Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Phát huy vai trò của sản phẩm dịch vụ giải trí đêm
Đăng ngày 11-07-2020 13:59, Lượt xem: 3948

“Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, chợ đêm Bạch Đằng… Ngay trong thời gian chung tay cùng cả nước chống dịch, nhiều đơn vị đã nhanh chóng nghiên cứu triển khai sản phẩm dịch vụ về đêm để có thể ra mắt du khách sau khi dịch bệnh được khống chế. Đây sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn, mà còn thúc đẩy việc hình thành nền kinh tế ban đêm hiện đang còn bỏ ngõ của Đà Nẵng”. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại buổi Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức ngày 10-7.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát triển kinh tế đêm – Động lực thu hút khách du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19

Qua một tháng triển khai chương trình kích cầu sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, Đà Nẵng đã đón và phục vụ 454.764 lượt khách tăng 85% so với thời điểm tháng 5-2020. Tổng cộng các khu điểm du lịch đã đón hơn 191.000 lượt khách. Các đường bay nội địa đã bắt đầu hoạt động trở lại với 90/90 chuyến/ ngày so với cùng kỳ. Thành phố đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách cho phép miễn phí vé tham quan từ 1/6-31/8 tại các Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật... hỗ trợ thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng là mô hình Quỹ xã hội với số vốn ban đầu là 3,85 tỷ đồng do doanh nghiệp đóng góp.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi từ quý IV-2020. Xu hướng lựa chọn điểm du lịch có yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến cũng như sự hấp dẫn các sản phẩm du lịch; ưu tiên các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày. Khảo sát của The Conference Board và Niesel cũng cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc thuộc các gia đình trung lưu trở lên.

Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động, ngoài việc triển khai chương trình kích cầu du lịch đã có tác động tốt, sức lan tỏa cao... Phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Nhấn mạnh kinh tế đêm như một chiến lược cạnh tranh và phát triển các đô thị thời đại "hậu công nghiệp", PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế ban đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày, kéo dài từ 17h hôm trước đến 6h hôm sau, tạo thành cuộc sống kinh tế ban đêm, sẽ là một giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam. Đó là nền kinh tế đích thực nhằm thúc đẩy du lịch địa phương, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào đêm. Dựa trên những dẫn chứng tại London (Anh), New York (Mỹ) hay thành phố Sydney (Australia) với nền kinh tế đêm đã góp phần tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỷ USD và mang lại 102 tỷ USD mỗi năm, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy các thành phát triển, nhờ hoạt động văn hóa nghệ thuật, lao động trí tuệ sáng tạo hay làm việc ban đêm. Đó là giải pháp thúc đẩy thương hiệu địa phương, thị hiếu vùng đa dạng trên cả hai lĩnh vực văn hóa và các sản phẩm tiêu dùng địa phương. Hướng đến xây dựng chân dung đô thị mới thân thuộc và thân thiện hơn, với nhiều hoạt động văn hóa, nhiều ánh sáng, an ninh và an toàn hơn.

"Các đơn vị lữ hành rất mong muốn có thêm nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới và cách làm kinh tế đêm an toàn, hấp dẫn để du khách gia tăng chi tiêu cũng như thời gian lưu trú" - Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Saigontourist, Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ.

Tại Việt Nam, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 12h đêm. Năm 2017, Việt Nam thu 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng con số này ở Singapore là 18,4 tỷ USD, Indonesia là 12,6 tỷ USD. Theo PGS Trần Đình Thiên, nền kinh tế số và kinh tế đêm chính là hai yếu tố giúp Đà Nẵng lấy lại vị trí tiên phong về phát triển du lịch. Bản sắc văn hóa, nghệ thuật ẩm thực, dân số trẻ, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... là những lý do tất yếu để kinh tế về đêm phát triển, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Tại Đà Nẵng, kinh tế ban đêm hiện đang dần hình thành với những tiềm năng lợi thế sẵn có ban đầu. Tuy nhiên, thời gian hoạt động ban đêm của hầu hết các dịch vụ show diễn, khu vui chơi, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe/ làm đẹp chỉ đến khoảng 22-23h đêm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc hoạt động đến 24h theo quy định. Sau thời gian này, chỉ còn một số dịch vụ bar, pub trong khách sạn, vũ trường…và sẽ kết thúc vào 2h sáng, chỉ có khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài hoạt động 24/24h.  Quy mô các hoạt động còn nhỏ lẻ, nằm rải rác xen lẫn khu dân cư;  thiếu những điểm vui chơi giải trí tập trung, quy mô lớn với các dịch vụ đa dạng để thu hút du khách. 

Cần những giải pháp thích ứng với nền kinh tế đêm

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, những năm qua, tại Đà Nẵng tồn tại một nghịch lý, đó là du khách rất hào hứng với việc tham quan vui chơi vào ban ngày, nhưng họ không có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí về đêm. Thống kê 8 tháng đầu năm 2019, số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế trên địa bàn thành phố chỉ là 1,8 ngày; khách trong nước là 1,68 ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Du khách sau khi vui chơi ban ngày tại Đà Nẵng có xu hướng về Hội An để xem show diễn, dạo phố và thưởng thức những trải nghiệm về đêm.

"Đặt thực tế này trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu COVID-19, khi thị trường trong nước đang là trọng yếu, và nhìn lại bài học thành công trong việc phục hồi ngành du lịch sau đại dịch SARS năm 2003 nhờ phát triển mạnh nền kinh tế đêm của một số quốc gia, sẽ thấy rõ ràng việc gia tăng những sản phẩm dịch vụ ban đêm, có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng, ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách. Trong thời gian đến, thành phố sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, quy hoạch đồng bộ cũng như ban hành cơ chế quản lý thích hợp để phát huy vai trò dịch vụ giải trí đêm và đảm bảo an ninh, an toàn đô thị..." - Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết.

Với những sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm mới mẻ độc đáo, Đà Nẵng sẽ có thêm lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh so với những địa phương khác trong cuộc đua kích cầu hiện tại

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021, UBND thành phố đã đề xuất HĐND thành phố xem xét ưu tiên nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thiện và khai thác các khu vực sẵn có hoạt động, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm như: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành… Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng để thông qua Nghị quyết về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế ban đêm gồm 4 nhóm hoạt động/ dịch vụ gồm văn hóa – vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch (tham quan). Tổ chức khai thác các khu vực/ dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Về lâu dài, thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/ khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt đạt quy mô, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế nổi tiếng trên thế giới.

Về giải pháp quy hoạch, giai đoạn 1 từ năm 2021-2023, thí điểm các dịch vụ trên 4 khu vực Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa và Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển. Giai đoạn 2 từ năm 2023- 2025, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm như: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại, tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa... Thành phố sẽ quy hoạch cụ thể các cụm/ khu vực trọng điểm, riêng biệt phát triển kinh tế ban đêm để kêu gọi đầu tư hình thành các khu tổ hợp giải trí ban đêm quy mô, đạt tiêu chuẩn quốc tế; các quận huyện lựa chọn một số vị trí phù hợp để triển khai thí điểm tổ chức các chương trình, hoạt động phục vụ phát triển kinh tế đêm.

"Cần hiểu sâu sắc lợi thế và điểm mạnh, yếu của Đà Nẵng để xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế ban đêm tổng thể" - đại diện các công ty kinh doanh du lịch, lữ hành đề xuất.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố, các doanh nghiệp mong muốn có những cơ chế chính sách để hoạt động sôi nổi về đêm thu hút thêm du khách, để các sản phẩm dịch vụ giải trí đêm phát triển bền vững. Hiệp hội đề xuất thành phố cần có những hoạt động sau 24h, kéo dài thời gian hoạt động của Chợ đêm, các quán bar, giải khát dọc đường Bạch Đằng... cũng như các chính sách về miễn giảm thuế các loại để khuyến khích doanh nghiệp mở cửa hoạt động về đêm. Đồng thời, cần tăng cường quản lý đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, xử lý các tệ nạn, tình trạng chặt chém lừa dối du khách; làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối thiểu rác thải nhựa...

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS đề xuất thành phố cần hỗ trợ đầu tư cho hệ thống công nghệ 4.0 trong sử dụng kết nối cơ sở dữ liệu, cập nhật về các sản phẩm dịch vụ để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin hoạt động về đêm. Cùng với việc khuyến khích đầu tư để nhanh chóng cho ra đời Cảng du lịch đường sông bài bản, thành phố tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để gấp rút cho ra đời Khu phố đêm (Phố đi bộ) đủ lớn ngay trung tâm thành phố, có thể là khu vực Helio - Tiên Sơn - Cung thiếu nhi – Công viên châu Á Asia Park - kéo dài ra bến sông gần cầu Trần Thị Lý; hoặc từ Cầu Rồng đi theo dọc sông Hàn phía Tây rồi sang cầu Nguyễn Văn Trỗi. 

Đại diện một số đơn vị lữ hành cũng cho rằng, việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm, từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn. Dịch vụ phục vụ khách du lịch mang tính chất xuyên văn hóa, điểm đến là văn hóa bản địa, còn khách du lịch mang văn hóa ở nơi khác đến; do đó, cần xây dựng các cụm điểm quy tụ văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, cần có sự quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. Tại buổi tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines cũng cam kết sẽ phối hợp phát triển mạng đường bay, tăng cường khai thác đến Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy du lịch về đêm nói riêng và kích cầu điểm đến Đà Nẵng nói chung.

Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu thành phố sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ tiền thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước biển, bãi biển; hỗ trợ tiền điện, nước trong khung giờ từ 22h đêm đến 04h00 sáng. Đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ thành phố và tập trung hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở du lịch; đảm bảo hạ tầng về giao thông, hệ thống wifi, trang trí cảnh quan... Đặc biệt, triển khai các giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác