Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông chiều 27-8
Đăng ngày 27-08-2020 16:50, Lượt xem: 33

Sáng 27-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 1 bệnh nhân 8 tuổi mắc COVID-19; đồng thời ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng tử vong.

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 14h00 ngày 27-8)

* Thế giới: 24.356.180 người nhiễm/ 830.134 người tử vong

* Việt Nam: 1.034 người/30 người tử vong/632 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng: Sáng 27-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 1 bệnh nhân 8 tuổi mắc COVID-19; đồng thời ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng tử vong.

II. Báo chí viết về Covid-19

Từ 7h30 đến 16h30 (27-8), các báo chí có các bài viết:

Đà Nẵng:

Cổng Thông tin điện tử thành phố: Bệnh viện Phổi cho xuất viện bệnh nhân 8 tuổi mắc COVID-19

(https://danang.gov.vn/web/guest/chi-tiet?id=40780&_c=100000150,3,9)

Đó là BN 655 (8 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà). Tại thời điểm xuất viện, BN không còn các triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở và có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Sau khi xuất viện, BN được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng bố trí xe đưa về nhà cách ly 14 ngày, dưới sự theo dõi và giám sát của cơ sở y tế địa phương.

Trước đó, ngày 23-7 đến 24-7, BN tiếp xúc gần với mẹ là L.T.B (BN 473), lúc này mẹ BN mới xuất hiện triệu chứng ho nhẹ, đau họng.

Từ ngày 25-7 đến 26-7, BN ở nhà và chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình. Trưa ngày 26-7, BN có đi ăn cùng hàng xóm ở quán ăn gần nhà, sau đó về nhà chơi game cùng em trai.

Ngày 28-7, mẹ BN được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả  (+) với virus SARS-CoV-2 vào ngày 30-7. Sáng 31-7, BN được đưa đi cách ly tập trung.

Ngày 2-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhận được mẫu xét nghiệm dịch hầu họng của BN và cho có kết quả (+) với virus SARS-CoV-2 vào ngày 3-8. Sau đó, BN được chuyển đến Bệnh viện Phổi để điều trị.

Như vậy, tính từ 25-7 đến nay, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang đã điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện 163 bệnh nhân mắc COVID-19.

Cũng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố có bài đăng: Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ Đà Nẵng 700 triệu đồng hàng hóa và tiền mặt

(https://danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=40783&_c=3)

Với tinh thần “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”, phát huy tinh thần tương thân tương ái và sẻ chia với người dân Đà Nẵng - nơi đang là tâm dịch của cả nước, ngày 27-8, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã ủng hộ Đà Nẵng 100 triệu đồng tiền mặt và 2 tấn gạo, 510 chai nước mắm, 100 thùng mỳ tôm, 500 hộp thực phẩm chức năng, 100.000 khẩu trang y tế, 9 thùng thực phẩm Hồng Sâm với tổng trị giá gần 700 triệu đồng.

Ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho biết, đây là số hàng hóa và tiền mặt thành phố Hà Nội vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm…từ chương trình vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Hội Chữ thập đỏ phát động. Mặc dù là một trong địa phương đã có ca nhiễm dịch Covid – 19, trong thời điểm Hội đang tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch, nhưng Hội đã nhanh chóng kịp thời ủng hộ nguồn lực, chia sẻ khó khăn đối với người dân Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Như Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng trân trọng cảm ơn đoàn công tác không quản ngại đường xa, trực tiếp mang những món quà thiết thực và ý nghĩa, chia sẻ đầy tình cảm và trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội. Đồng thời, cam kết sẽ trao tặng những món quà này đến tận tay người dân, các đối tượng đang cần trợ giúp; góp phần cùng thành phố Đà Nẵng thực hiện mục tiêu “Không để hộ khó khăn thiếu lương thực thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid- 19”.

Báo Đà Nẵng: Đồng hành người lao động khó khăn

(https://baodanang.vn/channel/5399/202008/dong-hanh-nguoi-lao-dong-kho-khan-3697970/)

Những ngày cuối tháng 8-2020, chúng tôi theo chân các công nhân tổ thu gom rác của Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn (thuộc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng) làm nhiệm vụ trên các tuyến đường của các phường: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

Tận mắt chứng kiến các công nhân làm việc, mới thấy được nỗi khó khăn, vất vả của họ. Chị Trần Thị Hải, một công nhân của xí nghiệp bày tỏ, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, hằng ngày mọi người phải tiếp xúc trực tiếp với các loại rác thải sinh hoạt ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn khi thu nhập trong những ngày này giảm sút do lượng rác thu gom từ các nhà hàng, quán ăn, khách sạn không còn, trong khi đa phần thu nhập của công nhân được tính theo khối lượng công việc.

Cũng như chị Hải, chị Phạm Thị Ba (công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà) vẫn luôn bám trụ với công việc, bởi chính nghề nhọc nhằn này giúp chị có thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong mùa dịch, chồng chị Ba nghỉ làm không lương nên giờ cả nhà chỉ biết trông cậy vào thu nhập ít ỏi hiện giờ của chị.

Ông Phạm Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, thời điểm dịch bệnh, có hàng ngàn lượt đoàn viên, người lao động (NLĐ) được lãnh đạo trực tiếp thăm hỏi, trao quà hỗ trợ; trong đó, giải pháp trọng tâm của công đoàn là tập trung mọi nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập bởi Covid-19 và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, công ty đã cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động, hướng dẫn cán bộ, NLĐ giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo găng tay, khẩu trang... trong quá trình lao động.

Đặc biệt, thông qua việc vận động các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân, đơn vị đã hỗ trợ 100 thùng sữa, 10.000 đôi găng tay, 600 chai gel rửa tay, 4.550 suất cơm và 168 triệu tiền mặt cho NLĐ. Bên cạnh đó, công ty xin hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng khẩu trang, áo phòng hộ, nhu yếu phẩm. Công đoàn công ty cũng đã trích nguồn kinh phí 50 triệu đồng trợ cấp cho 100 NLĐ khó khăn nhất; trích 169 triệu đồng mua 1.300 suất quà trao tặng cho tất cả đoàn viên, NLĐ trong đơn vị.

Công an Đà Nẵng: Băn khoăn về chủ trương khai giảng trực tuyến!

(http://cadn.com.vn/news/137_230457_ban-khoan-ve-chu-truong-khai-giang-truc-tuyen-.aspx)

Những ngày gần cuối tháng 8 này, toàn TP Đà Nẵng vẫn đang dồn hết tâm lực để phòng, chống, dập dịch Covid-19. Tâm điểm vấn đề được người dân toàn TP quan tâm đó là: Bao giờ dịch được dập tắt để cuộc sống trở lại bình thường như trước đây.

Ông Châu Hùng (Q.Hải Châu) bày tỏ: “Tôi chưa hình dung ra được việc tổ chức khai giảng trực tuyến sẽ như thế nào? Bởi ý nghĩa của ngày khai giảng là ngày trường học đón HS trở lại trường sau thời gian dài nghỉ hè và được đón HS đầu cấp nhập học. Việc tổ chức khai giảng trực tuyến không có cảnh HS nô nức đến trường nhập học, không có cảnh đón chào HS đầu cấp vào trường thì không ra không khí khai giảng, làm mất đi ý nghĩa thật sự của ngày khai giảng. Không lẽ, đến ngày 5-9, các trường học trang hoàng, giăng băng rôn biểu ngữ chào đón ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, triệu tập dưới 20 GV đến trường tổ chức ngồi giãn cách rồi lãnh đạo nhà trường đọc thư của Chủ tịch nước gửi cho ngành giáo dục, cùng lời chào mừng, lời dặn dò của lãnh đạo TP, của ngành (nếu có) và của nhà trường đến toàn thể HS, đánh trống khai trường. Quay clip tất cả hoạt động này đưa lên web của nhà trường cho HS xem? Theo tôi, làm như vậy là không cần thiết. Hơn nữa, không phải hoàn cảnh gia đình nào cũng giống nhau...”.

Một số phụ huynh (PH) khác thì cho rằng, nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp, điều quan trọng mà ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện đó là cần chủ động xây dựng các phương án để tổ chức dạy-học trực tuyến sao cho hiệu quả. Bởi thực chất, không phải HS nào cũng tiếp nhận bài giảng, cách dạyhọc trực tuyến. Và quan trọng hơn cả, ngành GD-ĐT cần chủ động xây dựng phương án dạy- học đối với HS đầu cấp học, nhất là HS lớp 1 thì dạy-học như thế nào; khi đây là năm đầu tiên triển khai tổ chức dạy- học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK lớp 1 mới. Nhiều vấn đề cần quan tâm hơn là tổ chức khai giảng trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đem vấn đề này trao đổi với hiệu trưởng một số trường, chúng tôi nhận được câu trả lời, chờ hướng dẫn từ Bộ, Sở. Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành- chia sẻ: “Chúng tôi đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ, Sở về chủ trương này. Theo đó, ngành chỉ đạo, hướng dẫn sao thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, như bạn biết đó, ý nghĩa của ngày khai giảng là ngày nhà trường chào đón HS cũ trở lại trường sau kỳ nghỉ hè và đón chào HS đầu cấp nhập học. Vì vậy, tôi cũng thấy hơi lăn tăn...”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- cho biết: “Đây mới là chủ trương của Bộ GD-ĐT. Ngành GD-ĐT TP cũng đang chờ chỉ đạo, văn bản hướng dẫn từ Bộ về vấn đề này. Sau khi có văn bản, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức khai giảng trực tuyến trên tinh thần chung: Tùy theo điều kiện thực tế của từng trường để làm sao chuyển tải, truyền thông điệp về Ngày Khai giảng, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường đến HS và PH; giới thiệu thư của Chủ tịch nước, gửi thư của lãnh đạo TP về ngày khai giảng đặc biệt này là nguồn động viên trong năm học mới được xem là đặc biệt nhất từ trước đến nay; đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, tránh rơi vào hình thức...”.

Vietnam+: Thi THPT 2020: Đà Nẵng tổ chức điểm thi riêng cho các thí sinh F1, F2

(https://www.vietnamplus.vn/thi-thpt-2020-da-nang-to-chuc-diem-thi-rieng-cho-cac-thi-sinh-f1-f2/659771.vnp)

Ngày 27/8, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Mai Tấn Linh cho biết, để kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 (đợt 2) được đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thí sinh và cán bộ coi thi, đồng thời bố trí điểm thi riêng cho các thí sinh F1, F2.

Theo đó, các thí sinh F1, F2 sẽ được thi tại điểm trường Trung học Phổ thông Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn). Tại điểm thi này, mỗi phòng thi bố trí 12 thí sinh, thực hiện giãn cách tối đa.

Các cán bộ coi thi được Sở Y tế tập huấn về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ quy định như tại khu cách ly và mặc áo quần bảo hộ trong suốt quá trình coi thi.

Theo số liệu cập nhật ngày 27/8, Đà Nẵng có khoảng 65 thí sinh F1, F2 đang được cách ly tại cộng đồng và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật.

Những thí sinh này sẽ được các đơn vị chức năng đưa đón đến điểm thi, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.

Đối với công tác xét nghiệm toàn bộ thí sinh và cán bộ coi thi, ông Mai Tấn Linh cho hay, do điều kiện khách quan nên việc xét nghiệm sẽ tổ chức sớm hơn kế hoạch, dự kiến tiến hành vào ngày 31/8.

Việc xét nghiệm được chia thành 2 buổi sáng và chiều. Các thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 sẽ không tham gia thi và có thể được xét đặc cách tốt nghiệp.

Trường hợp người làm công tác thi dương tính với SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly và thay thế bằng cán bộ dự phòng.

Trong quá trình thi, nếu thí sinh có biểu hiện sốt, sẽ được cách ly tại phòng riêng tại điểm thi.

Các thí sinh là người địa phương khác gửi thi tại Hội đồng thi Đà Nẵng sẽ tập trung học quy chế thi, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và dự thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (số 154, đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê).

Các thí sinh từ các tỉnh, thành phố trở về tham dự kỳ thi tại thành phố Đà Nẵng phải tự cách ly tại nhà, thực hiện khai báo y tế, thông báo với cơ quan y tế (Trạm Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện) và chính quyền địa phương.

Pháp luật Hồ Chí Minh: 6 người định trốn khỏi Đà Nẵng để về quê tìm việc làm

(https://plo.vn/xa-hoi/6-nguoi-dinh-tron-khoi-da-nang-de-ve-que-tim-viec-lam-934714.html)

Rạng sáng 27-8, tổ công tác thuộc Trạm CSGT Cửa Ô Hoà Hiệp (Đà Nẵng) tuần tra trên đường Nguyễn Văn Cừ (gần chân đèo Hải Vân) thì phát hiện sáu người (3 nam, 3 nữ) đi trên ba xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra.

Qua kiểm tra, nhóm người này cho biết là những lao động phổ thông ở trọ tại Đà Nẵng. Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát, họ không có việc làm. Họ định trốn khỏi Đà Nẵng để về quê Quảng Trị tìm việc làm để trang trải cuộc sống.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi ra đường không cần thiết, với mức phạt mỗi người 200.000 đồng.

VOV: Đà Nẵng đóng cửa bệnh viện nếu không đạt tiêu chí phòng chống Covid-19

(https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-dong-cua-benh-vien-neu-khong-dat-tieu-chi-phong-chong-covid19-1088538.vov)

Bệnh viện Đà Nẵng vừa được dỡ bỏ phong tỏa để tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân. Đây là bệnh viện cuối cùng ở Đà Nẵng được dỡ bỏ phong tỏa sau gần 1 tháng dồn sức cho phòng chống dịch bệnh Covid-19.

“Hiện nhiều khoa phòng sẽ không có người nhà. Bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Thứ 2 nữa chúng tôi sẽ giảm mật độ lượng bệnh nhân ở tại bệnh viện Đà Nẵng bằng cách chúng tôi sẽ làm việc với các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện khác để chuyển bệnh nhân về các bệnh viện khác và chúng tôi hỗ trợ toàn bộ về công tác chuyên môn, hội chẩn từ xa”, TS. Bác sỹ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Đến nay, các bệnh viện ở Đà Nẵng đều áp dụng phương pháp phân luồng bệnh nhân ngay từ khu vực khám bệnh. Anh Đặng Thanh Lâm ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, mẹ anh vừa bị ngã gãy tay, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Khi đưa mẹ đến bệnh viện, anh cũng rất lo lắng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhưng khi đưa mẹ vào phòng cấp cứu, thấy nhân viên bệnh viện thực hiện chặt chẽ việc phân luồng, khám sàng lọc, bảo đảm quy trình chống dịch Covid-19 nên anh Lâm thực sự yên tâm.

“Mẹ mình mới bị cấp cứu vì gãy tay. Vào đấy là họ đến họ đưa đi nói chung họ cũng có bảo hộ đàng hoàng mà vào làm cũng rất nhanh. Họ cũng có hỏi tiền sử bệnh như thế nào để họ sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân, mình thấy yên tâm nhiều. Phân luồng và sàng lọc như thế này thì nó đỡ đi vòng vèo, bị chồng chéo nhau và bệnh nhân của mình cũng được chăm sóc đúng người, đúng bệnh hơn”, anh Lâm nói.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, việc xảy ra ổ dịch trong các bệnh viện lớn ở thành phố Đà Nẵng là bài học xương máu đối với ngành Y tế thành phố. Bà Ngô Thị Kim Yến khẳng định, nếu các bệnh viện không thực hiện tốt chỉ số an toàn về Covid thì sẽ đóng cửa, không cho hoạt động.

“Vừa rồi là bài học, bài học xương máu và tôi chắc chắn rằng đối với thành phố Đà Nẵng sẽ không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Lãnh đạo các đơn vị phải thấy rằng chỉ số an toàn bệnh viện về Covid là một trong những tiêu chí sống còn của bệnh viện. Ngành y tế chúng tôi tổ chức các đoàn kiểm tra từng nội dung, từng kế hoạch của các đơn vị”, bà Yến cho biết./.

Zing: Bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng tử vong

(https://zingnews.vn/benh-nhan-covid-19-o-da-nang-tu-vong-post1124597.html)

Đây là bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 30 tử vong tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.

Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) tại Đà Nẵng vừa thông báo bệnh nhân 696 (nữ, 51 tuổi) có địa chỉ ở Hải Châu, Đà Nẵng, tử vong. Trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2, người phụ nữ này bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim.

Sáng 27/8, bệnh nhân tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng). Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là viêm phổi do Covid-19 biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục trên nền tăng huyết áp, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy tim.

Trong đợt dịch này, Việt Nam có nhiều bệnh nhân Covid-19 rơi vào tình trạng nguy kịch. 30 trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng. Bộ Y tế xác định những người tử vong là bất khả kháng.

Theo các chuyên gia, chúng ta không có công thức điều trị cho tất cả bệnh nhân. Bác sĩ cần căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh việc sử dụng thuốc và chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng.

Việt Nam:

Vietnamnet: Bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang tiếp tục diễn biến xấu, phải chạy ECMO

(https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/benh-nhan-covid-19-o-bac-giang-tiep-tuc-dien-bien-xau-phai-chay-ecmo-669747.html)

Bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng tử vongSáng 27/8, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tổn thương phổi của bệnh nhân 793 tiếp tục diễn biến nặng lên. Ngày 26/8, bệnh nhân đã được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo).

“Đây là biện pháp để giảm áp lực lên phổi đang viêm của người bệnh. Bởi khi phổi vẫn phải thực hiện chức năng trao đổi khí, tình trạng tổn thương sẽ nặng hơn và thời gian điều trị có thể lâu hơn. Ngoài ra, việc chạy ECMO cũng sẽ giúp phổi nghỉ ngơi để điều trị nhiễm trùng tốt hơn”, bác sĩ Phúc phân tích.

Tình trạng nhiễm trùng phổi của người bệnh hiện vẫn chưa cải thiện. Được biết, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn, nấm để tìm căn nguyên, tuy nhiên chưa thể xác định được căn nguyên cụ thể gây tình trạng này.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh, song song với việc điều trị, kíp vẫn đang tiếp tục làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân để kịp thời khu trú nhiễm trùng.

Bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngày 14/8 với tình trạng nặng.

Người này có bệnh nền tăng huyết áp, bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến bệnh nhanh diễn biến xấu.

Sáng 24/8, bệnh nhân phải chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Tổn thương phổi của bệnh nhân được đánh giá rất nặng và phức tạp, thậm chí nặng hơn trường hợp bệnh nhân 812 trước đây (chức năng phổi của bệnh nhân 812 từng tổn thương đến khoảng 70%).

Người lao động: Nam thanh niên được phát hiện mắc Covid-19 sau khi rời khu cách ly có ghé quán ven đường

(https://nld.com.vn/suc-khoe/nam-thanh-nien-duoc-phat-hien-mac-covid-19-sau-khi-roi-khu-cach-ly-co-ghe-quan-ven-duong-20200827104403055.htm)

Một trường hợp liên quan Hà Nội khác là ca bệnh 1.032 (Bộ Y tế công bố tối 26-8), là nam thanh niên 21 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhập cảnh và được cách ly ở Hải Dương. Trưa 25-8, bệnh nhân từ khu cách ly trở về nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng chỉ ít giờ sau lại nhận kết qủa dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và cơ quan chức năng đã đưa bệnh nhân tới điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ngay, đồng thời xác định 5 người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả lần đầu âm tính.

Cũng liên quan đến trường hợp này, bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho hay nam thanh niên 21 tuổi này trên đường từ khu cách ly ở Hải Dương về Hà Nội có đi qua tỉnh này, dừng lại ở một quán ăn huyện Quế Võ. Thời điểm bệnh nhân ghé vào quán, lượng khách ở đây rất ít. Ngay khi nhận được thông tin, Bắc Ninh đã tiến hành truy vết, xác định có 1 F1 và 7 F2, theo dõi giám sát, cách ly.

Tin tức Thông tấn xã Việt Nam: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn biên giới

(https://baotintuc.vn/dich-benh/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tai-cac-dia-ban-bien-gioi-20200827110643610.htm)

Kết quả kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Bình Phước của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2020 cho thấy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Trong đó, đối với phòng, chống dịch COVID-19, Bình Phước đã thành lập 9 khu cách ly quân sự và 29 khu cách ly dân sự với công suất có thể cách ly hơn 8.800 người. Đến nay, tỉnh đã tổ chức cách ly cho hơn 5.000 người; lấy hơn 1.500 mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Đối với bệnh bạch hầu, trên địa bàn Bình Phước ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh tại huyện Lộc Ninh và Bù Đăng. Cả hai bệnh nhân này đều không tiêm vắc xin có thành phần kháng bệnh bạch hầu và tiêm chủng không đầy đủ. Hiện sức khỏe của 2 bệnh nhân đã ổn định. Đến ngày 27/8, bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lộc Ninh sức khỏe ổn định và đã trở về địa phương.

Theo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, 7 tháng đầu năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh giảm hơn 84% tại tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố; các ca mắc tay chân miệng và bệnh sởi giảm hơn 94%. Tuy nhiên, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, do Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260km, nhiều xã miền núi có hơn 20% đồng bào dân tộc thiểu số, do đó tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh.

Tỉnh Bình Phước cũng cần lưu ý công tác chỉ đạo, giám sát các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, rà soát người nhập cảnh trái phép, giám sát trên diện rộng để sớm phát hiện nguồn lây; duy trì giám sát, theo dõi diễn tiến dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi vấn tại các cơ sở y tế, điều tra các ca tiếp xúc những trường hợp bạch hầu; khẩn trương tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều ở các địa bàn có nguy cơ cao; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất, chủ động diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại các địa bàn có nguy cơ.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin thêm 1 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng tử vong.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang tiếp tục diễn biến xấu, phải chạy ECMO….

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT