Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 9/2021
Đăng ngày 16-09-2021 13:45, Lượt xem: 359

Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng; Giảm thời gian người lao động làm việc trong hầm lò; Chế độ thai sản dành cho nam giới khi vợ sinh con; 04 trường hợp NLĐ được trả lương ngừng việc vì Covid-19… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 9/2021.

Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng

Từ ngày 15/09/2021, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được thực hiện theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/07/2021.

Theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4.872.000 đồng; Thân nhân của 01 liệt sĩ là 1.624.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1.679.000 đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng…

Về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP nêu rõ: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung).

Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí một lần khi di chuyển hài cốt liệt sĩ: Mức hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ 4.000.000 đồng/01 hài cốt liệt sĩ; mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn (tối đa 03 người) tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000.000 đồng/01 km/01 người. Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thì được hỗ trợ một lần kinh phí xây mộ liệt sĩ. Mức hỗ trợ 10.000.000 đồng/01 mộ.

Giảm thời gian người lao động làm việc trong hầm lò

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BCT Bộ Công Thương về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò.

Theo đó, ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 1 ngày. Ca làm việc của người lao động trong hầm lò là khoảng thời gian từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại nhà giao ca cho đến khi trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ sau khi kết thúc công việc, bao gồm: Thời gian nhận nhiệm vụ, thời gian di chuyển từ nhà giao ca đến vị trí sản xuất và trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ và thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò.

Cũng theo Thông tư số 04/2021/TT-BCT, thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 7 giờ trong 1 ngày và không quá 42 giờ trong 1 tuần. Thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò là khoảng thời gian người lao động trực tiếp làm nhiệm vụ được giao tại vị trí sản xuất trong hầm lò đến khi kết thúc công việc tại vị trí làm việc, bao gồm cả thời gian nghỉ trong giờ làm việc.

Đối với làm thêm giờ, Thông tư số 04/2021/TT-BCT quy định bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với nghỉ chuyển ca; nghỉ hằng tuần; nghỉ lễ, tết; nghỉ hằng năm; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Tuân thủ theo quy định tại Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 115 Bộ luật Lao động.

Thông tư số 04/2021/TT-BCT cũng nêu rõ, người sử lụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể ca làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các công việc trong hầm lò tại nội quy lao động và thông báo cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 04/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021.

Chế độ thai sản dành cho nam giới khi vợ sinh con

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định chế độ thai sản dành cho nam giới đang đóng BHXH khi vợ sinh con như sau:

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ:  05 ngày làm việc với sinh thường 1 con; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc và thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần

- Hồ sơ gồm có: Giấy khai sinh có họ tên cha; hoặc Giấy chứng sinh,Sổ hộ khẩu;  Trường hợp con chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ nếu con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh (nếu có); Giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật (nếu có); Mẫu C70a-HD

- Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc người lao động phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp. Đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của NLĐ) phải nộp cho cơ quan bảo hiểm.

- Mức hưởng như sau:  Mức hưởng = Mbq6t/24 ngày công x 100% x số ngày được nghỉ. Trong đó: Mbq6t là bình quân mức lương đóng BHXH 6 tháng trước khi vợ sinh của NLĐ nam; Trường hợp chưa đủ 6 tháng thì Mbq6t = bình quân lương các tháng đã đóng BHXH.

Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng quy định lao động nam được hưởng thêm trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở tháng khi vợ không tham gia bảo hiểm khi thỏa mãn điều kiện:

- Lao động nam có vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (không đóng hoặc đóng không đủ điều kiện) căn cứ theo điểm c Khoản 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Lao động nam phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh;

- Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.

04 trường hợp NLĐ được trả lương ngừng việc vì Covid-19

Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 264/QHLĐTL-TL gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc trả lương ngừng việc cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Công văn hướng dẫn việc trả lương ngừng việc như sau:

- Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

- Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: người lao động (NLĐ) phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;  NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;  NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động, cụ thể:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác