Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2020
Đăng ngày 08-10-2020 09:18, Lượt xem: 357

Quy định mới về mức xử phạt trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Phạt đến 30 triệu đồng nếu gọi điện quảng cáo sau 17h; Nộp 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại; Xử phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2020.

Quy định mới về mức xử phạt trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt như sau:

- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020 (mức cũ là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020 (mức cũ là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 98/2020 thì bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức):

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm (trừ trường hợp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng); tịch thu phương tiện vận tải vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Đồng thời, buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Các cá nhân có hành vi bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan,... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu theo quy định kể trên, thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020.

Phạt đến 30 triệu đồng nếu gọi điện quảng cáo sau 17h

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP  về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP  quy định rõ, các bên quảng cáo không được gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại, 3 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử. Bên cạnh đó, các đơn vị chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian 7h đến 22h mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h mỗi ngày. Quảng cáo ngoài khung giờ trên sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Các tổ chức chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo khi đã được cấp tên định danh, không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn hoặc gọi điện quảng cáo.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký vào hoặc rút ra khỏi "Danh sách không quảng cáo". Đây là danh sách tập hợp số điện thoại mà người sử dụng đó đã đăng ký không chấp nhận bất kì tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào. Danh sách này sẽ do Bộ Thông tin & Truyền thông quản lý.

Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo và tin nhắn quảng cáo tới bất kì số điện thoại nào trong "Danh sách không quảng cáo".

Cũng  theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, hành vi gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng cho phép, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi đã từ chối, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656. Những thông tin, dữ liệu từ hệ thống này và các nguồn thông tin, dữ liệu khác được cơ quan quản lý sử dụng để điều phối xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác.

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Theo đó, quy định tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. (Tăng gấp đôi so với quy định tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP là chỉ phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng).

Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2020 và thay thế cho Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ.

Nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 23/2020/TT-BCT của Bộ Công thương về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.

Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở (M) là mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện đến địa điểm thực hiện từ 05 km trở xuống theo công thức:

M = Chi phí nhân công + Chi phí đi lại

Trong đó:

- Chi phí nhân công được tính theo các yếu tố gồm mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp;

- Chi phí đi lại là chi phí đi lại để thực hiện cho một lần ngừng, cấp điện trở lại.

Đặc biệt, Thông tư số 23/2020/TT-BCT quy định cụ thể mức chi phí này như sau:

- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: M = 98.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: M = 231.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: M = 339.000 đồng.

Phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng, cấp điện trở lại trong trường hợp:

- Ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp: Ngừng cấp điện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình; theo yêu cầu của bên mua điện;

- Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm bị bên bán điện ngừng cấp điện.

Trình tự ngừng cấp điện trong trường hợp này như sau:

- Trường hợp không có thỏa thuận lùi ngày thanh toán tiền điện và bên mua điện đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 2 lần thì sau 15 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện;

- Trường hợp bên mua điện có đề nghị thoả thuận và được bên bán điện đồng ý lùi ngày thanh toán tiền điện, nếu quá thời hạn thoả thuận lùi ngày thanh toán tiền điện mà bên mua điện vẫn chưa thanh toán đủ tiền điện và cả tiền lãi của khoản tiền điện chậm trả (nếu có), bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện;

Khi thực hiện ngừng cấp điện, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ và không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác