Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông chiều 30-8
Đăng ngày 30-08-2020 16:41, Lượt xem: 38

* Đà Nẵng: Sáng 30-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 3 bệnh nhân mắc COVID-19, chiều 30-8, Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 14 bệnh nhân mắc COVID-19.

Tính đến 16h ngày 30-8, Đà Nẵng không ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19 mới, số ca mắc hiện tại là 380 ca.

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 14h00 ngày 30-8)

* Thế giới: 25.182.313 người nhiễm/ 846.936 người tử vong

* Việt Nam: 1.040 người/32 người tử vong/677 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng: Sáng 30-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 3 bệnh nhân mắc COVID-19, chiều 30-8, Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 14 bệnh nhân mắc COVID-19.

II. Báo chí viết về Covid-19

Từ 7h30 đến 16h30 (30-8), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Báo Đà Nẵng: Hội đồng thi tốt nghiệp THPT hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm SARS CoV-2

(https://baodanang.vn/channel/5411/202008/hoi-dong-thi-tot-nghiep-thpt-huong-dan-cac-bien-phap-phong-ngua-lay-nhiem-sars-cov-2-3700953/)

Sáng 30-8, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 thành phố Đà Nẵng (gọi tắt Hội đồng thi) Lê Thị Bích Thuận cho biết, Hội đồng thi vừa ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Theo Chủ tịch Hội đồng thi Lê Thị Bích Thuận, nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh và tất cả những người tham gia vào các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, trên cơ sở khuyến cáo của Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng thi thành phố Đà Nẵng yêu cầu trưởng các ban, trưởng các điểm thi của Hội đồng thi quán triệt thí sinh và những người tham gia vào các khâu của kỳ thi thực hiện nghiêm túc các nội dung theo các quy định về phòng, chống Covid-19.

Cụ thể, về khai báo y tế: Đối với thí sinh, được cán bộ coi thi hướng dẫn khai tờ khai tại phòng làm thủ tục dự thi khi thí sinh làm thủ tục và học Quy chế thi (chiều 2-9); cán bộ coi thi thu tờ khai lưu tại điểm thi, trưởng điểm thi nộp toàn bộ tờ khai về Ban Thư ký cùng với bài thi vào cuối buổi thi cuối cùng.

Đối với lãnh đạo, thư ký, cán bộ giám sát, cán bộ coi thi, công an, bảo vệ, phục vụ, y tế, thanh tra…: tiến hành khai tờ khai trong buổi họp chính thức đầu tiên của điểm thi (sáng 2-9); trưởng điểm thi thu tờ khai lưu tại điểm thi, nộp về về Ban Thư ký cùng với bài thi vào cuối buổi thi cuối cùng.

Về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chung, Hội đồng thi yêu cầu: Đối với thí sinh, phụ huynh đưa, đón thí sinh dừng xe cách cổng điểm thi tối thiểu 50m, không được tập trung đông người quanh khu vực điểm thi. Thí sinh sau khi được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 hoặc kết thúc mỗi buổi thi mới liên hệ phụ huynh đến đón.

Thí sinh tự đi xe đến điểm thi được lực lượng tình nguyện hướng dẫn vào khu vực để xe, sau đó vào bàn tiếp đón. Thí sinh vào cổng điểm thi, được lực lượng tình nguyện hướng dẫn vào bàn tiếp đón. Cán bộ, nhân viên đưa xe vào khu vực để xe, sau đó vào bàn tiếp đón.

Giáo dục – Thời đại: Đà Nẵng: Bắt tạm giam 2 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy trong thời gian giãn cách xã hội

 (https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/da-nang-bat-tam-giam-2-doi-tuong-to-chuc-su-dung-ma-tuy-trong-thoi-gian-gian-cach-xa-hoi-4Stf6zvMg.html)

Ngày 30/8, Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 đối tượng Trần Kim Trọng Tín (26 tuổi, trú Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) và Phạm Bá Hào (32 tuổi, trú Hòa Khê, quận Thanh Khê) cùng về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo hồ sơ điều tra, vào ngày 9/8, mặc dù đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng Tín, Hào cùng 4 người khác tụ tập vào hát tại phòng VIP 6 của quán karaoke Không Gian Xưa (402 Điện Biên Phủ, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê).

Trong thời gian hát karaoke, Tín đã khởi xướng rủ mọi người mua ma túy về sử dụng. Khi mọi người trong phòng đồng ý, Tín đã đặt mua 3 viên thuốc lắc, 1 chỉ ketamine trị giá gần 3 triệu đồng từ một người không rõ lai lịch để cùng nhau sử dụng. Sau đó, Tín có đưa cho Hào và Hào đưa sang một cô gái khác để sử dụng.

Đến 22 giờ 30 cùng ngày, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Đội cảnh sát hình sự (Công an quận Thanh Khê) phối hợp cùng Công an phường Thanh Khê Đông ập vào kiểm tra phòng karaoke nói trên kiểm tra và phát hiện cả 6 người trong phòng lúc này đều dương tính với ma túy.

Kiểm tra tại cơ sở, cơ quan công an còn phát hiện 2 phòng khác có 15 người dương tính với ma túy.

Công an quận đã đề xuất UBND quận Thanh khê xử phạt tổng cộng 40 triệu đồng với hai hành vi là không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và để người khác lợi dụng sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi quản lý.

Cơ quan công an còn đề nghị xử phạt 24 người tụ tập hát karaoke tại quán với mức phạt 10 triệu đồng mỗi người vì cố ý tụ tập trong thời gian giãn cách xã hội..

Zing: Phong tỏa thôn có bệnh nhân Covid-19 tử vong

(https://zingnews.vn/phong-toa-thon-co-benh-nhan-covid-19-tu-vong-post1125822.html)

Thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, bị phong tỏa trong ngày 29/8, với 4 chốt chặn lối ra vào.

Chỉ có trường hợp cần thiết, người dân trong thôn mới được ra ngoài khu vực phong tỏa khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng dịch. Thôn Thạch Bồ có hơn 120 hộ, với khoảng 500 người.

Trước đó, bệnh nhân 1.040 điều trị nhiều bệnh lý tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an). Sáng 27/8, ông được lấy mẫu xét nghiệm. Khuya cùng ngày, bệnh nhân tử vong, được tổ chức đám tang tại nhà. Đến ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thông báo ông dương tính với SARS-CoV-2.

Nhiều người tỏ ra thận trọng sau thông tin về bệnh nhân 1.040 được loan báo.

Người lao động: Vụ tổ chức đám tang cho bệnh nhân Covid-19 Đà Nẵng: "Là sự cố rủi ro ngoài ý muốn"

(https://nld.com.vn/suc-khoe/vu-benh-nhan-covid-19-da-nang-to-chuc-dam-tang-la-su-co-rui-ro-ngoai-y-muon-20200830123000543.htm)

Ngày 30-8, bác sĩ Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (trực thuộc Bộ Công an  - đóng tại TP Đà Nẵng) cho biết Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với bệnh viện về trường hợp bệnh nhân 1040.

Trả lời Báo Người Lao Động, bác sĩ Pháp cho hay sự cố bệnh nhân 1040 là "rủi ro ngoài ý muốn" trong phòng chống dịch Covid-19. Bệnh viện này sẽ xem xét để rút kinh nghiệm vấn đề xử lý kết quả xét nghiệm cho các bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Theo bác sĩ Pháp, ngày 13-8, Khoa Hồi sức của Bệnh viện 199 tiếp nhận bệnh nhân (ông T.P.H, SN 1965, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từ Bệnh viện Đà Nẵng. Lúc này bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần gần nhất là vào ngày 9-8 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 14-8, Bệnh viện 199 lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân này và có kết quả âm tính.

Đến ngày 27-8, bệnh nhân này tiếp tục được Bệnh viện 199 lấy mẫu cùng với các bệnh nhân khác. Cũng trong ngày này, bệnh nhân có diễn tiến nặng dần, tiên lượng tử vong. Bệnh viện đã có giải thích với người nhà về tình hình của bệnh nhân trên. Lúc này, người nhà có nguyện vọng xin bệnh viện cho bệnh nhân được về nhà.

Khi đó, Bệnh viện 199 chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân trên do mới lấy mẫu trong ngày. "Về nguyên tắc, bệnh nhân đã lấy mẫu thì phải chờ có kết quả. Tuy nhiên trường hợp này bất khả kháng. Người nhà muốn theo phong tục, xin bệnh nhân về để tử vong tại nhà. Nếu bệnh viện không cho về thì cũng khó" - bác sĩ Pháp cho hay.

Vì vậy, dựa trên kết quả âm tính 3 lần trước đó, bệnh viện đã giải quyết cho người nhà đưa bệnh nhân H. về lúc 22 giờ ngày 27-8. Sau khi về nhà, đến 23 giờ 55 phút cùng ngày thì bệnh nhân H. tử vong. "Dù chưa có kết quả lần 4 nhưng xét trong tình thế trên cũng khó. Nếu nói chờ kết quả thì người nhà không chịu và có thể sẽ phản ứng. Ngay trong đêm đó, bệnh nhân có dấu hiệu xấu đi nên bệnh viện không còn cách nào khác" - bác sĩ Pháp lý giải.

Tin tức Thông tấn xã Việt Nam: Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 cho người dân Phú Yên trước khi trở về nơi cư trú

(https://baotintuc.vn/da-nang/da-nang-xet-nghiem-covid19-cho-nguoi-dan-phu-yen-truoc-khi-tro-ve-noi-cu-tru-20200830122526717.htm)

Sáng 30/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 163 người dân tỉnh Phú Yên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch bệnh. Đây là những người đã đăng ký danh sách nguyện vọng trở về nơi cư trú và được tỉnh Phú Yên xác nhận.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết: Thành phố Đà Nẵng đã thông báo cho người dân tỉnh Phú Yên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng về kế hoạch đưa họ trở về nơi cư trú. Theo đó, đã có 163 người đăng ký có nguyện vọng được trở về quê. Thành phố Đà Nẵng đã gửi danh sách và được tỉnh Phú Yên xác nhận đồng ý để 2 địa phương phối hợp đưa, đón người dân về và thực hiện cách ly theo quy định để phòng, chống dịch. Theo đề nghị của tỉnh Phú Yên, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho những người đã đăng ký trước khi trở về địa phương.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, sinh viên Đại học Đông Á (Đà Nẵng), cư trú ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, khi có thông tin đăng ký để trở về địa phương, chị đã đăng ký và được hướng dẫn thực hiện xét nghiệm trước khi trở về nhà. Được xét nghiệm chị cũng thấy yên tâm hơn mặc dù trong thời gian giãn cách chị đã thực nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Về quê nhà Phú Yên, Nguyễn Thị Kim Ngọc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cách ly theo quy định để bảo vệ mình và cộng đồng. Trong thời gian tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng các sinh viên khác được nhà trường hỗ trợ, cung cấp thực phẩm nên cũng không gặp khó khăn gì nhiều.

Anh Nguyễn Văn Hóa ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên ra thành phố Đà Nẵng làm nghề xây dựng. Thời gian qua, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên các công trình ngừng xây dựng, anh thất nghiệp nằm ở phòng trọ, muốn về quê cũng khó khăn. Tiền thu nhập các tháng trước không được bao nhiêu, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, phải nhờ vào sự hỗ trợ thực phẩm của chính quyền địa phương. Được được thông báo đến lấy xét nghiệm và chuẩn bị trở về  quên anh thấy rất vui.

Việt Nam:

VTC: Du học sinh Việt ở Hàn Quốc nghi mắc COVID-19 có kết quả âm tính lần 2

(https://vtc.vn/du-hoc-sinh-viet-o-han-quoc-nghi-mac-covid-19-co-ket-qua-am-tinh-lan-2-ar566928.html)

Sáng 30/8, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Hàn Quốc thông báo kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính virus SARS-CoV-2 với trường hợp du học sinh người Đồ Sơn nhập cảnh nước này.

Du học sinh tên H.T.T.A (trú tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn). Ngày 22/8, H.T.T.A sau khi nhập cảnh Hàn Quốc được xác định nhiễm SARS-CoV-2.

Theo điều tra dịch tễ, du học sinh về từ Hàn Quốc về và cách ly tập trung vào tháng 3/2020. Ngày 24-27/7, T.A có đi du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, sau đó được cách ly tại nhà.

Ngày 20/8, H.T.T.A bay sang Hàn Quốc.

Sau khi nắm bắt thông tin, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Đồ Sơn khẩn trương rà soát, điều tra các ca F1 và F2 liên quan đến trường hợp này, kết quả xét nghiệm đều âm tính.

UBND quận Đồ Sơn cũng yêu cầu thành lập các chốt phòng chống dịch COVID-19 tại phường Hải Sơn, Vạn Hương, tập trung vị trí H.T.T.A lưu trú, di chuyển; không cho họp chợ tại khu vực đường Đình Đoài, đường Sơn Hải.

Địa phương cũng thực hiện giãn cách xã hội một số khu vực ở một phường để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tạm dừng một số dịch vụ tại các phường Hải Sơn, Ngọc Xuyên, Vạn Hương.

Phường Hải Sơn thành lập thêm 7 chốt tại các cửa ngõ, đường rẽ vào các khu, tổ dân phố. Các hoạt động kinh doanh buôn bán trên vỉa hè đã được yêu cầu tạm dừng để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.

VOV: Doanh nghiệp kiệt quệ vì Covid-19, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kêu cứu

(https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-kiet-que-vi-covid19-hiep-hoi-du-lich-quang-nam-keu-cuu-1089538.vov)

Ngày 29/8, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết vừa có văn bản gửi Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT&DL Quảng Nam và Hội Doanh nghiệp Quảng Nam về việc kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, từ tháng 3/2020 đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 điểm đến bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không còn khả năng duy trì, tồn tại; doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt, tuy nhiên về lâu dài cũng rất khó khăn. Thậm chí đã có doanh nghiệp hoàn toàn đóng cửa.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa thực sự khả thi khiến doanh nghiệp càng thêm khốn đốn.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kiến nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ 5 nhóm vấn đề: Hỗ trợ người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1/4 đến 30/6/2020; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động trong gói 62 nghìn tỷ đồng; giảm thuế VAT, thuế doanh thu, tiền thuế đất và thuê nhà thầu; các chính sách ngân hàng về khoanh nợ, hạ lãi suất; hỗ trợ đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động ngành du lịch hậu Covid-19. 

Riêng với người sử dụng lao động, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho nhân viên. Đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam dù đã cố gắng huy động nguồn vốn để trả lương người lao động, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên tài chính cũng dần kiệt quệ. Nếu không có sự hỗ trợ gấp rút từ Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó bám trụ, đứng vững để tái sản xuất khi dịch bệnh kết thúc..

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin phong tỏa thôn có bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin du học sinh Việt ở Hàn Quốc nghi mắc COVID-19 có kết quả âm tính lần 2.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT