Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 3/2021
Đăng ngày 15-03-2021 07:00, Lượt xem: 306

Hướng dẫn mới về xếp lương giáo viên mầm non công lập, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giáo viên trường cấp 3 công lập; Nhiều chính sách hỗ trợ đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Giáo viên các trường công lập không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; Phạt tới 10 triệu đồng nếu cho người khác mượn văn bằng, chứng chỉ; 8 trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến…. là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 3/2021.

Hướng dẫn mới về xếp lương giáo viên mầm non công lập, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giáo viên trường cấp 3 công lập

Từ 20/3/2021, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

- Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Cách xếp lương đối với giáo viên tiểu học được áp dụng theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT  của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

+ Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại 41, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

+ Giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

+ Giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 20/3/2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015.

Cũng từ ngày 20/03/2021, cách xếp lương đối với giáo viên THCS theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT như sau:

– Giáo viên THCS hạng III, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

– Giáo viên THCS hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

– Giáo viên THCS hạng I, mã số V.07.04.30, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.

Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/03/2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Theo Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên các trường THPT công lập được xếp như sau:

- Giáo viên THPT hạng III – mã số V.07.05.15 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Giáo viên THPT hạng II – mã số V.07.05.14 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;

- Giáo viên THPT hạng I – mã số V.07.05.13 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Nhiều chính sách hỗ trợ đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2021/NĐ-CP quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Theo Nghị định số 17/2021/NĐ-CP, thanh niên xung phong làm ở vùng đặc biệt khó khăn được miễn nhập ngũ. Trường hợp đội viên thanh niên xung phong có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được tổ chức thanh niên xung phong đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Đội viên thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau: Được hỗ trợ một khoản sinh hoạt phí 06 tháng đầu kể từ khi làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng làm việc được hưởng mức sinh hoạt phí bằng 01 lần mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật; được tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

Trường hợp đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư. 

Trường hợp thực hiện nhiệm vụ tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau:

- Trợ cấp 01 lần theo mức mỗi năm làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng 01 tháng tiền công hiện hưởng. Trường hợp không đủ 01 năm (12 tháng) nếu thời gian làm việc từ 01 tháng đến đủ 06 tháng thì hưởng 1/2 tháng tiền công, nếu thời gian làm việc trên 06 tháng thì được tính 01 tháng tiền công;

- Được miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự;

- Được cấp tiền tàu xe đi đường khi trở về địa phương.

Đối với thanh niên tình nguyện có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư.
Nghị định số 17/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 09/3/2021.

Giáo viên các trường công lập không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, từ ngày 20/3/2021, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên được quy định như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Như vậy, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (công lập) sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; khác với quy định cũ: “trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc”.

Phạt tới 10 triệu đồng nếu cho người khác mượn văn bằng, chứng chỉ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. 

Theo Điều 23 của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Theo quy định cũ tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP thì mức phạt tối đa 8 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác và sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/3/2021.

8 trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến

Có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2021, Thông tư số 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Theo đó, Thông tư số 30/2020/TT-BYT, các trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến gồm:

- Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.

- Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

- Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến.

- Người tham gia bảo hiểm y tế có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác