Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 02/2022
Đăng ngày 14-02-2022 16:37, Lượt xem: 149

Quy định mới về tiêu chí DN đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia; Nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng; Điều chỉnh mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động; Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 02/2022

Quy định mới về tiêu chí DN đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia

Có hiệu lực từ 07/2/2022, Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2019/TT-BCT quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo đó, Thông tư số 25/2021/TT-BCT sửa đổi quy định về tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Khoản 2 Điều 6) như sau: “Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của doanh nghiệp đó. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí về vốn nhưng có sản phẩm tham gia xét chọn thể hiện yếu tố đặc sắc Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam thì Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam xem xét, quyết định”.

Cũng theo Thông tư số 25/2021/TT-BCT, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ở trong và ngoài nước, đơn vị chủ trì thực hiện đề án thực hiện một số hoạt động sau: Nghiên cứu, đánh giá và lập các báo cáo chuyên đề về nhu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng và phát hành các tài liệu, sản phẩm thông tin hướng dẫn doanh nghiệp dưới dạng bản in, ấn phẩm điện tử hoặc phổ biến tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn...

Đối với việc tổ chức tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong và ngoài nước, đơn vị chủ trì thực hiện đề án thực hiện: Thiết kế, sản xuất các sản phẩm truyền thông về Chương trình và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông; mời các tổ chức, doanh nghiệp tham gia; tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, diễu hành, trưng bày và các sự kiện khác; xây dựng khu hội chợ, triển lãm; tổ chức lễ khai mạc và các sự kiện liên quan trong khuôn khổ hội chợ, triển lãm…

Nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BXD quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, Thông tư số 17/2021/TT-BXD nêu rõ 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng, bao gồm:

- Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

- Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

- Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

Quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn áp dụng trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng trong xây dựng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư số 17/2021/TT-BXD, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại Điểm a, Điểm b Khoản 5 và Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Thông tư số 17/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2022 và thay thế Thông tư số 04/2014/TT-BXD.

Nguyên tắc thanh toán bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh lao

Từ ngày 15/2/2022, nguyên tắc thanh toán bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh lao được thực hiện theo Thông tư số 36/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.

Theo đó, người tham gia BHYT nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến chẩn đoán, điều trị lao được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế; được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo các quy định về chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, Thông tư số 36/2021/TT-BYT cũng quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao thực hiện theo quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và BHYT.

Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh nêu trên khi được chỉ định bởi: Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa lao hoặc phổi; Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không thuộc trường hợp quy định trên thì phải được tập huấn điều trị bệnh lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế; Người thực hiện việc kê đơn thuốc.

Người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn sau khi được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chuyển về tuyến y tế cơ sở để tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý, tham gia điều trị theo quy định. Quỹ BHYT thanh toán đối với chi phí của thuốc điều trị lao và vật tư y tế đi kèm để sử dụng thuốc đó theo quy định; không thanh toán tiền khám bệnh trong mỗi lần cấp, phát thuốc điều trị lao cho người bệnh đó.

Điều chỉnh mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động

Bộ Lao động Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH, cụ thể :

 - Mọi ngành, nghề tại thị trường Nhật Bản là 0 đồng;

- Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường  Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc: 0 đồng;

- Lao động giúp việc gia đình tại thị trường Ma-lai-xi-a và Bru-nây: 0 đồng;...

Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư số 21/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/10/2013.

Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT quy định quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục.

Theo đó, Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT quy định về tổ chức của nhóm trẻ độc lập (lớp giữ trẻ tại nhà) như sau:

* Đối với nhóm trẻ độc lập có quy mô tối đa 07 trẻ:

- Trẻ em trong nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ có độ tuổi từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.

- Một người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tối đa 02 trẻ em từ 03 - 12 tháng tuổi hoặc tối đa 03 trẻ em từ 12 - 36 tháng tuổi.

- Mỗi nhóm trẻ có không quá 01 trẻ em khuyết tật.

* Đối với nhóm trẻ độc lập có quy mô trên 07 trẻ:

- Trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số lượng trẻ em tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:

+ Nhóm trẻ từ 03 - 12 tháng tuổi: 12 trẻ em;

+ Nhóm trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em;

+ Nhóm trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em.

- Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định tại điểm a, b khoản 1 của Điều 14 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép có không quá 20 trẻ em hoặc lớp mẫu giáo ghép có không quá 30 trẻ em hoặc lớp mầm non ghép có không quá 22 trẻ em.

- Mỗi nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

- Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại khoản 1 của Điều này thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cụ thể:

+ Đối với nhóm trẻ: 01 giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 03 trẻ từ 3 - 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi.

+ Đối với lớp mẫu giáo: 01 giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 11 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 - 6 tuổi.

- Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có tối thiểu 02 giáo viên.

- Tổng số trẻ em trong một cơ sở giáo dục mầm non độc lập không quá 70 trẻ em.

Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác