Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2021
Đăng ngày 11-06-2021 14:58, Lượt xem: 150

03 trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài; Có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; Phạt đến 500.000 đồng nếu thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định; Người đại diện trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ đại học trở lên… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2021.

03 trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định rõ, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận để sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng gồm:

- Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;

- Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;

- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018) có hiệu lực thi hành.

Văn bằng quy định trên phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tên văn bằng phù hợp với quy định về văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam;

- Thời gian đào tạo và điều kiện tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Đào tạo theo hình thức trực tiếp hoặc đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến mà thời lượng giảng dạy trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng của chương trình.

Việc miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng không bao gồm việc xác thực văn bằng; cơ quan, tổ chức hoặc người sử dụng lao động chịu trách nhiệm xác thực văn bằng trong trường hợp cần thiết.

Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và thay thế Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007, Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013.

Có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là Cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về BHXH, BHYT, BHTN và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể: cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác trong CSDLQG về bảo hiểm nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.

Các thông tin trong CSDLQG về Bảo hiểm bao gồm: Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thông tin liên hệ của công dân; Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ…; Nhóm thông tin về BHXH: Mã số BHXH; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan BHXH quản lý…; Nhóm thông tin về BHYT: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu…; Nhóm thông tin về BHTN: Quá trình đóng, hưởng…;Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế…; Nhóm thông tin cơ bản về y tế;  Nhóm thông tin về an sinh xã hội…

Như vậy, cá nhân có thể tra cứu các thông tin về BHXH như loại đối tượng BHXH; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;... và nhiều thông tin khác của mình trên CSDLQG về Bảo hiểm.

Nghị định số 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng quy định về kết nối và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN do Bộ Quốc phòng quản lý phù hợp với các quy định về bảo mật và an toàn thông tin, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phạt đến 500.000 đồng nếu thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. 

Theo đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

- Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

- Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP cũng quy định về phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

- Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

Đồng thời, phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định;

- Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;

- Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích;

- Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;

- Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.

Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021.

Người đại diện trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ đại học trở lên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ việc làm phải là người quản lý doanh nghiệp; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù; có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 2 năm trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Nghị định số 23/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và thay thế Nghị định số 52/2014/NĐ-CP và Nghị định số 196/2013/NĐ-CP, hết hiệu lực một phần Nghị định số 140/2018/NĐ-CP.

MINH ANH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác