Về quyền xử lý kỷ luật người lao động
Đăng ngày 20-02-2019 15:04, Lượt xem: 359

Đơn vị tôi làm việc là công ty cổ phần, theo cơ cấu tổ chức, Phó Giám đốc phụ trách Hành chính - Nhân sự được Giám đốc ủy quyền thực hiện các vấn đề liên quan đến người lao động. Vậy, Phó giám đốc này có quyền xử lý kỷ luật người lao động hay không? 

Trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định:

“1. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;

    b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật;

    c) Chủ hộ gia đình;

    d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

    Trường hợp người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này không trực tiếp giao kết hợp đồng lao động thì ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác giao kết hợp đồng lao động theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.”

Và tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định:

“ Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 3 Nghị định này là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác