Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 8/2021
Đăng ngày 14-08-2021 02:43, Lượt xem: 124

Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên; Quy định về xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành hành chính; Đối tượng và mức hưởng phụ cấp thâm niên giáo viên; Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức chuyên ngành hành chính, công chức chuyên ngành văn thư; Quy định mới về đối tượng tuyển sinh cao đẳng nghề…. là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 8/2021.

Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên

Có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, Thông tư số 03/2021/TT-BNV  ngày 29/6/2021 của Bộ Nội vụ sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời  hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Theo đó, bổ sung thêm 01 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, từ ngày 15/8/2021, sẽ có 05 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:

 - Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự

Quy định về xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành hành chính

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, văn thư.

Theo đó, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Ngạch Chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) áp dụng bảng lương công chức (BLCC) loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến 8,00;

- Ngạch Chuyên viên chính (mã số 01.002) áp dụng BLCC loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến 6,78;

- Ngạch Chuyên viên (mã số 01.003) áp dụng BLCC loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;

- Ngạch Cán sự (mã số 01.004) áp dụng BLCC loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến 4,89;

- Ngạch Nhân viên (mã số 01.005) áp dụng BLCC loại B, từ hệ số lương 1,86 đến 4,06.

Thông tư số 02/2021/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/8/2021

Đối tượng và mức hưởng phụ cấp thâm niên giáo viên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, đối tượng được hưởng và mức hưởng phụ cấp thâm niên giáo viên.

Nghị định số 77/2021/NĐ-CP áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bao gồm:

 - Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

 - Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Mức hưởng và cách tính phụ cấp thâm niên được quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP như sau;

- Nhà giáo tham gia giảng dạy giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng mức 5% múc lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

 - Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

 Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng như sau:  Mức tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng với hệ số phụ cấp chức danh lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng  x Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.

Nghị định số 77/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2021.     

Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức chuyên ngành hành chính, công chức chuyên ngành văn thư

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức văn thư.

Cụ thể, theo Thông tư số 02/2021/TT-BNV, đối với ngạch chuyên viên cao cấp, tiêu chuẩn trình độ đào tạo bồi dưỡng, chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp trở lên; bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp.

Đối với ngạch chuyên viên chính, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính. Ngạch chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên.

Như vậy, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Thông tư số 02/2021/TT-BNV có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2021.

Quy định mới về đối tượng tuyển sinh cao đẳng nghề

Có hiệu lực từ ngày 22/8/2021, Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, tuyển sinh cao đẳng nghề.

Theo đó, Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH nêu rõ đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng gồm:

- Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

- Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Theo Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH, hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm: Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp; bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.

Các hình thức đăng ký dự tuyển gồm:

- Đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp và nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển.

- Đăng ký trực tuyến (online) trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có địa chỉ tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trên các trang thông tin điện tử của các trường.

- Đăng ký trực tuyến (online) qua ứng dụng “Chọn nghề” được cài đặt trên các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng).

MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác