Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 01/2022
Đăng ngày 12-01-2022 15:23, Lượt xem: 157

Giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; Quy định mới về kinh doanh xăng dầu; Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng; Quy định mới về quản lý trang thiết bị y tế … là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 01/2022.

Giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian thực hiện từ 01/01-30/6/2022.

Theo đó, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...

Cũng theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC, giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa, giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).

Thông tư số 120/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Kể từ ngày 1/7/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Quy định mới về kinh doanh xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi thời gian điều hành giá xăng dầu như sau:

- Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, nghĩa là mỗi tháng điều chỉnh 03 lần. Như vậy, từ ngày 02/01/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh ba lần, tức 10 ngày một lần thay vì 15 ngày như hiện nay.

- Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.

- Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

- Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Theo đó, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Cụ thể, sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 22 xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn: Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 26 xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn. Cụ thể, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế. Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 26.

Nghị định số 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 112/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài, phải thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.

Về mức trần tiền ký quỹ của người lao động, Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định và phải ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), tất cả các ngành, nghề trừ nghề thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải mức trần tiền ký quỹ đối với người lao động là 12 triệu đồng; đối với thị trường Hàn Quốc là 36 triệu đồng.

Nghị định số 112/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Quy định mới về quản lý trang thiết bị y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 quy định về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, trang thiết bị y tế được phân làm 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các trang thiết bị y tế đó: Trang thiết bị y tế thuộc loại A là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp; Trang thiết bị y tế thuộc loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; Trang thiết bị y tế thuộc loại C là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao; Trang thiết bị y tế thuộc loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.

Về điều kiện của cơ sở mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

- Có ít nhất 1 nhân viên kỹ thuật có trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật, chuyên ngành y, dược, hóa học, sinh học hoặc cao đẳng kỹ thuật trang thiết bị y tế trở lên hoặc có trình độ cao đẳng trở lên mà chuyên ngành được đào tạo phù hợp với loại trang thiết bị y tế mà cơ sở mua bán.

- Có kho bảo quản và phương tiện vận chuyển đáp ứng các điều kiện tối thiểu sau đây:

+ Kho bảo quản: Có diện tích phù hợp với chủng loại và số lượng trang thiết bị y tế được bảo quản; bảo đảm thoáng, khô ráo, sạch sẽ, không gần các nguồn gây ô nhiễm; đáp ứng yêu cầu bảo quản khác của trang thiết bị y tế theo hướng dẫn sử dụng.

+ Phương tiện vận chuyển trang thiết bị y tế từ cơ sở mua bán đến nơi giao hàng phù hợp với loại trang thiết bị y tế mà cơ sở mua bán. Trường hợp không có kho hoặc phương tiện bảo quản trang thiết bị y tế phải có hợp đồng với cơ sở đủ năng lực để bảo quản và vận chuyển trang thiết bị y tế.

- Đối với cơ sở mua bán trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất:

+ Người phụ trách chuyên môn phải có trình độ đại học chuyên ngành trang thiết bị y tế, y, dược, hóa dược hoặc sinh học.

+ Có kho bảo quản đáp ứng quy định tại Điều 7 Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 5/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy ở trong nước.

+ Có hệ thống theo dõi quản lý quá trình xuất, nhập, tồn kho trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất.

Nghị định số 98/2021/NĐ-CP cũng quy định, việc quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường. Đồng thời, phải công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác