Tiểu La Nguyễn Thành (1863 - 1911)
Nguyễn Thành còn gọi là Nguyễn Hàm, hay Ấm Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Nam Thạnh, rồi Tiểu La, nên thường quen gọi là Tiểu La-Nguyễn Thành. Ông sinh năm 1863, tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình Nho giáo. Thân sinh ông là Nguyễn Trường, làm Bố chánh sứ tỉnh Bình Định, hàm Tham Tri dưới thời Tự Đức.

Vốn tính thông minh, từ thuở nhỏ ông thường chuyên chú đọc các loại binh thư như Ngũ hầu tâm thư, Tôn tử binh pháp, cùng các loại sử địa nước nhà... điều ấy đã cho thấy trong ông đã có hoài bão là muốn hiểu biết để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân chứ không có ý muốn làm quan.  Sự thông minh và ý chí của ông đã được Phan Bội Châu nhận xét: “Tiên sinh lúc nhỏ thông minh đĩnh ngộ, lớn lên có tính khẳng khái, khác thường. Đầu tiên học chữ Hán, nghe hiểu nhớ nhiều hơn cả bạn bè”.

Những đức tính tự chủ và tài tháo vát của ông đã thể hiện từ buổi thiếu thời, việc đưa thi hài thân sinh của ông từ Bình định về chôn cất tại quê nhà là một minh chứng.

Năm 1885, ông lều chõng ra Huế để thi Hương, nhưng vào thời điểm ấy vụ binh biến kinh thành Huế diễn ra, kỳ thi không tổ chức được, ông trở lại quê nhà, từ bỏ đèn sách, hưởng ứng phong trào Nghĩa Hội.

Với tư cách là ấm sinh, ông chiêu mộ một cánh quân, kết cùng Nghĩa Hội đánh thành tỉnh, lúc này ông mới vừa tròn 18 tuổi, vì thế các tướng sĩ có ý xem thường tài thao lược của ông, nhưng ông vẫn không nản lòng, quyết cùng Nghĩa Hội đánh Pháp.

Khi quân Pháp đưa quân chiếm lại thành tỉnh, Nam triều bổ nhiệm Châu Đình Kế làm Tuần Vũ Quảng Nam, bọn chúng đưa quân đi càn quét vào các huyện, xã; Nguyễn Thành liền cho quân mai phục, đánh thắng nhiều trận, lúc này uy tín của ông ngày càng được nâng cao. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu tin tưởng giao cho ông chức  Tán Tương quân vụ kiêm Thượng Biện tỉnh vụ và khi Án Nại hy sinh tại mặt trận Phú Thượng, ông được chỉ định thay thế; nghĩa binh dưới quyền chỉ huy của ông đã mở nhiều trận đột kích vào Đà Nẵng.

Năm 1887, khi phong trào Nghĩa Hội bị thất bại, sĩ phu có người bị giặc Pháp bắt, có người tự vẫn, nhưng Nguyễn Thành vẫn cương quyết cùng nghĩa binh chiến đấu đến cùng. Nguyễn Thân ra lệnh cho bọn lính Nam triều phải tìm mọi cách bắt sống ông. Thấy ông là người có tài, nên Nguyễn Thân muốn mua chuộc ông nhưng không thành, vì thế chúng quản thúc ông tại quê nhà. Từ đây, ông ẩn mình trong sơn trang với mẹ già, tiếp tục nuôi chí lớn, bí mật hoạt động. Tại sơn trang Nam Thạnh, ông liên lạc với các văn nhân, sĩ phu yêu nước trong tỉnh và cả nước, chờ thời cơ giúp dân, cứu nước.

Năm 1903, Phan Bội Châu đã đến sơn trang để tìm gặp Nguyễn Thành, bàn việc nước; năm 1904 Hội nghị thành lập Duy Tân hội đã diễn ra tại đây, ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập và tổ chức Duy Tân hội.
Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, Nguyễn Thành bí mật hoạt động ở trong nước, ông vận động kinh phí, đưa thanh niên ra nước ngoài du học để chuẩn bị lực lượng cứu nước.

Năm 1908, cùng lúc phong trào Duy Tân hội đang phát triển mạnh, cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra, giặc Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước, Tiểu La-Nguyễn Thành lại một lần nữa rơi vào tay giặc, và chúng đã kết án chín năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo.  Tại đây phần lo cảnh nước mất, nhà tan, vợ con không còn, các phong trào yêu nước lần lược bị thất bại, ông đau buồn và qua đời vào ngày 11/11/1911.

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Tiểu La Nguyễn Thành dài 180m, rộng 9m, từ đường Núi Thành (gần đường rẽ vào khu tập thể Hòa Cường) qua ngã tư đường Tống Phước Phổ, nối với đường 2 Tháng 9, thuộc quận Hải Châu.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT