Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8 năm 2021
Đăng ngày 14-08-2021 02:43, Lượt xem: 116

Giá nước sạch sinh hoạt  từ ngày 5/8/2021; Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học; Quy định mới về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai; Thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sỹ…. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2021.

Giá nước sạch sinh hoạt  từ ngày 5/8/2021

Bộ Tài chính  vừa ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch phù hợp nhưng phải đảm bảo khung giá nước sạch như sau:

 - Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1: Mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3.

 - Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5: Mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3.

 - Tại khu vực nông thôn: Mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3.

Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.

 Như vậy khung giá nước sạch sinh hoạt thấp nhất là 2.000 đồng/m3 và cao nhất là 18.000 đồng/m3. Dựa vào khung giá này, các tỉnh, thành uy định giá nước sạch sinh hoạt cụ thể của từng địa phương.

Thông tư số 44/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2021, thay thế Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tài chính ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp, được quy định như sau:

- Phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo.

- Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.

- Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.

- Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

- Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực.

- Phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần.

- Phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và thay thế Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT.

Quy định mới về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Bộ Lao động Thương bình và xã hội vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, từ ngày 8/8/2021, việc thôi hưởng trợ cấp xã hội (TCXH) hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021, bao gồm:

 -  Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

 - Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

 -  Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;

-  Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách;

-  Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

Thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường hợp sau đây:

- Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

- Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định;

- Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP;

- Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau đây:

- Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;

- Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

- Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Theo Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB-XH, tới đây sẽ có thêm 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:

- Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên;

- Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý;

- Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.

Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 08/8/2021, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH được áp dụng từ ngày 01/7/2021.

Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai

Có hiệu lực từ ngày 20/08/2021, Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/07/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Theo đó, Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai. Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Các biện pháp chính gồm:

- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán.

- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn.

- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai.

- Các biện pháp cần thiết khác.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

Thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sỹ

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, quy định về thời gian và hình thức đào tạo như sau:

- Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này;

Mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).

- Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo. Theo quy định hiện hành, thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng.

- Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian. Hiện hành, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác