Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông sáng 31-8
Đăng ngày 31-08-2020 07:11, Lượt xem: 18

Tính đến 18h ngày 30-8: Đã xác định được 11.621 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định); 15.892 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 6h00 ngày 31-8)

* Thế giới: 25.373.482 người nhiễm/ 850.047 người tử vong

* Việt Nam: 1.040 người/32 người tử vong/695 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng:

Tính đến 18h ngày 30-8: Đã xác định được 11.621 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định); 15.892 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định).

Số cách ly hiện tại:

- Có 238 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế.

- Có 1.093 người đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.

- Có 13.192 người cách ly tại nhà.

Công tác xét nghiệm: Tính từ ngày 24/7/2020 đến nay: Số người được lấy mẫu xét nghiệm là 224.022 người.

- Xét nghiệm người nước ngoài trên địa bàn: Lấy mẫu: 5.713 trường hợp, đã có kết quả: 5.713 mẫu âm tính.

- Tình hình truy vết F1 liên quan đến Đám tang của bệnh nhân số 1040 tại thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang: Tổng số F1đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm là 97 trường hợp. kết quả: có 82 mẫu âm tính, 15 trường hợp chưa có kết quả.

- Bệnh viện 199 đã lấy mẫu xét nghiệm 48 người tại Khoa bệnh nhân số 1040 từng điều trị (bao gồm 25 nhân viên y tế, 10 bệnh nhân và 13 người nhà), kết quả đều âm tính.

II. Báo chí viết về Covid-19

Hôm qua và sáng hôm nay (31-8), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Cổng Thông tin điện tử thành phố: Chuyện chưa kể về những người thầm lặng hỗ trợ du khách

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40834&_c=100000150,3,9)

Ngày 30-8, Trung tâm xúc tiến du lịch phối hợp Trung tâm hỗ trợ du khách Đà Nẵng giới thiệu video "Chuyện chưa kể về những người thầm lặng hỗ trợ du khách" - Những người không quản ngày đêm để kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ 1.453 du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng, trở về Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trên 7 chuyến bay trong hai ngày 13 và 14/8.

Hành khách trên các chuyến bay này là khách du lịch bị kẹt lại do Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, đa phần nhiều trẻ em. Các hành khách và phi hành đoàn sau đó phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định. Đặc biệt, tất cả các chuyến bay đều phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cao nhất của cơ quan quản lý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) bảo đảm an toàn sức khoẻ cho hành khách, phi hành đoàn trước, trong và sau khi thực hiện chuyến bay.

Ngay sau khi trở về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách đã xúc động chia sẻ về kỳ nghỉ đáng nhớ này: "Cảm ơn các bạn Trung tâm Hỗ trợ Du khách Đà Nẵng, các bạn đã mang đến cho tôi sự ấm áp, thân thiện và an tâm trong những ngày bị mắc kẹt tại Đà Nẵng khi giãn cách xã hội. Thành phố đáng sống khi có những con người nhiệt huyết, chúc các bạn luôn giữ vững niềm tin và Đà Nẵng sẽ sớm vượt qua cuộc chiến này. Hẹn gặp lại Đà Nẵng vào một ngày yên bình không xa."

Những gì Đà Nẵng níu chân du khách không phải chỉ là cảnh đẹp, ẩm thực, hay những gì mà người ta thường nói. Đó còn chính là tình người, tình yêu thương… một giá trị vô hình không thể nào đong đếm hết được.

Cổng Thông tin điện tử thành phố có bài đăng: Nhân rộng sáng kiến phòng chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40827&_c=100000150,3,9)

Nhằm chung tay với các cấp chính quyền, nhân dân thành phố phòng chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất.

Là doanh nghiệp có trên 2.500 công nhân, ngay từ khi UBND thành phố có chủ trương thực hiện giãn cách xã hội, Ban Lãnh đạo Công ty TNHH Daiwa Việt Nam đã lập tức kích hoạt trở lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động (NLĐ) theo phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu kép là vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo như đo thân nhiệt, bịt khẩu trang, xịt khuẩn cho NLĐ trước khi vào làm việc, Ban lãnh đạo công ty đã chủ động chia lệch thời gian hoạt động của các bộ phận, tránh tập trung đông tại nơi làm việc, đảm bảo khoảng cách giữa các công nhân trong phân xưởng. Đồng thời, thực hiện khử trùng toàn bộ diện tích 60.000 m2 nhà xưởng 01 lần mỗi tuần.

Nhằm đảm đảo duy trì giãn cách ở mức cao nhất, Công ty cũng đã chia thời gian ăn trưa thành 06 đợt, mỗi đợt khoảng 100 người trong nhà ăn có sức chứa 700 người. Mỗi bàn ăn đều được lắp tấm che cách ly, NLĐ được quán triệt không trao đổi khi ăn trưa, hạn chế tối đa tiếp xúc. Trước khu vực căn tin có lắp bảng hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, công ty cũng thực hiện phát trên loa tuyên truyền ngay trước giờ nghỉ để nhắc nhở NLĐ nghiêm túc thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty cho biết: “Ban lãnh đạo nhà máy thực hiện giám sát chặt chẽ, nghiêm túc các tờ khai y tế của hơn 2.700 NLĐ khai hàng ngày cộng với đo thân nhiệt. Nếu phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu bất thường, Công ty sẽ cho nghỉ để cách ly theo dõi”.

Cũng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố có bài đăng: Tấm lòng của người lính

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40832&_c=100000150,3,9)

Lúc 13h30 ngày 30-8, Câu lạc bộ Máu nóng Hiểu và Thương thông tin về trường hợp bệnh nhi Nguyễn Trường Sơn, điều trị tại tầng 10 bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng trong tình trạng khẩn cấp, rất nguy kịch, cháu bị xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc răng miệng nhiều, cần gấp đơn vị tiểu cầu, Máu B.

Ngay khi nhận được thông tin, Thượng uý Hà Anh Vũ, Bí thư chi đoàn Công an phường Hải Châu 2 đã lập tức liên lạc với gia đình và đề nghị được hiến tiểu cầu cho cháu giúp cháu bé. Thượng úy Vũ báo cáo chỉ huy đơn vị và ngay lập tức có mặt tại Bệnh viện Phụ sản nhi để hiến tiểu cầu trực tiếp cho cháu bé.

Nhận được sự giúp đỡ của chú Công an trong ngày chủ nhật, anh Thịnh ba cháu Sơn đã không cầm được nước mắt, gửi lời cảm ơn chân thành đến Thượng úy Hà Anh Vũ, gia đình và toàn thể lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng luôn khoẻ mạnh, giúp nhân dân vượt qua đại dịch.

Thượng úy Vũ tâm sự, khi biết tin về cháu bé, không một phút chần chừ, anh xin phép chỉ huy rồi đi ngay. Cứu được cháu trong lúc nguy kịch là nhiệm vụ, trách nhiệm của người lính. anh nhớ mãi câu nói của người cha cháu bé: “Chú mong sao đừng có ai hiến nữa, để con chú được khoẻ mạnh về nhà”.

"Mong cháu bé mau khỏe để về đi học, vì năm học mới sắp bắt đầu rồi. Bước ra khỏi bệnh viện, vội vã ra về để tiếp tục nhiệm vụ tại đơn vị, sao thấy khoé mắt cay cay!", Thượng úy Vũ chia sẻ.

Báo Đà Nẵng: Đã hỗ trợ hơn 127 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do Covid-19

(https://baodanang.vn/channel/5399/202008/da-ho-tro-hon-127-ty-dong-cho-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-covid-19-3700971/)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về kết quả chi trả cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 25-8.

Theo đó, đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ:

Tổng số đối tượng chi trả 116.966 người, với tổng kinh phí 124.251.600.000 đồng. Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng: đã chi 14.045/14.045 người, với tổng số tiền là 21.067.500.000 đồng.

Đối tượng bảo trợ xã hội: đã chi 26.560/26.605 người, với tổng số tiền 39.827.500.000 đồng, còn 45 trường hợp đã gửi thông báo nhiều lần nhưng chưa nhận do ra khỏi thành phố chưa về nhận.

Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: đã chi 52.763/52.772 người, với tổng số tiền 39.572.250.000 đồng, còn 9 trường hợp do ra khỏi thành phố chưa về nhận.

Người lao động: 23.598 người đã có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí chi trả với tổng số tiền 23.784.350.000 đồng; trong đó đã chi trả cho 18.761 người với số tiền 19.045.500.000 đồng, đạt khoảng 80% tổng số lượng người và số tiền được chi trả.

Đối tượng đặc thù của thành phố theo Nghị quyết 298/NQ-HĐND ngày 22-5-2020 của HĐND thành phố Đà Nẵng:

Tổng số đối tượng 2.528 người với tổng kinh phí 3.240.000.000 đồng. Trong đó, đối tượng người có công cách mạng đã chi 191/191 người, với kinh phí là 289.000.000 đồng. Người lao động (giáo viên, nhân viên..): đã chi 595 người, với kinh phí 591.000.000 đồng.

Đối tượng xã hội khác: đã chi 1.742/1795 người, kinh phí 2.360.800.000 đồng, còn 53 trường hợp đã gửi thông báo nhiều lần nhưng chưa nhận do đi khỏi thành phố chưa về.

Pháp luật Hồ Chí Minh: Đà Nẵng: Kết quả xét nghiệm hơn 5.700 người nước ngoài

 (https://plo.vn/dich-covid-19/da-nang-ket-qua-xet-nghiem-hon-5700-nguoi-nuoc-ngoai-935396.html)

Tối 30-8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho hay đã lấy mẫu xét nghiệm 5.713 người nước ngoài trên địa bàn.

Kết quả, tất cả 5.713 trường hợp đều âm tính với virus SARS-CoV-2...

Tính từ ngày 24-7 đến nay, số người được lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng là 224.022 người.

Về tình hình truy vết F1 liên quan đến đám tang của bệnh nhân 1040 (thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), tổng số F1 đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm là 97 trường hợp.

Kết quả, có 82 mẫu âm tính, 15 trường hợp chưa có kết quả.

Bệnh viện 199 - Bộ Công an - đã lấy mẫu xét nghiệm 48 người tại khoa bệnh nhân 1040 từng điều trị (25 nhân viên y tế, 10 bệnh nhân và 13 người nhà), kết quả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Thanh Niên: BN Covid-19 687 hết bệnh hành động 'cực đặc biệt' khi quay lại bệnh viện dã chiến

(https://thanhnien.vn/doi-song/bn-covid-19-687-het-benh-hanh-dong-cuc-dac-biet-khi-quay-lai-benh-vien-da-chien-1272705.html)

Ngay trong ngày đầu tiên được chính thức tái hòa nhập cộng đồng, BN 687 đã cùng những người bạn của mình trở lại BV dã chiến Hòa Vang để cảm ơn các y, bác sĩ bằng những món quà thật đặc biệt.

Đó là buồng khử khuẩn và hàng ngàn lít dung dịch sát khuẩn do BN 687 và các bạn anh tự nghiên cứu, sản xuất và chế tạo.

Trước đó, vào ngày 4.8. anh Mai Anh Đức (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nhận thông báo chính thức, trở thành  bệnh nhân Covid-19 (BN) 687. Anh được đưa vào điều trị cách ly tại BV dã chiến Hòa Vang Đà Nẵng. Trong những ngày điều trị tại đây, bên cạnh nỗ lực nâng cao thể trạng chống lại bệnh Covid-19, anh Đức còn tỉ mỉ quan sát những điều kiện cần và đủ cho một môi trường điều trị đặc biệt, dành cho BN Covid-19.

“Tôi nhìn thấy được vấn đề các y, bác sĩ đặc biệt lưu tâm đó là kiểm soát nhiễm khuẩn. Một lượng lớn dung dịch sát khuẩn bề mặt, sát khuẩn tay, đồ dùng được sử dụng hàng ngày, cho một lượng lớn con người ở đây. Tôi ấp ủ mong muốn chế tạo dung dịch sát khuẩn, cũng liên quan đến công việc chuyên môn mà tôi đang làm. Tôi muốn làm một cái gì đấy để cảm ơn, động viên và góp phần bảo vệ y, bác sĩ cũng như bệnh nhân Covid-19”, anh Đức tâm sự.

Nghĩ là làm, ngay từ khi còn đang điều trị tại BV dã chiến Hòa Vang, cho đến khi tự cách ly 14 ngày tại nhà, anh Đức đã lập Team 687, với nỗ lực chế tạo dung dịch sát khuẩn tặng bệnh viện. Khi chia sẻ tâm nguyện lên mạng xã hội, BN 687 đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người bạn...

Từ xưởng nhà anh, hơn 8 ngàn lít dung lịch sát khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn sát khuẩn là 99,9% do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xác nhận, đã lần lượt được sản xuất và mang đi tặng khắp nơi ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Từ các BV đến các khu cách ly, rồi chợ truyền thống, các chốt phòng chống dịch...

Tuổi Trẻ: Thi tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng: Dùng máy để khử khuẩn tất cả bài thi

(https://tuoitre.vn/thi-tot-nghiep-thpt-o-da-nang-dung-may-de-khu-khuan-tat-ca-bai-thi-20200830104323538.htm)

Sáng 30-8, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ra thông báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP Đà Nẵng.

Tất cả các điểm thi đã được trang bị đầy đủ vật tư y tế đảm bảo phòng chống dịch. Công tác sát khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng dịch… sẽ hoàn tất trước 17h ngày 30-8 để sẵn sàng đón thí sinh đến xét nghiệm trong ngày 31-8.

Vào ngày 26-8, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức xét nghiệm cho 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên, công an… làm công tác in sao đề thi, kết quả 100% âm tính, bộ phận này đã bắt đầu làm việc từ ngày 28-8.

Ngày 31-8, tổ chức xét nghiệm cho gần 11.000 thí sinh.

Ngày 1-9, xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, y tế, bảo vệ, phục vụ, thanh tra… tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi. Các bộ phận làm phách, chấm thi sẽ tiến hành xét nghiệm 2 ngày trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Sở GD-ĐT đã quán triệt tất cả thí sinh và những người làm công tác thi sau khi xét nghiệm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ di chuyển khi theo lịch thi và lịch làm nhiệm vụ của kỳ thi.

Cũng theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Sở Y tế đã cung cấp đầy đủ vật tư y tế, nước sát khuẩn, nước sát khuẩn bề mặt, khẩu trang… cho tất cả các điểm thi, tất cả thí sinh và những người tham gia vào các khâu của kỳ thi.

Thí sinh và những người làm công tác thi khi đến cổng điểm thi phải đảm bảo giãn cách, gỡ bỏ khẩu trang mang từ nhà đến điểm thi, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang mới do điểm thi cấp, được đo thân nhiệt mới tiến hành các công việc tiếp theo.

Toàn thể những người tham gia vào các khâu của kỳ thi và tất cả thí sinh tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Cuối mỗi buổi thi, bộ phận phục vụ sẽ lau sát khuẩn bề mặt tất cả các phòng thi, bàn ghế, các khu vực khác của điểm thi; xử lý rác thác y tế (khẩu trang, giấy lau) theo hướng dẫn của ngành môi trường.

Việt Nam

Vietnam+: Thủ tướng: Dần hình thành nếp sống trong điều kiện có dịch bệnh

(https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-dan-hinh-thanh-nep-song-trong-dieu-kien-co-dich-benh/660304.vnp)

Ngày 29/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 313/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 27/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với các giải pháp đồng bộ, phù hợp, kịp thời (như bắt buộc đeo khẩu trang, khoanh vùng và cách ly, truy vết và xét nghiệm trên diện rộng, xử lý các vi phạm…), đặc biệt đã thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt ở phạm vi phù hợp.

Đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi quốc gia, là kết quả đáng mừng, thể hiện đóng góp, cố gắng lớn và trách nhiệm cao của các ngành, các cấp và nhân dân, nhất là tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương, Đăk Lắk, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng.

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, ngành y tế đã lập lực lượng tiền phương, cử cán bộ y tế hỗ trợ dập dịch tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao, gửi lời thăm hỏi và cảm ơn các cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ, nhất là những người ở tuyến đầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa qua.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch, mục tiêu kép cũng bước đầu được thực hiện tốt, tích cực thúc đẩy đầu tư công, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, không được chủ quan trong nhận thức và hành động, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn được giao, chủ động, linh hoạt quyết định các vấn đề đặt ra trong thực hiện mục tiêu kép trên địa bàn.

Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng.

Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc..

VOV: Hơn 340 công dân được cách ly tại Bạc Liêu và Bến Tre

(https://vov.vn/xa-hoi/hon-340-cong-dan-duoc-cach-ly-tai-bac-lieu-va-ben-tre-1089711.vov)

Chiều 30/8, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đón chuyến bay của hãng Hàng không VietNam Airline đưa 342 công dân Việt Nam từ Macao (Trung Quốc) về nước. Sau khi máy bay hạ cánh an toàn, các công dân trên chuyến bay được kiểm tra sức khỏe và được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 9 đưa về khu cách ly tập trung theo quy định.

Công dân trên chuyến bay về nước gồm trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, lao động hết hạn hợp đồng, người đi du lịch bị mắc kẹt và những trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt hành trình bay. Ngay sau khi hạ cánh, tất cả công dân được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 9 điều 23 xe ô tô để đưa về khu cách ly tại Bạc Liêu và Bến Tre. Trong đó, 170 công dân được đưa về cách ly tại Bạc Liêu; các công dân còn lại về khu cách ly tại tỉnh Bến Tre theo quy định.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ luôn đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 như: Dán thông báo, hướng dẫn hành khách tuân theo quy định phòng dịch; bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại các quầy thủ tục, cửa ra vào ga... Trong thời gian tới, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ đón thêm những chuyến bay đưa công dân về nước theo nguyên vọng. Tất cả các chuyến bay đều được đảm bảo y tế theo tiêu chuẩn cao nhất.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 127 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin dần hình thành nếp sống trong điều kiện có dịch bệnh.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT