trong buổi gặp mặt chia tay đoàn y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi buồn vì phải chia tay đoàn y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng vui vì mọi việc cơ bản đã ổn. Hiện tại, đã có bộ phận của Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, đảm nhiệm công việc ở Khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng như Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang – Bệnh viện dã chiến Hòa Vang”.

Thay mặt lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng và toàn thể người dân thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trân trọng ghi nhận, cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sĩ nói chung và các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng trong việc hỗ trợ thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

“Điều đáng trân trọng là hơn 1 tháng qua, các y bác sĩ đã làm việc trong môi trường nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Thế nhưng, các y bác sĩ không nề hà, không ngại nguy hiểm, cố gắng hết sức để cứu chữa các bệnh nhân. Đến nay, rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền nặng đã được chữa khỏi. Đây là niềm vui, là thành quả to lớn không chỉ của Đà Nẵng mà là của cả nước trong phòng, chống dịch. Thành quả này đã thể hiện sự chung tay, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cả ngành y tế”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

“Đến thời điểm này, các y bác sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng với Đà Nẵng và ngành Y tế của thành phố kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Điều mà các y bác sĩ để lại cho Đà Nẵng là tình cảm, trách nhiệm, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị cho các bệnh nhân nặng, đặc biệt là các kĩ thuật như ECMO đã được bác sĩ của Đà Nẵng tiếp nhận. Tình cảm, sự đóng của y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ ghi dấu trong lòng người dân thành phố, trong lịch sử của thành phố cũng như trong công tác phòng chống dịch”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.

Cũng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố có bài đăng: Xây dựng một lối sống văn hóa để có thể sống chung an toàn trong dịch bệnh

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40844&_c=100000150,3,9)

Đã hơn một tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng buộc cả thành phố phải trải qua thời kỳ cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh. Trong hơn một tháng đó, người Đà Nẵng đã phải đối diện với những khó khăn chồng chất khi nền kinh tế đóng băng, các hoạt động dịch vụ hầu như tê liệt, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh kiệt quệ và bao trùm lên tất cả là nỗi ám ảnh lo lắng vì dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn chạy đua hết tốc lực, làm việc trên 100% công suất để xét nghiệm truy vết, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. 

 Những ngày gần đây, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm bệnh giảm dần, vài ngày cuối tháng 8 này đã không còn những ca mắc mới. Tuy nhiên như PGS-TS Trần Như Dương, (Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương), đã khuyến cáo: “ Kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Nguồn lây là người lành mang trùng nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ tại một số nơi và sẽ vẫn là nguy cơ thường trực để lây nhiễm cho người xung quanh và có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào ở giai đoạn sau này”. Bài học về việc không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch vẫn còn nguyên giá trị không phải chỉ bây giờ mà còn những tháng, thậm chí những năm tiếp theo.

Dịch bệnh có thể được khống chế  nhưng cuộc chiến chống dịch chưa chấm dứt bởi nguy cơ tái dịch vẫn tiểm ẩn, nỗi lo dịch bệnh vẫn còn đó. Vậy nhưng thành phố thì không thể kéo dài việc đóng cửa, phong tỏa hay cách ly. Chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, để trẻ con đến trường, để xúc tiến đầu tư, mở rộng giao thương với thế giới, và đơn giản nhất là để mỗi người dân Đà Nẵng lại được đắm mình trong làn nước biển trong xanh mỗi sớm mai.

Cuộc chiến chống dịch được xác nhận sẽ còn kéo dài,  chúng ta buộc phải chung sống cùng dịch bệnh. Còn đó nỗi lo lắng dịch bệnh nhưng cũng không nên quá sợ hãi mà điều quan trọng nhất là phải làm sao để sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Giờ đây chúng ta đã biết trang bị cho mình những “vũ khí” hữu hiệu để có thể chung sống an toàn trong dịch bệnh. Những “vũ khí” đó là gì?   

Chính quyền thành phố đã và sẽ ban hành các văn bản hành chính quy định  các tiêu chí nhằm bảo đảm về một môi trường an toàn với dịch bệnh như trường học an toàn, Bệnh viện an toàn, công sở an toàn, chợ an toàn, giao thông an toàn … Việc tuân thủ các quy định đó sẽ là thứ “vũ khí” đầu tiên để mỗi người tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng.

Báo Đà Nẵng: Hỗ trợ 126 công dân tỉnh Đăk Nông trở về địa phương

(https://baodanang.vn/Da-Nang-qua-anh/202008/ho-tro-126-cong-dan-tinh-dak-nong-tro-ve-dia-phuong-3701016/)

Chiều 31-8, tại khu vực Quảng trường 29-3 (quận Hải Châu), UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức đón hơn 126 công dân của tỉnh này trở về địa phương.

Ông Trần Xuân Cảnh, Phó trưởng phòng Lao động-việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đăk Nông cho biết, tính đến thời điểm 13 giờ ngày 31-8, đã có 126 công dân của tỉnh này đăng ký trở về địa phương. Phần lớn là học sinh, sinh viên, còn lại là người lao động và nhiều trẻ em.

Đoàn xe đưa công dân từ thành phố Đà Nẵng trở về tỉnh Đăk Nông gồm 9 xe chở công dân, 1 xe hậu cần và 1 xe dự phòng. Tỉnh cũng phân công đội ngũ y tế, công an, quân đội đi theo hỗ trợ đoàn, đặc biệt trong các trường hợp công dân trên xe có sự cố về sức khỏe.

Số lượng người ngồi trên mỗi xe chỉ bố trí bằng 50% số ghế trên xe, thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi về đến địa phương, các công dân nói trên được đưa vào cách ly tập trung 14 ngày theo quy định tại khu cách ly thuộc Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, an ninh (xã Trường Xuân, huyện Đăk Song) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Nông.

Trước đó, UBND tỉnh Đăk Nông đã có công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh này làm đầu mối, phối hợp ngành chức năng thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án đưa công dân của tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong thời điểm có dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 1-9 đến ngày 7-9, các tỉnh: Phú Yên, Quảng Bình, Hải Dương, Lâm Đồng sẽ đón công dân từ Đà Nẵng trở về địa phương. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có yêu cầu thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xét nghiệm cho công dân..

Nhân Dân: Ca bệnh Covid-19 thứ 33 tử vong

(https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/ca-benh-covid-19-thu-33-tu-vong-615014/)

Chiều 31-9, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong thứ 33 tại Việt Nam liên quan Covid-19 và có bệnh lý nền nặng.

Bệnh nhân tử vong là 742 (BN 742), nam, 69 tuổi, địa chỉ tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Bệnh nhân có tiền sử suy tim, rung nhĩ, đái tháo đường type 2, suy thận mạn.

Sáng 31-8, bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển do Covid-19, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục, nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân suy tim, rung nhĩ, đái tháo đường type 2, suy thận mạn.

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 33 ca tử vong và hầu hết là những người cao tuổi, có bệnh lý nền nặng..

Pháp luật Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nặng 416 đã 3 lần liên tiếp âm tính với COVID-19

(https://plo.vn/dich-covid-19/benh-nhan-nang-416-da-3-lan-lien-tiep-am-tinh-voi-covid19-935500.html)

Sáng 31-8, Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia tay TP Đà Nẵng để về TP.HCM sau hơn một tháng “chia lửa” với Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Tại buổi chia tay, bác sĩ (BS) Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về tình hình BN416.

Theo BS Linh, Hội đồng chuyên môn Quốc gia đánh giá bệnh nhân 416 (bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng trong đợt dịch thứ hai –PV) là trường hợp phức tạp. Bệnh nhân nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân phi công người Anh số 91. Tuy nhiên, đến nay, bệnh nhân đã ba lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì bệnh nhân đã hết COVID-19.

“Quan trọng giai đoạn này là điều trị bệnh nền cho bệnh nhân cũng như điều trị di chứng do bệnh nhân nằm lâu, kéo dài. Đáng mừng là bệnh nhân đã hết COVID-19 nên việc chăm sóc có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân có bệnh lý quá nặng, trong thời gian tới sẽ rất nhiều khó khăn. Cần thời gian rất dài để điều trị cho bệnh nhân 416”- BS Linh cho hay.

BS Linh cho biết gần đây, Bộ Y tế đã triển khai nhanh và đưa ra các tiêu chuẩn rất khắt khen trong việc đảm bảo an toàn các tiêu chí cho bệnh viện trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19. Mục đích là làm sao hạn chế, cố gắng không để xảy ra dịch bệnh tại bệnh viện, bởi đây là nơi điều trị của rất nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. 

"Hiện có hơn 30 bệnh nhân đã tử vong, hầu hết là do bệnh lý nền, dù mình đã tập trung mọi nguồn lực, tập trung kiến thức và trình độ chuyên môn của quốc gia thông qua các cuộc hội chẩn trực tuyến. Thực sự chúng tôi rất đau, lực bất tòng tâm" - BS Linh nói.

VOV: Tặng 2.500 thùng sữa tươi cho công nhân môi trường, nhân viên 115 Đà Nẵng

(https://vov.vn/tin-24h/tang-2500-thung-sua-tuoi-cho-cong-nhan-moi-truong-nhan-vien-115-da-nang-1089848.vov)

Sáng nay (31/8), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Công ty sữa Cô gái Hà Lan Việt Nam trao 2.500 thùng sữa tươi tặng công nhân môi trường, nhân viên Trung cấp cứu 115 Đà Nẵng. Đây một trong những hoạt động của chương trình “Sẻ chia yêu thương - Ấm tình phụ nữ Đà Nẵng” do Hội Phụ nữ TP Đà Nẵng phát động.

Nhằm chung tay phòng chống dịch Covid-19, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phát động Chương trình “Sẻ chia yêu thương - Âm tình phụ nữ Đà Nẵng”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ chia sẻ, hỗ trợ các lực lượng tuyến đấu chống dịch và phụ nữ hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã trao 2.500 thùng sữa tươi Cô gái Hà Lan, trị giá hơn 800 triệu đồng, tặng các lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đấu chống dịch..

Việt Nam:

VTC: Ảnh hưởng dịch COVID-19, chợ vàng mã TP.HCM đìu hiu giữa tháng 'cô hồn

(https://vtc.vn/anh-huong-dich-covid-19-cho-vang-ma-tphcm-diu-hiu-giua-thang-co-hon-ar567062.html)

Hàng năm, cứ vào tháng 7 Âm lịch, Quận 5 và Quận 11 - nơi có các tuyến phố là "thủ phủ vàng mã" lại tấp nập người mua, kẻ bán.

Thế nhưng năm nay, ghi nhận của PV VTC News ngày 31/8 (nhằm 13/7 Âm lịch), lần đầu tiên trong lịch sử, nơi được gọi là thủ phủ của hàng hoá "cõi âm" lại đìu hiu chưa từng thấy trong chính ngày cận kề Rằm tháng 7.

Theo các tiểu thương tại chợ Thiếc Sài Gòn (Quận 11), lượng khách năm nay giảm hơn một nửa so với các năm trước. Những người ghé mua vàng mã cũng chắt chiu hơn, không còn "vung tiền" như những tháng cô hồn trước đây.

Các mẫu mã như: Nhà lầu, xe hơi, điện thoại iPhone đời mới, đồng hồ, quần áo hay túi xách hàng hiệu... được thiết kế bắt mắt, nhiều màu sắc. Song, tất cả đều ám bụi do không có người ghé mua.

"Mai là Rằm rồi mà lượng khách chị thấy đấy, heo hút chưa từng có. Năm ngoái, tới thời điểm này là tôi phải kêu mấy đứa nhỏ con bà dì tới bán phụ vì khách quá đông, nhưng năm nay, một mình tôi ngồi cả ngày có khi chẳng có ai đến hỏi mua", chị Phượng - tiểu thương bán hàng mã tại chợ Thiếc Sài Gòn buồn bã.

Tiền phong: Bắt đầu thu phí cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 9/2020

(https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bat-dau-thu-phi-cach-ly-nguoi-nhap-canh-vao-viet-nam-tu-thang-92020-1714152.tpo)

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 313/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc (theo danh sách của Đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị) được sớm giải quyết việc nhập cảnh, thực hiện chuyến công tác ngắn ngày tại Việt Nam và đồng thời xem xét, giải quyết cụ thể với các nhà đầu tư khác nếu có yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2020; trước hết, chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bố trí các cơ sở cách ly đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam: Đồng ý mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí. Giao Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn gấp để thực hiện: Từ ngày 1/9/2020 thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Khoản 2 Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về hỗ trợ an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói an sinh xã hội giai đoạn 2 bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ. Các địa phương chủ động các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng trợ giúp xã hội bị ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19.

Zing: Quảng Nam khử khuẩn trường học trước kỳ thi tốt nghiệp

(https://zingnews.vn/quang-nam-khu-khuan-truong-hoc-truoc-ky-thi-tot-nghiep-post1126086.html)

Sáng 31/8, Trung tâm y tế TP Hội An (Quảng Nam) thực hiện phun khử khuẩn với 4 trường THPT trên địa bàn, trước đợt thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đợt thi này, Quảng Nam có 9.065 thí sinh tham gia..

Hóa chất được sử dụng là Cloramin B có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn. Hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn rộng nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

Tại trường THPT Trần Quý Cáp, ngành y tế TP Hội An bố trí 3 máy phun Cloramin B. Các nhân viên phun thuốc toàn trường, phòng học, để đảm bảo an toàn.

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm y tế TP Hội An, cho biết các điểm thi có 2 người giám sát phun khử khuẩn. Các nhân viên phun thuốc mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin xét nghiệm COVID-19 cho gần 11.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin bắt đầu thu phí cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 9/2020.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT