Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2023
Đăng ngày 19-01-2023 15:10, Lượt xem: 57

Chế độ BHXH, hỗ trợ đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty Nhà nước;  Quy định mới về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng; Chế độ phụ cấp mới đối với cán bộ công đoàn; Thực hiện song song 2 hình thức giám định BHYT; Đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/1/2023… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2023.

Chế độ BHXH, hỗ trợ đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty Nhà nước

Từ 15/01/2023, chế độ BHXH, hỗ trợ đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty Nhà nước được thực hiện theo Nghị định số 97/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau:

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 - 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Trợ cấp 03 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí…

Quy định mới về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng.

Theo đó, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN đã bổ sung ngành công nghệ thông tin, xây dựng, luật vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo của một số ngạch công chức ngân hàng, cụ thể như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp:  Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành: Ngân hàng, kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, xây dựng, luật; Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền; Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp (hoặc tương đương) hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN đã bổ sung ngành công nghệ thông tin, luật; Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành: kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, xây dựng, luật; Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính (hoặc tương đương) hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN đã bổ sung ngành công nghệ thông tin, luật.

- Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành: kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, xây dựng, luật; Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên (hoặc tương đương). Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN đã bổ sung ngành công nghệ thông tin, luật và bỏ ngành kỹ sư tin học, kỹ sư xây dựng.

- Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với ngành hoặc chuyên ngành: kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

- Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ:  Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với ngành hoặc chuyên ngành: kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

Chế độ phụ cấp mới đối với cán bộ công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Cụ thể, Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ quy định đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra CĐCS, Ủy viên ban chấp hành CĐCS, CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Tổ trưởng, Tổ phó công đoàn. Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ CĐCS được xác định theo số lượng đoàn viên công đoàn, kết quả nộp đoàn phí công đoàn của năm trước liền kề, thực hiện theo khung số lượng đoàn viên. Theo đó, mức chi phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Cũng theo Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ, hệ số phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp tỉnh, cấp Trung ương và tương đương được xác định theo số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân để làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong đơn vị quản lý của năm trước. Theo đó, số lao động bình quân dưới 300.000 đoàn viên thì hệ số uỷ viên ban chấp hành là 0,4; ủy viên uỷ ban kiểm tra là 0,30. Từ 300.000 đoàn viên trở lên thì hệ số phụ cấp trách nhiệm của ủy viên ban chấp hành là 0,45 và ủy viên ủy ban kiểm tra là 0,35.

Thực hiện song song 2 hình thức giám định BHYT

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.

Theo đó, Quyết định số 3618/QĐ-BHXH hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm công tác giám định chủ động (đây là giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện) và Giám định tự động (đây là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).

Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.

Thời gian giám định chi phí KCB BHYT trên dữ liệu được quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc đối với việc “Đối chiếu thông tin thẻ BHYT” kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu kiểm tra thông tin thẻ BHYT trên phần mềm TST hoặc TCS phải hoàn thành việc kiểm tra, xác nhận thông tin phát hành thẻ BHYT.

Trường hợp kết quả giám định tự động dữ liệu XML có chi phí từ chối thanh toán được thông báo cho cơ sở KCB qua Cổng tiếp nhận trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dữ liệu XML đề nghị thanh toán; kết quả đối chiếu giữa dữ liệu XML và dữ liệu báo cáo tổng hợp được tự động thông báo cho cơ sở KCB qua Cổng tiếp nhận trong thời hạn 2 ngày làm việc nếu thông tin không trùng khớp.

Kết quả đối chiếu dữ liệu XML trùng thời gian điều trị giữa các cơ sở KCB được thông báo cho cơ sở KCB qua Cổng tiếp nhận ngay khi phát hiện có trùng lặp. Kết quả giám định chủ động được thông báo sau khi hoàn thành đợt giám định tại cơ sở KCB.

Quyết định số 3618/QĐ-BHXH về quy trình giám định BHYT mới thực hiện từ 1/1/2023 và thay thế quy trình giám định ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH từ năm 2015.

Đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/1/2023

Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, trường hợp đăng ký tham gia BHYT bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ áp dụng cho người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác