Lê Thị Dãnh (? - 1968)
Lê Thị Dãnh, tên thường gọi là Mẹ Nhu, không rõ năm sinh, quê làng Thanh Khê, huyện Hòa Vang, nay là phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà mẹ cơ sở cách mạng nội thành. Hầm bí mật được xây dựng ngay trong nhà mẹ để nuôi giấu cán bộ.

Đêm 23-12-1968, một đơn vị biệt động của thành sau khi tập kích đồn lính bảo an Phú Lộc (quận II) đã rút về trú ẩn ở nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền ở bên cạnh. Ngày 26-12-1968, do một tên chỉ điểm, địch đã ập đến nhà, bao vây và bắt mẹ Nhu tra tấn, buộc mẹ phai rkhai nơi trú ẩn của các chiến sĩ biệt động. Mẹ tỏ vẻ ngơ ngác như không hề biết hầm bí mật là gì. Tên chỉ huy cảnh sát chỉa súng vào mẹ, đẩy mẹ về phía đặt mấy cái chum vại và quát:

- Không chỉ thì tao chỉ cho. Ê! Tụi bây lại giở tấm cót kia lên! Hầm bí mật ở dưới hai cái chum kia kìa.
Đúng là chính tên phản bội H đã dẫn lính về chỉ hầm bí mật rồi. Không còn cách nào khác, mẹ Nhu thét lớn:
- Nó phản bội rồi các con ơi! Đánh đi!
Lời nói của mẹ vừa dứt, thì tên ác ôn đã nổ súng bắn mẹ gục ngay giữa nhà.

Tổ biệt động từ dưới hầm, tung nắp, xông lên, quét những loạt tiểu liên AK vào đám lính ngụy. Ở hầm bên nhà mẹ Hiền, các chiến sĩ biệt động cũng tung nắp hầm lên chiến đấu hỗ trợ. Trận đánh không cân sức diễn ra cho đến tối mịt giữa vòng vây của địch. Nhờ sự che chở và dẫn đường của đồng bào, các chiến sĩ biệt động đã rút ra ngoài an toàn ngay trong đêm ấy. Đội trưởng Nguyễn Văn Huề đã anh dũng hi sinh tại chỗ.
Cái chết của mẹ Nhu đã gây một xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc trong nhân dân Đà Nẵng.

Sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã tác tượng Mẹ Nhu bằng cách ghép nối hàng nghìn võ đạn đồng đại bác của Mỹ. Bức tượng đồ sộ cao hơn chục mét của bà mẹ anh hùng mặt hướng về phía cửa biển Đà Nẵng, trong tư thế đang phất tay ra lệnh “tiến lên”, được đặt trên đại lộ Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT